Phát Ban
Bệnh phát ban là hiện tượng xuất hiện những mảng hoặc chấm da đổi màu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phát ban gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Để giúp mọi người hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách điều trị hiệu quả, tôi đã biên soạn bài viết này. Bà con nào quan tâm có thể tham khảo bài biết này.
Phát ban là gì?
Phát ban là tình trạng da có những thay đổi về màu da, kết cấu da do một nguyên nhân nào đó. Bệnh phát ban cũng có thể là biểu hiện của các bệnh như bệnh chàm (eczema), u hạt, liken phẳng và bệnh vảy phấn hồng.
Phát ban trên da có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như: mặt, môi, lưỡi, cổ họng hoặc tai. Các nốt phát ban có các kích thước khác nhau, chúng có thể nhỏ li ti hoặc tạo thành mảng phát ban lớn.
Nguyên nhân phát ban
Phát ban thường do cơ thể phản ứng với chất đặc biệt gây giải phóng histamine (đây là một hóa chất được giải phóng từ các tế bào chuyên biệt dọc theo mạch máu của da, làm cho máu thoát ra khỏi lòng mạch máu nhỏ trên da.
Phát ban trên da cấp tính thường kéo dài dưới sáu tuần. Các nguyên nhân có thể do:
- Dị ứng thực phẩm: Các loại hạt, sô cô la, cá, trứng, sữa, một số phụ gia thực phẩm, chất bảo quản,... có thể gây phát ban.
- Dị ứng thuốc: Aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid khác như ibuprofen, thuốc hạ huyết áp cao (thuốc ức chế men chuyển) hoặc thuốc giảm ho như codein.
- Nhiễm trùng: Thủy đậu, sởi,...
- Côn trùng cắn
- Ngộ độc
- Phản ứng với các hóa chất: Các hóa chất trong kem chống nắng, xà phòng kháng khuẩn, kem dưỡng da, bột giặt, chất tẩy rửa, chất bảo quản, dầu gội, dầu xả, chất làm mềm vải.
Tình trạng phát ban mãn tính thường kéo dài hơn 6 tuần và thường không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể do:
- Bệnh tuyến giáp
- Viêm gan
- Nhiễm trùng, nhiễm nấm
- Ung thư
Phát ban do tác động vật lý là tình trạng phát ban thường xảy ra tại nơi bị kích thích và hiếm khi xuất hiện ở nơi khác. Phát ban trong trường hợp này sẽ kéo dài trong vòng một giờ sau khi tiếp xúc như:
- Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh
- Phơi nắng
- Stress
- Đổ nhiều mồ hôi
- Tập luyện thể dục thể thao
Tuy nhiên, với một số nguyên nhân khác hoặc sau một khoảng thời gian có biểu hiện lan rộng hơn thì rất nguy hiểm. Những trường hợp này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng.
Triệu chứng
Phát ban là triệu chứng bệnh, tùy theo nguyên nhân gây phát ban tôi nhắc tới ở trên mà có những dấu hiệu bệnh khác nhau. Cụ thể như sau:
Côn trùng tấn công
Phát ban thường xuất hiện sau khi côn trùng cắn. Dấu vết ban đỏ xuất hiện tại vị trí bị cắn hoặc xung quanh đó. Có dấu vết ban đỏ xuất hiện tại vị trí bị cắn hoặc xung quanh vết đó. Ngoài ra kèm theo các vết sưng đỏ, bao quanh là quầng đỏ.
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn
- Phát ban đỏ có vết tròn, nổi trên má. Các vết này sẽ thấy rõ hơn khi tắm, thấy rõ nhất ở cánh tay, chân và nhiều phần khác trên cơ thể.
- Xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn và tiêu chảy.
Chốc lở
- Đây là dạng phát ban ở trẻ em hoặc trẻ sơ sinh, thường tập trung vùng quanh miệng, mũi và cằm.
- Bệnh gây ra các triệu chứng như các mụn nước, dễ bong ra và chảy lớp nước màu vàng gây khó chịu cho người bệnh.
Viêm da tiếp xúc
- Trường hợp này, trên da xuất hiện tình trạng phát ban với biểu hiện ngứa đỏ có đường viền rõ ràng tại vị trí tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
- Ở tình trạng nặng có thể xuất hiện mụn nước, dễ bị vỡ và khô da
Bệnh vẩy nến
Người bị phát ban do bệnh vẩy nến sẽ có tình trạng chung là xuất hiện các mảng dài, màu đỏ được bao phủ bởi các lớp vảy màu trắng và bạc. Những mảng này thường tập trung ở da đầu, khuỷu tay, đầu gối và vùng lưng dưới.
Lupus ban đỏ
Phát ban do lupus ban đỏ thường xuất hiện trên mặt, có các hình dạng như con bướm xuyên từ 2 má đến mũi.
Tôi thấy thông thường các vị trí phát ban khi chuyển qua mức độ nặng có thể gây loét. Thậm chí những biểu hiện bệnh có thể càng nặng hơn khi tiếp xúc với mặt trời.
Bệnh tay chân miệng
Đây là bệnh phổ biến, có thể gây dấu hiệu phát ban ở trẻ em dưới 5 tuổi. Khi mắc bệnh sẽ xuất hiện các đốm đỏ, phẳng nằm trên lòng bàn tay và chân.
Có thể xuất hiện mụn nước ở miệng, lưỡi và nướu của trẻ, bệnh có thể tạo ra các đốm đỏ xuất hiện ở mông hoặc bộ phận sinh dục.
Dị ứng thuốc
- Những người bị dị ứng thuốc sẽ xuất hiện các nốt mẩn đỏ kèm theo ngứa và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Ở những trường hợp nặng hơn có thể gây ra các triệu chứng khó thở, tim đập nhanh.
- Một số bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: sốt, đau dạ dày,...
Bệnh sởi
- Dấu hiệu phát ban do bệnh sởi có thể xuất hiện ở mặt hoặc ở nhiều nơi trên cơ thể trong vòng từ 3 đến 5 ngày kèm theo các đốm màu đỏ, có thể xuất hiện ở trong miệng.
- Khi mắc sởi, người bệnh có thể có các triệu chứng như đau họng, sốt, ho, sổ mũi,...
Thủy đậu
Người bị thủy đậu xuất hiện các mụn nước ngứa đỏ ở nhiều nơi trên cơ thể. Những nốt phát ban này đi kèm với sốt, đau nhức khắp cơ thể, đau họng làm cho bệnh nhân cảm thấy chán ăn.
Thậm chí xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng khi các mụn nước bị vỡ.
Viêm mô tế bào da
Đây là một trong những bệnh nguy hiểm có thể xuất hiện dấu hiệu phát ban. Do vi khuẩn, nấm tấn công tại các vết xước, nứt trên da. Thông thường da sẽ bị đỏ, đau, sưng và kèm theo các triệu chứng như sốt, ớn lạnh và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bệnh Kawasaki
Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh biểu hiện sốt cao, lòng bàn tay, chân sưng đỏ còn sưng hạch bạch huyết, mắt đỏ ngầu.
Trên đây là những triệu chứng phát ban điển hình. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà phát ban sẽ có những biểu hiện khác nhau. Do vậy, tôi khuyên bà con khi phát hiện những biểu hiện bệnh trên, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kiểm tra để phát hiện bất thường, điều trị kịp thời.
Biến chứng
Thông thường, tôi thấy các trường hợp phát ban ở người lớn và trẻ nhỏ ở mức độ nhẹ sẽ khỏi sau vài ngày và không gây ra biến chứng gì. Nhưng trong một số trường hợp bệnh nặng, người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như sốt cao kéo dài, thậm chí sốt trên 40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt có thể gây co giật, khó thở, thở gấp.
Trong một số trường hợp, người bệnh nốt phát ban có thể lan rộng ra nhiều vùng trên cơ thể, mệt mỏi thậm chí li bì hoặc bị hôn mê sâu, viêm não, viêm phổi.
Chẩn đoán phát ban
Thông thường khi bà con đi khám, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng để xác định tình trạng bệnh của bệnh nhân. Tôi thấy các bác sĩ sẽ:
- Đặt ra một số câu hỏi về tiền sử bệnh, câu hỏi xung quanh hiện tượng phát ban, chế độ ăn, các loại thuốc gần đây đang sử dụng, cách vệ sinh da.
- Sau đó sẽ tiến hành đo nhiệt độ, xét nghiệm máu và làm sinh thiết trên da, tiến hành các kiểm tra khác để đánh giá chính xác hơn về bệnh.
Cách điều trị phát ban
Sau khi đã có kết quả chẩn đoán bệnh, dựa vào các triệu chứng bệnh, xác định rõ tình trạng, nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị ohuf hợp với tình trạng bệnh của bà con:
Dùng thuốc trị phát ban
Tôi thấy rằng đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn khi thấy các dấu hiệu bệnh bởi cho hiệu quả nhanh chóng. Các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng viêm, chống dị ứng, chống mẫn cảm,.. như:
- Thuốc kháng histamin: Đây là loại thuốc cho các trường hợp phát ban do mề đay, dị ứng. Các loại thuốc thường được sử dụng như: Clorpheniramin, hydroxyzine, cetirizine,..
- Thuốc chứa corticoid: Thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, kháng viêm, giảm nhanh triệu chứng phát ban. Các loại thuốc được chỉ định đó là: Triamcinolone, Fluocinolone, Hydrocortisone,…
- Thuốc bôi: Thuốc được chỉ định khi phát ban đỏ do dị ứng và mề đay. Thuốc bôi trực tiếp ngoài da. Các loại thuốc được sử dụng đó là: Phenergan, Eumovate…
Mặc dù thuốc tây trị phát ban giúp làm giảm các triệu chứng bệnh nhanh chóng nhưng có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể. Vì vậy, tôi khuyên mọi người cần tuân thủ nghiêm theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và sử dụng ở nhà.
Mẹo dân gian
Với những người bị phát ban ở mức độ nhẹ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại nhà. Đây là các mẹo dân gian được áp dụng từ lâu đời, an toàn, hiệu quả, ít tác dụng phụ được nhiều người ưa chuộng. Người bệnh có thể áp dụng các cách sau đây:
- Tắm bằng nước lá sả trị phát ban: Bà con chuẩn bị một nắm lá sả, lá ổi, lá đinh hương rửa sạch. Cho các nguyên liệu trên vào nồi và nấu chung với nước. Đun sôi nồi nước khoảng 5 - 10 phút tắt bếp để nước nguội bớt hoặc hòa thêm nước mát để tắm.
- Uống nước lá tía tô: Lấy một nắm lá tía tô, rửa sạch và đun nước uống hàng ngày.
- Tắm nước lá khế: Chuẩn bị một nắm lá khế, ngâm cùng với nước muối loãng trong khoảng 15 phút và rửa sạch lại với nước. Dùng tay vò nát lá khế rồi cho vào nồi đun sôi từ 3 - 5 phút thì tắt bếp. Đợi nước nguội bớt, lọc lấy phần nước cốt, lá để riêng. Thêm một chút nước sạch vào nước cốt lá khế và tắm. Còn phần lá khế chà nhẹ vào nốt phát ban.
- Tắm nước lá trầu không: Chuẩn bị 10 lá trầu không, mang đi rửa sạch, cho vào nồi nấu cùng lượng nước vừa đủ và cho thêm một chút muối. Đun sôi nhỏ lửa trong 5 - 10 phút. Lấy nước lá trầu không pha cùng nước tắm hoặc cho nước trầu nguội hẳn và lau rửa vùng da bị bệnh. Ngoài ra để tăng hiệu quả, bạn có thể dùng kết hợp bã lá trầu không để chà xát nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương.
Các mẹo dân gian an toàn, lành tính nhưng lại chỉ áp dụng với trường hợp phát ban nhẹ, không có tác dụng với trường hợp phát ban nặng. Do vậy, bà con cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng những cách làm này.
Bài thuốc Đông y
Theo quan niệm của Đông y, phát ban là hiện tượng xảy ra khi cơ thể nhiễm phong hàn, phong nhiệt, phong thấp,... gây ra tích tụ độc tố ở ngoài da. Bên cạnh đó, huyết nhiệt, huyết ứ, chức năng của các tạng phủ bị suy giảm, hoạt động đào thải độc tố kém,... cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới phát ban, nổi mẩn ngứa trên da.
Do đó, để điều trị chứng bệnh này, đông y tập trung xử lý nguyên nhân bên trong cơ thể, loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây bệnh kết hợp điều trị triệu chứng bệnh ngoài da.
Các bài thuốc Đông y bà con có thể áp dụng đó là:
- Bài thuốc 1: Bài thuốc này có tác dụng trị phát ban hay mảng ban đỏ rải rác, ngứa, phát sốt, sợ gió. Các thành phần bài thuốc bao gồm Mạch nha 6g, liên kiều 6g, phòng phong 4g, hoàng cầm 4g, huyền sâm 4g, cúc hoa 4g, cam thảo 4g. Mỗi ngày sắc một thang thuốc, chia thành các phần bằng nhau và uống hết trong ngày. Ngoài ra bà con phối hợp với các nguyên liệu: Xà sàng tử 20g, kim ngân hoa 20g, tô mộc 30g... đun nước rửa vùng bị phát ban.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị Kim ngân 6g, hoàng bá 4g, bạch tiểu bì 4g, cam thảo 4g, liên kiều 4g, cúc hoa 4g, phòng phong 4g, sa tiền tử 4g, kinh giới 6g, thương truật 6g, phục linh 6g, ý dĩ 10g. Sắc các nguyên liệu trên cùng 500ml nước ở lửa nhỏ tới khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành 3 phần bằng nhau và uống hết trong ngày.
- Bài thuốc 3: Các nguyên liệu gồm có Hoàng bá 6g, kinh giới 6g, kim ngân hoa 8g, huyền sâm 6g, phòng phong 6g, đan bì 4g, liên kiều 6g, ý dĩ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc 4: Bà con chuẩn bị các nguyên liệu sau: Thanh đại 6g, bạch cập 6g, hoàng kỳ 6g, bạch chỉ 4g, hoắc hương 4g, cam thảo 4g, nhũ hương 4g, thương truật 6g. Sắc uống ngày 1 thang thuốc.
Tuy nhiên, thuốc Đông y có tác dụng chậm nên người bệnh cần kiên trì uống thuốc trong thời gian dài, không bỏ dở thuốc giữa chừng làm ảnh hưởng tới chất lượng của bài thuốc.
Phòng ngừa phát ban
Có nhiều nguyên nhân gây ra phát ban đồng nghĩa với việc bệnh có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào. Để phòng tránh bệnh, bà con cần áp dụng một số cách dưới đây:
- Tắm rửa, vệ sinh thân thể thường xuyên và đúng cách để loại bỏ bụi bẩn, hạn chế sự tấn công của các tác nhân gây hại.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất, môi trường ô nhiễm, các chất độc hại,... trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc, người bệnh cần áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm để duy trì lớp ẩm tự nhiên, bảo vệ da tốt hơn.
- Nếu có tiền sử bị dị ứng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm,... cần hết sức cẩn thận khi sử dụng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung cho cơ thể các chất dinh dưỡng như nhiều rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp thêm vitamin và các khoáng chất cần thiết.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và tăng cường sức đề kháng, trao đổi chất, giúp tinh thần thoải mái hơn…
- Nên khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh từ ban đầu.
Mong rằng qua bài viết trên đây, bà con đã nắm rõ được những thông tin về bệnh phát ban. Đây là bệnh khá phức tạp, gồm nhiều loại nên thường gây khó khăn cho việc điều trị. Vì vậy mọi người cần phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.