Trẻ Em Đau Bụng Dưới Rốn: Nguyên Nhân Do Đâu Và Điều Trị Thế Nào?
Đau bụng dưới rốn xảy ra khá phổ biến ở trẻ. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như khó tiêu, viêm dạ dày, ruột thừa, nhiễm giun, ngộ độc thức ăn,… Vậy khi trẻ em đau bụng dưới rốn cha mẹ cần phải làm gì và khi nào nên đưa trẻ tới bệnh viện? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây để từ đó có cách chăm sóc trẻ tốt nhất.
Nguyên nhân khiến trẻ em bị đau bụng dưới rốn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng dưới rốn ở trẻ. Điều này khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, khó chịu gây ảnh hưởng lớn quá trình học tập và sinh hoạt của con. Đặc biệt, trong các trường hợp là bệnh lý nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Viêm dạ dày ruột khiến trẻ em đau bụng dưới rốn
Viêm dạ dày ruột là tình trạng đường tiêu hóa của trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Ngoài triệu chứng đau vùng bụng quanh rốn trẻ còn có thể bị sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều về đêm,… Thông thường bệnh có thể tự khỏi mà không cần tới sự can thiệp y tế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nặng sẽ xảy ra biến chứng như cơ thể bị mất nước gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà cha mẹ cần lưu ý.
Viêm ruột thừa
Nếu trẻ bị đau bụng ở xung quanh rốn, sau đó lan nhanh xuống vùng bụng dưới bên phải thì cha mẹ không nên chủ quan bởi rất có thể đó là biểu hiện của bệnh viêm ruột thừa. Ngoài ra, một số biểu hiện kèm theo có thể xảy ra như chán ăn, buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón,… Vì vậy, khi trẻ bị đau bụng cha mẹ cần quan sát kỹ các triệu chứng của con để có thể đưa đi cấp cứu kịp thời.
Lồng ruột
Lồng ruột là tình trạng một khúc ruột đang bị lồng vào bên trong khúc ruột khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng dưới rốn. Đối tượng thường bị lồng ruột là trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng. Ngoài triệu chứng đau bụng dưới rốn, trẻ có thể có các triệu chứng như nôn mửa, nôn dịch nhầy màu vàng hoặc xanh, đi đại tiện ra máu, khóc thét từng cơn do đau bụng dữ dội. Trường hợp này rất nguy hiểm nên cha mẹ cần hết sức lưu ý quan sát trẻ.
Khó tiêu khiến trẻ em đau bụng dưới rốn
Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa non yếu nên thường xảy ra triệu chứng khó tiêu với các biểu hiện như đau bụng vùng quanh rốn và vùng xương ức, đầy hơi bụng trên. Tình trạng này có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu nhưng không gây nguy hiểm. Đặc biệt, nếu cha mẹ chăm sóc đúng cách chứng khó tiêu của con sẽ biến mất nhanh chóng.
Tắc ruột non
Trẻ bị tắc ruột non khi một phần hoặc toàn bộ ruột non của trẻ bị tắc nghẽn bởi khối u, viêm, nhiễm trùng… trong ruột. Tình trạng này khiến trẻ đau bụng dữ dội ở vùng bụng dưới rốn kèm theo các triệu chứng chướng bụng, nôn mật xanh mật vàng, sốt, mất nước, tăng nhịp tim,… Tắc ruột non rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng của trẻ.
Trẻ bị đau bụng dưới rốn có thể do nhiễm giun
Nhiễm giun cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng đau bụng dưới rốn ở trẻ. Khi xét nghiệm sẽ thấy có trứng giun trong phân và khi siêu âm có thể sẽ thấy cả hình ảnh của giun đũa. Vì vậy, cha mẹ nên tẩy giun cho con định kỳ để phòng tránh nhiễm giun.
Táo bón khiến trẻ bị đau bụng dưới rốn
Táo bón là tình trạng phổ biến ở những trẻ có chế độ dinh dưỡng không cân đối, bổ sung ít chất xơ trong khi lại ăn nhiều đồ dầu mỡ. Tình trạng này không gây nguy hiểm nếu cha mẹ khắc phục sớm chế độ ăn hàng ngày cho trẻ bằng việc bổ sung thêm rau xanh và trái cây tươi. Còn nếu để táo bón kéo dài cũng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho con.
Ngộ độc thức ăn
Khi trẻ ăn phải thức ăn chưa được chế biến kỹ hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ rất dễ bị ngộ độc thức ăn với các biểu hiện đau bụng dưới rốn, sốt hoặc tiêu chảy. Khi đó các vi sinh vật hoặc hóa chất gây hại có trong thực phẩm sẽ xâm nhập vào hệ tiêu hóa non nớt của trẻ gây ra ngộ độc. Đây cũng là một trong những trường hợp cha mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời tránh xảy ra biến chứng.
Điều trị khi trẻ em đau bụng dưới rốn
Khi trẻ bị đau bụng dưới rốn, cha mẹ có thể giảm đau cho trẻ bằng một số phương pháp sau:
Sử dụng thuốc Tây y
Việc sử dụng thuốc trị đau bụng cho trẻ cần có sự tham vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Khi đã nắm rõ được nguyên nhân gây bệnh là gì, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng một số loại thuốc như sau:
- Thuốc cầm tiêu chảy: Cho trẻ dùng dung dịch Oresol để bù điện giải.Thuốc được sử dụng khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
- Thuốc điều trị táo bón: Sử dụng thuốc Norgalax, Duphalac, Forlax, Methylcellulose, Sorbitol… để bổ sung chất xơ, nhuận tràng, làm mềm phân.
- Thuốc giảm đầy bụng, khó tiêu: Dựa vào độ tuổi mà sử dụng các loại thuốc như phosphalugel, maalox plus, pepsane… Tuy nhiên không dùng các loại thuốc này cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Bổ sung men tiêu hóa: Nếu trẻ bị đau bụng do loạn khuẩn đường ruột thì cần sử dụng men tiêu hóa. Men vi sinh chứa các vi khuẩn có lợi giúp quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa ở trẻ.
Cải thiện tình trạng đau bụng dưới rốn cho trẻ tại nhà
Một số thực phẩm dưới đây sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng đau bụng dưới rốn ngay tại nhà mà cha mẹ có thể tham khảo để áp dụng.
- Sữa chua: Sữa chua là thực phẩm vừa thơm ngon, dễ ăn lại rất tốt cho hệ tiêu hóa mà trẻ nào cũng thích. Trong thành phần của sữa chua có chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và vi khuẩn Lactobacillus Acidophilus làm tăng nhu động ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa đồng thời tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Vì vậy khi trẻ bị đau bụng dưới rốn, cha mẹ hãy cho con ăn 1 – 2 hộp sữa chua mỗi ngày để xoa dịu cơn đau cho trẻ.
- Mật ong: Trong thành phần của mật ong có chứa Oligosaccharide, khi đi vào ruột già sẽ lên men giúp tạo ra các axit béo. Từ đó làm tăng sinh chủng Bifidobacteria có lợi cho hệ tiêu hóa, ngăn nhiễm trùng đường ruột hiệu quả. Ngoài ra trong thành phần của mật ong còn có các chất kháng viêm, kháng khuẩn giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Cha mẹ chỉ cần pha mật ong với nước ấm và cho trẻ uống, tình trạng đau bụng sẽ cải thiện đáng kể. Lưu ý, mật ong không dùng được cho trẻ dưới 1 tuổi vì dễ gây ngộ độc.
- Trà hoa cúc: Trong thành phần của trà hoa cúc có chứa Chamomile giúp giảm cơn co thắt bên trong dạ dày đồng thời giải phóng khí độc. Cho trẻ uống trà hoa cúc sẽ làm giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu, giúp trẻ thư giãn cơ bụng, từ đó giảm bớt tình trạng đau bụng dưới rốn. Ngoài ra trà hoa cúc còn được xem là một liều thuốc an thần hiệu quả giúp trẻ thư giãn và giảm cảm giác khó chịu khi đau bụng.
- Chườm ấm: Chườm ấm là một trong những phương pháp chữa đau bụng ở trẻ em được nhiều phụ huynh áp dụng. Chườm ấm có tác dụng tăng lưu thông máu, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và làm giảm đau bụng hiệu quả. Cha mẹ sử dụng túi chườm hoặc đắp khăn ấm áp lên vùng bụng của trẻ. Thực hiện phương pháp này vài lần trong ngày hoặc mỗi khi trẻ lên cơn đau cho đến khi trẻ khỏi bệnh.
Khi nào trẻ đau bụng dưới rốn cần đến bác sĩ?
Trong vài trường hợp đau bụng dưới rốn ở trẻ có thể tự khỏi mà không cần tới sự can thiệp y tế. Tuy nhiên đó cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý như viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột non, ngộ độc thức ăn,… gây nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ.
Vì vậy khi thấy trẻ đau bụng dưới rốn kèm theo các dấu hiệu bất thường dưới đây, cha mẹ hãy đưa con tới cơ sở y tế sớm nhất có thể để các bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
- Trẻ đau bụng dưới rốn liên tục trong 24h mà không thấy thuyên giảm.
- Cơn đau đột ngột và dữ dội, phần bụng dưới bị sưng.
- Sốt cao trên 38 độ, không có dấu hiệu hạ sốt.
- Trẻ mệt mỏi, chán ăn, bỏ bữa trong cả ngày.
- Sụt cân, vàng da, khó thở, đổ mồ hôi nhiều về đêm.
- Nôn nhiều, nôn ra máu.
- Đi đại tiện ra máu hoặc bị tiêu chảy quá nhiều lần trong ngày.
Khi trẻ bị đau bụng dưới rốn cha mẹ cần quan sát kĩ triệu chứng của con, tránh bỏ sót bất kỳ dấu hiệu gây bệnh nào. Bởi càng được thăm khám sớm, cơ hội điều trị an toàn và dứt điểm chắc chắn sẽ cao hơn, tránh được những hệ quả không hay xảy ra.
Lưu ý khi trẻ em bị đau bụng dưới rốn
Trẻ bị đau bụng dưới rốn do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Vì vậy cha mẹ không nên chủ quan bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm khác. Dưới đây là một số biện pháp xử lý khi trẻ em đau bụng dưới rốn, cha mẹ có thể áp dụng.
- Để trẻ nằm yên tại chỗ nghỉ ngơi. Sau đó massage bụng cho trẻ nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ hoặc đắp khăn ấm lên bụng cho trẻ để quá trình lưu thông máu tốt hơn.
- Cho trẻ uống nhiều nước, uống từng ngụm nhỏ nhất là những trẻ bị tiêu chảy nặng.
- Không cho trẻ ăn thức ăn rắn trong vài giờ. Thay vào đó cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp, canh, chuối,…
- Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, không để trẻ đói hoặc ăn quá no khiến dạ dày làm việc quá tải. Đồng thời dặn trẻ ăn chậm, nhai kỹ để dễ tiêu hóa hơn.
- Khi trẻ đau bụng dưới rốn cha mẹ không cho con uống nước ngọt có ga, sữa, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn chua, cay,…
- Cho trẻ ăn thực phẩm được nấu chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không cho trẻ ăn đồ tái, sống như sushi, rau sống,…
- Bổ sung thêm rau xanh và trái cây tươi vào khẩu phần ăn của con. Đồng thời nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cân đối để tránh tình trạng đau bụng dưới rốn do táo bón gây ra.
- Bổ sung thêm men vi sinh giúp tăng vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
- Cha mẹ cần quan sát xem trẻ bị dị ứng với thực phẩm gì để tránh cho con.
- Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho con khi chưa được sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp trẻ đang sử dụng ibuprofen hoặc aspirin cha mẹ cũng nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ.
Cha mẹ cần quan sát các triệu chứng của trẻ, đặc biệt vào ban đêm. Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường cần đưa con tới bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị, tránh để quá nặng sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Trên đây là những thông tin về tình trạng đau bụng dưới rốn ở trẻ. Bởi hiện tượng này xảy ra khá phổ biến, trong khi độ tuổi của trẻ chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ và chăm sóc bản thân. Vì vậy cha mẹ cần đồng hành và quan sát thật kỹ để có các biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo trẻ trong trạng thái an toàn nhất.
Phương Pháp chữa khác
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!