Covid-19 hoành hành tại Việt Nam: Đừng chủ quan, nhưng cũng đừng hoảng loạn!

Mới chỉ cách đây chừng hơn 1 tuần, cuộc sống của người dân Việt Nam vẫn còn đang rất bình yên trong quỹ đạo tách biệt với thế giới. Nhưng sau ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng, thế cục đã hoàn toàn thay đổi. Cho đến ngày 1/8/2020, Việt Nam đã có 3 ca tử vong do dịch Covid-19. Lần này quay trở lại, dịch tấn công nhanh hơn với những hậu quả thảm khốc hơn. Vậy chúng ta, những người dân thường có thể làm gì để bảo vệ bản thân và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm áp lực cho chính phủ?

Những con số đáng sợ vẫn còn gia tăng

Cũng như các bạn, tôi dù làm trong ngành y tế nhưng đối với đợt dịch Covid-19 (virus SARS-CoV-2) này, tôi không trực tiếp tham gia cùng các đồng nghiệp mà chỉ đơn thuần là một người dân, ngày ngày nghe ngóng tình hình dịch bệnh trong lo lắng. Trong vài ngày ngắn ngủi vừa qua, những “kỷ lục” đã bị xô đổ, những con số mới xuất hiện, mang theo sự hoang mang đáng sợ. 

Đến thời điểm tôi viết những dòng này, tại Việt Nam đã có 558 ca Covid-19, trong đó 373 ca đã được chữa khỏi, 183 ca đang điều trị, 3 ca tử vong.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong số những bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, có những bệnh nhân mà tình trạng bệnh đang diễn tiến xấu, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Phần lớn trong số này là người cao tuổi với nhiều bệnh nền đi kèm, phải dùng biện pháp hỗ trợ hô hấp như ECMO, thở máy, thở oxy… Ba ca tử vong đầu tiên của nước ta cũng nằm trong những trường hợp như vậy.

Covid-19 hoành hành tại Việt Nam: Đừng chủ quan, nhưng cũng đừng hoảng loạn
Các bác sĩ chuyên ngành đã tìm mọi phương án điều trị cho bệnh nhân, nhưng do bệnh lý nền nên đã có 3 ca không qua khỏi

Cụ thể, Tiểu ban Điều trị – Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo:

  • Trường hợp tử vong đầu tiên: Bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại Phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam. Bệnh nhân này nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng do bệnh thận giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ. Lại thêm tác động từ bệnh viêm phổi do Covid-19 gây ra, 5h30 sáng ngày 31/7, bệnh nhân đã không qua khỏi dù đã được các chuyên gia hàng đầu trong ngành liên tục hội chẩn, hồi sức cấp cứu và dùng mọi biện pháp để cứu chữa.
  • Trường hợp tử vong thứ hai: Bệnh nhân số 437, nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử mắc suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rung nhĩ, tiên lượng tử vong cao. Ngày 27/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chiều 31/7, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn hô hấp.
  • Trường hợp tử vong thứ 3: Bệnh nhân 499, nữ, 68 tuổi, nhập viện ngày 28/07/2020 tại BV Ung Bướu Đà Nẵng. Bệnh nhân này có sẵn bệnh nền là ung thư máu ác tính giai đoạn cuối, đái tháo đường type 2m tăng huyết áp, viêm phổi nặng do Covid-19. Ngày 1/8/2020, bệnh nhân tử vong.

Qua ba ca tử vong tôi vừa nêu trên, có thể thấy, những người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), có những bệnh lý nền (ung thư, tiểu đường, suy thận, cao huyết áp…) là đối tượng có khả năng sẽ diễn biến tăng nặng rất nhanh khi mắc phải Covid-19. Nguyên nhân là vì ở nhóm này, sức đề kháng đã bị suy giảm, thể chất yếu ớt, hơn nữa Covid-19 sẽ tương tác làm những bệnh nền nặng hơn, cuối cùng dẫn đến tử vong.

Thứ đáng sợ hơn cả Covid-19

Hiện nay, chưa có vacxin chống dịch Covid. Các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang ở trong cuộc chạy đua để tìm ra thứ thuốc có thể triệt tiêu chủng virus đáng sợ này. Một số phòng thí nghiệm khẳng định đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi chính thức công bố. Chúng ta vẫn đang chờ đợi và hy vọng rằng vacxin sẽ sớm được phân phối phổ biến nhất. Có lẽ, đến lúc đó, cuộc sống trước khi Covid-19 xuất hiện mới có thể trở lại được.

Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, nhiều sự kiện diễn ra khiến tôi không khỏi choáng váng. Câu chuyện về những con số về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, tôi đã đề cập ở trên. Cạnh đó, vẫn còn những điều đang diễn ra, xoay quanh tâm bão Covid-19 mà chúng ta không thể phớt lờ.

Những chuyến xe rước tử thần

Dù chưa xác định được nguồn lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, nhưng có lẽ tôi và rất nhiều người khác đang hướng sự nghi vấn của mình đến những người Trung Quốc vượt biên trái pháp vào Việt Nam. Dưới sự tiếp tay của chính những người đồng bào Việt Nam.

Trước dịch bệnh, Đà Nẵng, Nha Trang đã nổi tiếng là hai địa danh nhiều du khách Trung Quốc. Khi thực hiện chính sách “đóng cửa”, số lượng người Trung Quốc ở hai địa phương này gần như không còn ngoại trừ một số người định cư, sinh sống và làm việc tại đây. Có được điều đó là nhờ sự nỗ lực của chính phủ trong việc bảo vệ nhân dân.

Đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép
Lực lượng chức năng đang rất vất vả để truy quét những cuộc đột nhập trái phép từ nước ngoài, có sự tiếp tay của chính người Việt Nam

Thế nhưng chỉ vì lòng tham “mấy đồng lẻ”, nhiều người Việt Nam sẵn sàng hại dân tộc, hại đồng bào bằng cách tổ chức những chuyến xe đưa tử thần – đưa những người Trung Quốc rất có khả năng đang mang mầm bệnh Covid-19 vào thẳng lãnh thổ Việt Nam. Thời gian qua, công an liên tục truy tìm và triệt phá những đường dây như vậy. Không chỉ Đà Nẵng, Nha Trang, mà Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã có hiện tượng này.

Thật kinh khủng! Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng mà không phải một địa phương nào khác? Nếu như trong đợt dịch trước mà Việt Nam đã kiểm soát được, chúng ta truy ra được nguồn lây nhiễm, thì giờ gần như… chịu chết! Vì nguồn bệnh rất có khả năng đang tản đi khắp nơi, sinh sống lẩn khuất trong những khu dân cư đông đúc, ngay trong quán cà phê cạnh công ty bạn đang làm việc.

“Vì sợ cô đơn” nên… trốn khỏi nơi cách ly

Câu nói phổ biến trong một bài hát được giới trẻ yêu thích cách đây không lâu, “vì sợ cô đơn nên em mặc kệ đúng sai” có lẽ áp dụng được cho trường hợp của bệnh nhân 450, được chuyển từ Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh để điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù đã xét nghiệm bệnh, nhưng không hiểu vì sao bệnh viện chưa kịp cách ly, chị này đã trốn khỏi bệnh viện, tắt điện thoại và phải nhờ công an mới tiếp cận được. 

Khi quay về bệnh viện điều trị, bệnh nhân này cho biết đi khỏi nơi điều trị vì “lý do khác không tiện nói”. Trong lúc chị rong ruổi từ viện ra đường, chị đã có khả năng lây nhiễm cho những ai còn chưa biết. Vì chị đặt tài xế Grab không qua ứng dụng, nên các đồng chí công an đang rất vất vả để truy lùng dấu vết.

Cần tuân thủ các hướng dẫn về cách ly của chính quyền
Cách ly là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của người dân để tiện theo dõi tình trạng sức khỏe và hạn chế lây nhiễm chéo

Ngoài bệnh nhân này, số người tìm cách trốn khỏi khu vực bị cách ly rất nhiều. Ví dụ như ở riêng cơ sở cách ly là Bệnh viện Đà Nẵng, số người trốn ra ngoài lên đến hàng chục người.

Câu chuyện về những người cạn nghĩ này khiến tôi không khỏi xót xa khi nhớ đến hình ảnh của một người phụ nữ với tiếng khóc xé lòng ở ngoài rào chắn cách ly bệnh viện. Vì không thể vào trong, chị đã không kịp nhìn mặt cha mình lần cuối cùng khi ông trút hơi thở cuối cùng vì trọng bệnh. Họ đã trải qua nỗi đau lớn như vậy nhưng đành nén lòng bởi biết về những nguy cơ lây nhiễm, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh.

Lại tranh thủ đầu cơ khẩu trang?

Đợt dịch trước, hành vi đầu cơ, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay đã bị lên án dữ dội. Nay đợt dịch này, khẩu trang lại có dấu hiệu tăng giá trở lại. Tôi lấy ngay ví dụ là tại Nhà thuốc Đỗ Minh Đường, chúng tôi dự định mua khẩu trang phát cho người bệnh đến khám để bảo đảm an toàn. Nhưng mới hôm trước hỏi giá chỉ có 50 ngàn một hộp 50 chiếc khẩu trang 4 lớp, sang đến hôm sau giá đã đội lên tới 150 ngàn, thậm chí có nơi bán 200-300 ngàn!

Xử lý vi phạm tăng giá khẩu trang trái phép
Các cá nhân, tổ chức bán khẩu trang với mức giá trên trời sẽ bị phạt nếu phát hiện vi phạm

Biết rằng ai cũng phải sống, ai cũng phải mưu sinh, nhưng đừng lấy cái khó của người khác trong thời kỳ loạn lạc mà làm lợi. Hành vi ăn lãi trắng trợn, một vốn mười lời đã là tệ, nhưng lợi dụng lúc khó khăn để tận thu từng đồng, từng cắc thì lại càng đáng lên án hơn. 

Lý do cung không đủ cầu cần phải xem xét lại. Nếu như đợt dịch trước, chúng ta hoàn toàn bị động và chưa chuẩn bị đủ vật tư thì chuyện khan hiếm còn có thể xảy ra. Nhưng giờ nó khan hiếm khẩu trang thì rất khó tin. Vì tôi biết nhiều cơ sở số lượng lớn, hàng trăm thùng vẫn có, nhưng giá thì tăng vọt so với bình thường. Đã bao nhiêu cũng có thì không có chuyện cầu vượt cung!

Đối phó với Covid-19 cần bình tĩnh và đề cao cảnh giác

Những hiện tượng trên có lẽ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Là người dân bình thường, tôi cũng như các bạn không có đủ chức phận để giải quyết dứt điểm, đành trông chờ vào sự can thiệp của các cấp chính quyền. Nhưng bảo vệ bản thân thế nào giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành?

Trả lời câu hỏi liệu tình hình Covid-10 bùng phát như vậy, liệu có nơi nào được xem là an toàn hay không, tôi xin khẳng định: không có nơi nào an toàn 100%.

Làm thế nào để chắc chắn mình không nhiễm bệnh và không phát tán ra ngoài môi trường? Câu trả lời cũng tương tự, đó là không thể có 100% đảm bảo mình không nhiễm bệnh cũng như không là nguồn phát tán bệnh. Dù một người có kết quả âm tính đi nữa, mà không đề phòng cao độ thì cũng có khả năng mắc bệnh trong tương lai. Nên tuyệt đối đừng nghĩ dịch bệnh chừa mình ra mà mất cảnh giác.

Với Covid-19, không ai là an toàn 100%
Với Covid-19, không ai là an toàn 100%

Thời gian vừa qua, hai thành phố lớn cấp trung ương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ghi nhận các ca bệnh là người trở về sau chuyến du lịch Đà Nẵng. Đáng buồn thay, việc đi du lịch của những người này không hề sai, thậm chí là còn mang ý nghĩa tích cực là cứu trợ cho ngành du lịch trước nguy cơ suy thoái, nhưng lại vô tình nhiễm và phát tán mầm bệnh. 

Nhiều người đang có thái độ lên án, kỳ thị những người đi du lịch Đà Nẵng trở về. Tôi cho đó là hành động chưa chuẩn mực về văn hóa. Đương nhiên chúng ta đề phòng, nhưng đừng vì thế mà “loạn lên”. Nhà nước đã có kêu gọi, có chính sách đặc biệt về xét nghiệm, khoanh vùng dịch dành cho nhóm du khách Đà Nẵng. Vì vậy việc của chúng ta là giữ an toàn cho mình trước đã, bằng cách tự ý thức và luôn chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Phòng bệnh ra sao? Có lẽ nhiều người đã biết, nhưng tôi xin liệt kê lại dưới đây để các bạn tiện tham khảo:

1. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi công cộng, những nơi đông người, đặc biệt trong không gian khép kín. Đặc biệt là phải đeo đúng cách, che kín mũi miệng, đeo khẩu trang mà kéo xuống cằm để hở mũi miệng thì cũng bằng không.

Đeo khẩu trang phòng chống Covid-19
Khẩu trang là phòng tuyến sát sườn của chúng ta để chống dịch Covid-19, chớ quên điều đó

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, mang theo lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn khô để tiện sử dụng ở bất cứ đâu. 

3. Nên đeo găng tay khi đến nơi công cộng để tránh tiếp xúc với mầm bệnh “vương vãi” khi cầm, nắm vào tay nắm cửa, nút bấm thang máy, hàng hóa trong siêu thị, tiền trả lại…

4. Rất hạn chế đưa tay lên mũi, miệng.

5. Khi chuẩn bị có hành động “phát tán giọt bắn”, cần che mũi và miệng. Nên dùng khăn giấy, khăn vải rồi sau đó vứt vào thùng rác hoặc giặt thật sạch sẽ.

6. Đừng đi ra ngoài nếu không cần thiết, tạm thời dời lịch ăn chơi, tụ tập, cà phê cà pháo lại đã, chờ dịch qua rồi giao lưu cũng chưa muộn. Các bạn trẻ nên nhớ, các bạn còn khỏe, hệ đề kháng mạnh nên nếu nhiễm virus vẫn có khả năng sống sót. Nhưng các bạn có thể lây lại bệnh cho những người thân của mình đã cao tuổi, thể trạng yếu và tôi xin nhấn mạnh tỷ lệ tử vong ở đối tượng này khi nhiễm Covid-19 là cực kỳ cao!

Hạn chế cà phê tụ tập mùa dịch
Cà phê thì hấp dẫn thật, nhưng thiết nghĩ “nhịn miệng” một tháng chống dịch cũng khong sao

7. Duy trì khoảng cách an toàn 2 mét nếu phải tới nơi đông người như nơi làm việc. 

8. Nếu phát hiện dấu hiệu sốt, ho, khó thở, hắt hơi (gần giống với bệnh cảm cúm thông thường) thì hãy tự cách ly trước đã. Theo dõi bản thân, khi cảm thấy nghi ngờ thì hãy liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm. Đặc biệt phải đeo khẩu trang!

9. Súc họng bằng nước sát khuẩn răng miệng trước khi đi ngủ, sau khi thức dậy, trước và sau khi đến nơi đông người.

10. Nâng cao thể trạng qua việc tập thể dục đều đặn (tại nhà, không nên đến phòng gym và ra công viên vì đây là những nơi đông người, nguy cơ lây nhiễm cao).

11. Tăng cường sức đề kháng bằng cách uống nhiều nước, bổ sung vitamin C bằng cách dùng viên sủi hoặc ăn các trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh, ổi.

12. Có thể áp dụng một số công thức dân gian từ các nguyên liệu như chanh, mật ong, tỏi, gừng, hoa cúc… để tăng cường hệ miễn dịch, đề phòng hệ hô hấp bị xâm nhập bởi virus. Có lẽ sang tuần tôi sẽ dành thời gian livestream để nói chi tiết về phương pháp này. Các bạn đón xem ở trang Facebook chính thức của tôi: https://www.facebook.com/thaythuocdominhtuan/

13. Nếu có ca bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19, cần báo cáo cho chính quyền địa phương. Ví dụ như hành động chặn xe nghi chở người Trung Quốc vào Việt Nam của bà con ở Hội An và gọi công an là rất đáng hoan nghênh. Nhưng cần có lối ứng xử phù hợp, không kích động gây mất trật tự.

14. Tuyệt đối tuân thủ vào sự hướng dẫn và yêu cầu của chính quyền địa phương về vấn đề xét nghiệm, cách ly… Đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà phương hại đến người khác.

Những điều nêu trên, tôi mong các bạn hết sức lưu ý. Điều gì làm được trước thì hãy làm luôn, ví dụ như chuyện mua vitamin, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay… 

Mọi người cần có ý thức phòng chống dịch Covid-19
Tất cả chúng ta cần có ý thức phòng chống dịch Covid-19

Khi dịch bệnh đang hoành hành tại nước ta, mọi người không nên chủ quan. Chắc chắn nhịp độ cuộc sống thường nhật của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nhưng các bạn có biết hiện giờ ở nhiều quốc gia trên thế giới, mục tiêu lớn nhất của người dân nước họ chỉ còn là “sống sót”? Nhà nước đã và đang làm rất tốt vai trò giữ an toàn cho người dân, thì chúng ta, cùng là “bầu bí chung giàn”, hãy cùng nhau thực hiện tốt những biện pháp phòng dịch để hỗ trợ nhà nước nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.

Nếu cảm thấy thông tin có hữu ích, anh chị có thể chia sẻ bài viết đến cộng đồng để giúp mọi người nâng cao cảnh giác hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Cuối cùng, xin chúc tất cả chúng ta bình an bước qua mùa dịch Covid-19 với tổn thất tối thiểu nhất!

Đánh giá bài viết

5/5 - (3 bình chọn)

Lương y Đỗ Minh Tuấn

Lương y Đỗ Minh Tuấn hiện có 20 năm kinh nghiệm điều trị các bệnh lý bằng y học cổ truyền. Ông vinh dự được biểu dương là Thầy thuốc Nam tiêu biểu, là cố vấn chuyên môn trên nhiều chương trình sức khỏe nổi tiếng và nhận rất nhiều đánh giá tốt từ người bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Nghề ca sĩ và căn bệnh viêm xoang – Kẻ thù không đội trời chung

Nghề ca sĩ và căn bệnh viêm xoang – Kẻ thù không đội trời chung

Các nhà khoa học phát hiện Xuyên tâm liên có thể chữa Covid 19

Sử Dụng Xuyên Tâm Liên Chữa Covid 19: Phát Hiện Mới Của Y Học

Sử Dụng Xuyên Tâm Liên Chữa Covid 19: Phát Hiện Mới Của Y Học

Lương y Đỗ Minh Tuấn cảnh báo F0 tự ý sử dụng thuốc điều trị CoVid tại nhà

Lương y Đỗ Minh Tuấn cảnh báo F0 tự ý sử dụng thuốc điều trị...

Tôi dành cả tâm huyết nghiên cứu bài thuốc Đỗ Minh Đại Bổ Khí điều trị Covid 19 cho bà con

Tôi dành cả tâm huyết nghiên cứu bài thuốc Đỗ Minh Đại Bổ Khí điều...

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi

Zalo
Chia sẻ
Bỏ qua