Đau tức hạ sườn trái là bệnh gì? Chữa ra sao cho hiệu quả?
“Đau tức hạ sườn trái là bệnh gì? Triệu chứng ra sao và đâu là cách chữa hiệu quả” đang là câu hỏi khiến cho rất nhiều người quan tâm. Biểu hiện đau tức hạ sườn bên trái là dấu hiệu của rất nhiều bệnh, từ bệnh liên quan đến thần kinh, tuần hoàn hay tim mạch. Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ phân tích chi tiết về tình trạng này để giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.
Đau tức hạ sườn trái không hẳn là tình trạng hiếm gặp. Trong quá trình thăm khám cho nhiều người bệnh, tôi thấy rằng có người đau ở mạn sườn trước, người lại đau ở mạn sườn sau. Tình trạng khiến người bệnh cử động, co tay cũng đau, hiện tượng này có thể chỉ kéo dài vài hôm rồi hết, cũng có thể kéo dài khiến người bệnh phải nhập viện kiểm tra.
Vậy, nguyên nhân của đau tức hạ sườn trái do đâu? Tình trạng này liệu có nguy hiểm hay không? Tôi sẽ giải thích tường tận cho bạn đọc.
Nguyên nhân đau tức hạ sườn trái
Đau tức hạ sườn trái có rất nhiều nguyên nhân, có thể kể đến các vấn đề liên quan đến thần kinh, cơ xương khớp, cơ quan, tạng đặc trong cơ thể, cụ thể như sau:
- Các vấn đề thần kinh: Dây thần kinh liên sườn có cấu tạo phức tạp, nằm ở rãnh liên sườn trên các cung sườn. Dây thần kinh làm nhiệm vụ dẫn truyền cảm giác từ các khung sườn đến hệ thần kinh trung ương. Khi có tổn thương tại các dây thần kinh chi phối vùng hạ sườn trái sẽ gây ra đau tức, nhói vùng này.
- Vấn đề tại tạng: Vấn đề tại phổi và dạ dày là nguyên nhân lớn nhất gây ra đau tức vùng hạ sườn trái. Đau ở các cơ quan này sẽ biểu hiện ra bên ngoài thành ngực, gây cảm giác đau tức nặng tại đây.
- Vấn đề tại xương: Hạ sườn trái cấu tạo bởi nhiều cung sườn. Các tổn thương xương khớp toàn thân cũng dễ dàng gây ra các biểu hiện đau tại vùng hạ sườn.
- Vấn đề tại cơ: Trước vùng ngực có nhiều cơ bảo vệ khung sườn, trung thất và phổi. Tổn thương cơ cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau tức hạ sườn trái.
Các nguyên nhân trên đều đến từ nhiều bệnh lý khác nhau ở cả trong và ngoài cơ thể xảy đến. Tôi khuyên các bạn nên lưu ý thật kĩ những nguyên nhân này để khi gặp phải hiện tượng đau tức tại hạ sườn trái, mọi người có thể phần nào tự hiểu được nguyên nhân và nhanh chóng thăm khám, điều trị.
Đau tức hạ sườn trái là bệnh gì?
Đau tức hạ sườn trái là triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh liên quan đến cả nội khoa lẫn ngoại khoa. Các bệnh lý gây đau tức hạ sườn trái có thể đến từ xương sườn, trung thất, phổi, dạ dày, đại tràng hoặc cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý di căn ác tính. Cụ thể, các bệnh lý gây ra triệu chứng đau tức hạ sườn trái thường gặp như:
- Suy tim gây đau nhức hạ sườn trái
Suy tim là bệnh lý gây ra do giảm cung lượng tim, gồm có 3 thể là suy tim trái, phải và suy tim toàn bộ. Suy tim có 4 cấp độ, người bệnh thường xuyên gây ra đau tức ngực, mệt mỏi khi gắng sức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Suy tim cũng là 1 bệnh khó chữa và nhiều người phải xác định sống chung với bệnh suốt đời.
- Hội chứng ruột kích thích
Nhiều người nghĩ rằng, đau tức hạ sườn trái thì nguyên nhân thường là do tim phổi hay xương sườn. Khoảng 3 tháng trước, tôi có bệnh nhân đau tức hạ sườn, đã đi chụp tim ngực, siêu âm, điện tim rất nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Ngoài đau tức hạ sườn trái thì bệnh nhân thỉnh thoảng còn xuất hiện thêm chứng mót rặn, đại tiện phân không thành khuôn. Phân lỏng, không có máu và đi ngoài xong thấy đỡ đau.
Bằng thăm khám lâm sàng và kinh nghiệm của làm việc nhiều năm, tôi xác định bệnh nhân đang mắc chứng ruột kích thích. Ngay lập tức, tôi cho bệnh nhân dùng thuốc đặc trị bệnh và tình hình bệnh nhân đã cải thiện ngay sau đó. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy, do đó khi gặp triệu chứng đau tức hạ sườn trái, mọi người không nên bỏ qua nguy cơ này.
- Bệnh viêm đại tràng
Đại tràng có các đoạn như đoạn manh tràng, đại tràng lên, ngang, xuống và đại tràng Sigma. Ở đoạn đại tràng ngang khi bị viêm nhiễm cũng có thể gây đau tức hạ sườn trái kéo dài kèm theo các rối loạn về tính chất phân.
Để xác định chính xác được bệnh, mọi người phải làm xét nghiệm nội soi khung đại tràng, soi phân, công thức máu và các xét nghiệm thường quy khác,…
- Bệnh đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn có tính chất rất đặc trưng và dễ phát hiện. Bệnh gây đau dọc theo hướng đi của các dây thần kinh liên sườn, đau tức, chói, liên tục và có thể gây ra đau toàn bộ khung sườn.
- Nguy cơ bị chấn thương ngực
Các chấn thương va chạm trực tiếp vào thành ngực hay vùng lưng, bụng đều có thể gây ra đau tức hạ sườn trái. Tùy vào những kiểu chấn thương và mức độ chấn thương sẽ gây ra tính chất đau khác nhau ở vùng này.
- Có thể gặp phải các bệnh lý ở phổi
Các bệnh lý ở phổi như áp xe, nấm và đặc biệt là viêm phổi thường xuyên gây ra đau tức hạ sườn trái. Những cơn đau có thể xuất phát từ việc bệnh nhân ho quá nhiều hay tổn thương nhu mô ở phổi.
- Viêm dạ dày gây đau tức hạ sườn trái
Dạ dày là cơ quan nằm ngay dưới cơ hoành, tiếp nối với thực quản trong hệ thống tiêu hóa trong cơ thể của chúng ta. Dạ dày nằm sát với hạ sườn trái vì thế các bệnh viêm nhiễm tại đây dễ gây ảnh hưởng đến vùng hạ sườn. Viêm dạ dày thường gây ra đau vùng thượng vị nhưng trong nhiều ca lâm sàng cũng có thể xuất hiện triệu chứng đau tức vùng hạ sườn trái. Triệu chứng này gây ra khó khăn trong chẩn đoán ban đầu và việc điều trị bệnh viêm dạ dày.
- Sỏi thận và các bệnh lý khác tại thận
Thận là cơ quan nằm trong ổ bụng, ngang với đoạn đốt sống từ L1 đến L4 của cơ thể. Đau do các bệnh lý về thận thường có tính chất đau dọc vùng thắt lưng hông xuống dưới, đau quặn,… Tuy nhiên trong nhiều trường hợp tôi đã gặp, người bệnh thận kêu đau tại hạ sườn trái nên việc chẩn đoán bệnh vô cùng khó khăn.
- Có thể bị loãng xương
Loãng xương là tình trạng cơ thể thiếu hoặc giảm khả năng tổng hợp Canxi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này dẫn đến lượng Canxi trong xương bị suy giảm nhanh chóng và gây ra tình trạng đau nhức toàn thân. Ngoài đau nhức tại xương, loãng xương còn gây ra chuột rút, tê bì và xương dễ gãy hơn.
- Nguy cơ cảnh báo ung thư
Ung thư có thể xuất hiện tại chỗ nhưng cũng có thể di căn từ các cơ quan khác đến vùng hạ sườn trái gây đau. Ở những trường hợp này, bệnh nhân thường xuất hiện nhiều triệu chứng đường toàn thân khác như chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi, thể trạng suy kiệt,…
Các bệnh lý gây nên triệu chứng đau nhức hạ sườn trái kể trên phần nhiều là những bệnh lành tính, một số bệnh lý có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện nhanh chóng. Vì thế, khi các bạn xuất hiện triệu chứng này thì không nên sợ hãi, cần phải bình tĩnh đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Điều trị các bệnh gây đau tức hạ sườn trái ra sao?
Với mỗi nguyên nhân khác nhau, bệnh nhân sẽ được điều trị theo 1 phác đồ khác nhau. Nguyên tắc điều trị cụ thể dành riêng cho bệnh nhân đau tức hạ sườn trái như sau:
- Đối với bệnh nhân đau do chấn thương, xương sườn hay thần kinh liên sườn, cần phải giảm đau ngay bằng các thuốc giảm đau chống viêm. Các dòng giảm đau chống viêm hiện nay trên thị trường thường được sử dụng trong điều trị bệnh như Celecoxib, Diclophenac,… Các dòng thuốc này có tính giảm đau thần kinh rất tốt tuy nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến đông máu, giấc ngủ, tuần hoàn và dạ dày.
- Bệnh nhân đau do các bệnh lý về hô hấp cần dùng kháng sinh, thuốc trị ho và các dòng giảm đau thông thường. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên tự giữ ấm cơ thể, bảo vệ đường hô hấp, tránh những tác nhân bên ngoài gây tổn hại xâm nhập cơ thể.
- Bệnh nhân đau do các bệnh lý ác tính, di căn cần đến ngay các cơ sở y tế xạ trị, hóa trị kịp thời. Kết hợp với dùng thuốc là những liệu pháp tâm lý. Rất nhiều bệnh nhân ung thư tôi biết thường có thể trạng suy sụp và tiều tụy, điều này gây ra những hệ lụy xấu trong điều trị bệnh.
- Bệnh nhân bị đau do các nguyên nhân đến từ đường tiêu hóa thì sử dụng các dòng giảm đau, chống co thắt. Nospa hoặc Papaverin là những loại thuốc thường được sử dụng nhiều nhất trong điều trị triệu chứng này. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần điều trị các nguyên nhân viêm nhiễm gây co thắt bằng các dòng kháng sinh đường tiêu hóa. Chế độ ăn uống cũng là vấn đề được lưu tâm, bệnh nhân cần ăn đồ ấm nóng, đồ ăn mềm, giàu chất xơ, dễ tiêu,…
- Bệnh nhân loãng xương cần bổ sung vitamin D và Canxi từ các loại cá, tôm, cua,… đặc biệt là đồ hải sản. Ngoài ra, việc hấp thụ ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm cũng là 1 nguồn cung vitamin D tự nhiên rất bổ ích.
Đấy, mọi người thấy đấy, cùng một biểu hiện đau tức hạ sườn trái như nhau nhưng chưa hẳn đã cùng một bệnh lý và cách chữa trị giống nhau. Vậy nên, với cương vị là một người thầy thuốc, tôi khuyên bà con nên quan tâm đến sức khỏe của mình, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nên đến ngay cơ sở ý tế uy tín, hoặc tìm kiếm chuyên gia để được tư vấn thăm khám kịp thời.
“Đau tức hạ sườn trái là bệnh gì?” thì có lẽ sau bài viết trên mọi người đã hiểu rõ được. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ lành tính đến ác tính,… Mọi người khi xuất hiện triệu chứng này nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh chính xác, kịp thời và được điều trị 1 cách hiệu quả nhất.
Phương Pháp chữa khác
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!