Thoái Hóa Cột Sống Thắt Lưng L4 L5

Thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 là bệnh lý phổ biến hiện nay. Theo thống kê, có đến hơn 70% trường hợp thoái hóa cột sống xảy ra ở đoạn L4 L5. Bệnh dễ xảy ra ở mọi đối tượng bao gồm cả người trẻ nếu thường xuyên vô tình gây ra những tác động xấu đến cấu trúc cột sống. Vì vậy trong bài viết dưới đây, tôi xin đưa ra những thông tin liên quan nhất đến bệnh lý này để giúp bà con sớm phát hiện triệu chứng, biết rõ nguyên nhân để điều trị hiệu quả.

Thoái hóa cột sống thắt lưng l4 l5 là gì? Có nguy hiểm không?

Trong cấu tạo giải phẫu người, cấu trúc cột sống thắt lưng gồm 5 đốt sống được ký hiệu từ L1 đến L5, nằm ở vị trí giữa lồng xương sườn và xương chậu. Trong đó L4, L5 là các đốt sống nằm ở vị trí thấp nhất của bộ phận này, có chức năng hỗ trợ nâng đỡ trọng lực toàn cơ thể. Đồng thời kết nối với xương cùng và xương cụt, giúp tăng tầm vận động, nâng cao sự linh hoạt cho vùng thắt lưng và chi dưới.

Cũng chính vì vậy mà cột sống thắt lưng L4, L5 rất dễ chịu các tác động xấu từ bên trong và bên ngoài cơ thể, dẫn đến một số bệnh lý về xương khớp, điển hình như thoái hóa cột sống thắt lưng L4. L5. Đây thực chất là tình trạng sụn và xương dưới sụn ở vị trí L4, L5 bị phá hủy, bào mòn, gây nên những biến đổi ở bề mặt khớp. Cùng với đó, sự mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy xương khớp làm xuất hiện hiện tượng lắng đọng canxi, tăng sinh gai xương, làm biến dạng và hư khớp, dẫn đến thoái hóa.

L4, L5 là các đốt sống nằm ở vị trí thấp nhất của thắt lưng
L4, L5 là các đốt sống nằm ở vị trí thấp nhất của thắt lưng

Cấu trúc phần cột sống thắt lưng L4 L5 có chứa các rễ thần kinh cùng tủy sống, có quan hệ về chức năng và bệnh lý chặt chẽ với nhau, đồng thời chi phối những bộ phận khác trong cơ thể. Do đó khi cột sống có những tổn thương kéo dài thì các rễ thần kinh này cũng dễ bị tổn thương theo, dẫn đến ảnh hưởng nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Đặc biệt là tâm lý thấy nhức mỏi xoàng mà quyết định” sống chung với lũ” của nhiều người dễ dẫn đến bệnh xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như: rối loạn vận động, rối loạn cơ tròn, biến dạng, vẹo cột sống, liệt vĩnh viễn,…

Nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống thắt lưng l4 l5

Thoái hóa cột sống thắt lưng l4 l5 cũng như các bệnh lý thoái hóa xương khớp khác, phần lớn xuất hiện do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, bệnh lại đang có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện sớm ở cả những người mới chỉ 30 – 35 tuổi. Nguyên nhân có thể đến từ rất nhiều yếu tố, trong đó phổ biến có:

  • Chấn thương: Những chấn thương vô tình gặp phải trong quá trình làm việc, chơi thể thao, sinh hoạt,… có thể làm xương khớp không thể lành lại hoàn toàn hoặc gây nên biến đổi cấu trúc cột sống, dẫn đến tình trạng thoái hóa từ sớm.
  • Lao động nặng: Những người phải làm những công việc có tính chất đặc thù phải vận động mạnh, cúi nhiều, mang vác vật nặng, lao động quá sức,… dễ khiến cấu trúc đốt sống L4, L5 bị ảnh hưởng xấu, dẫn đến xuất hiện các gai xương và thoái hóa.
  • Ít vận động: Lao động nhiều, tác động mạnh, đột ngột vào cột sống có thể gây ra thoái hóa nhưng vận động ít cũng sẽ khiến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn. Bà con nghe xong chắc hẳn nhiều người sẽ thấy thắc mắc. Nhưng sự thật là việc ít vận động sẽ khiến các cơ xương bị cứng lại, máu huyết kém lưu thông gây nhức mỏi và làm hạn chế biên độ vùng cột sống thắt lưng.
  • Thừa cân, béo phì: Đốt sống L4, L5 vốn là bộ phận phải chịu trọng tải lớn của cơ thể, rất dễ bị ảnh hưởng xấu. Do đó, tình trạng thừa cân, béo phì khiến các đốt sống này phải chịu lực quá tải trong thời gian dài sẽ dẫn đến sụn cùng các xương dưới sụn bị phá hủy, dây chằng xơ cứng và biến dạng về mặt hình thái.
Một số nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa cột sống l4 l5
Một số nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa cột sống l4 l5
  • Sử dụng chất kích thích: Những người có thói quen uống rượu bia, cà phê, hút thuốc lá,… thường có khả năng mắc thoái hóa cột sống thắt lưng L4, L5 sớm hơn so với người khác. Đặc biệt là thuốc lá, chúng có khả năng phá hủy, bào mòn xương khớp, đồng thời làm gián đoạn quá trình tái tạo, hồi phục cơ xương. Từ đó dẫn đến các đốt sống mất dần khả năng chịu lực, thiếu cân bằng sinh dưỡng và gây ra thoái hóa nặng.
  • Một số yếu tố khác: Ngoài các yếu tố kể trên, thoái hóa đốt sống thắt lưng L4 L5 còn có thể bị tác động bởi di truyền, dị tật cột sống bẩm sinh, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, tiền sử phẫu thuật, bệnh lý nền trong cơ thể,…

Mặc dù thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống và cũng phải dễ điều trị khỏi nhưng người trẻ hiện nay lại rất ít quan tâm đến sức khỏe bản thân. Chỉ đến khi bắt đầu có tuổi, dần nhận ra sự thay đổi của cơ thể mới nghĩ đến chuyện phải giữ gìn, kiêng khem. Lúc này bệnh đã không còn dễ dàng được kiểm soát như ở giai đoạn đầu, việc điều trị sẽ phức tạp và khó hơn. Vì thế tôi khuyên bà con phải chú ý hơn tới những bất thường của cơ thể để chủ động hạn chế những tác động xấu lên vùng cột sống thắt lưng, ngăn ngừa thoái hóa từ sớm.

Triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng L4, L5

Thoái hóa cột sống thắt lưng thường dễ bị mọi người bỏ qua do các triệu chứng khá giống với tình trạng nhức mỏi do cúi nhiều, làm nhiều, ít nghỉ ngơi… Ngoài ra, toái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 thường gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau nhức vùng thắt lưng: Biểu hiện đặc trưng nhất là cơn đau khu trú và âm ỉ vùng thắt lưng. Người bệnh cũng thường gặp phải tình trạng bị cứng vùng cột sống lưng, nhất là vào buổi sáng và hơi gặp khó khăn trong các vận động cúi, gập, xoay,… Cơn đau ban đầu chỉ mang tính chất cơ học( đau tăng khi hoạt động và giảm lúc nghỉ ngơi), nhưng càng về sau, người bệnh sẽ càng thấy đau dữ dội, quặn thắt ở lưng.
  • Cơn đau lan ra các vùng khác: Cơn đau từ khớp, cơ ở vị trí thắt lưng sẽ lan dọc theo dây thần kinh, gây đau sang cả mông, đùi, chân, đôi khi còn có cả bàn chân. Điều này khiến biên độ vận động vùng thắt lưng, chân,… bị giảm đi đáng kể. Trong trường hợp nặng có thể gây tê, yếu, liệt cả 2 bên chân…
  • Các dấu hiệu khác: Ngoài ra, tùy vào mức độ bệnh, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như cảm giác châm chích, kiến bò, mất kiểm soát ruột, bàng quang,…
Các triệu chứng điển hình của thoái hóa cột sống
Các triệu chứng điển hình của thoái hóa cột sống

Nhìn chung, bệnh có những dấu hiệu đặc trưng của bệnh thoái hóa. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên bà con nếu nhận thấy vùng cột sống L4 L5 có dấu hiệu lạ thì nên đi thăm khám cụ thể để được chẩn đoán chính xác và sớm kiểm soát được vấn đề nếu có.

Cách chữa thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5

“Có bệnh thì vái tứ phương” là quan niệm của nhiều bà con hiện nay. Điều này dẫn đến việc chữa trị thiếu phương pháp, không có liệu trình cụ thể khiến hiệu quả đem lại không cao. Bởi chữa bệnh là phải tuân theo những nguyên tắc riêng của y học, chữa từ nhẹ đến nặng, dựa vào trạng bệnh và mức độ để áp dụng điều trị phù hợp, phối hợp hiệu quả các biện pháp với nhau. Do đó bà con nên hiểu rõ các hướng điều trị của từng giai đoạn bệnh để chủ động hơn trong phòng chữa. Cụ thể như sau:

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc là một hướng của điều trị bảo tồn, thường được khuyến khích áp dụng đơn lẻ cho những bệnh nhân ở giai đoạn đầu của thoái hóa hoặc dùng kết hợp trong trường hợp nặng. Bằng cách tác động lên cơ thể, hạn chế những tác động xấu đến cột sống L4 L5, phương pháp này giúp ổn định cơ xương đốt sống, góp phần định hình lại cấu trúc xương. Đồng thời làm giảm đau nhức và ức chế tình trạng sưng viêm ở vùng tổn thương. Các hướng điều trị không dùng thuốc phổ biến hiện nay là vật lý trị liệu, vận động trị liệu, cải thiện tư thế, lối sống, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học,…

Châm cứu, bấm huyệt là một trong những biện pháp điều trị thoái hóa hiệu quả
Châm cứu, bấm huyệt là một trong những biện pháp điều trị thoái hóa hiệu quả

Bên cạnh đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà được chỉ định thêm châm cứu, bấm huyệt giúp lưu thông khí huyết, kéo giãn cột sống, giải phóng điểm chèn ép, giảm co cứng, đau nhức. Biện pháp không dùng thuốc về cơ bản khá an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, bà con vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể áp dụng đúng cách và phù hợp.

Cách chữa thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 bằng thuốc

Thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 ở giai đoạn biểu hiện rõ rệt do các tổn thương viêm dày, gai xương,… như sưng đỏ, đau nhức âm ỉ thường xuyên, cứng lưng, khó vận động,… thì bệnh nhân nên dùng thuốc để điều trị. Hiện nay có 2 hướng chữa trị bằng thuốc là thuốc Tây y và thuốc Đông y.

Đã có không ít người thắc mắc rằng, chữa bệnh theo Y học hiện đại tốt hơn hay YHCT hiệu quả hơn. Xin thưa là mỗi phương pháp đều có những nguyên tắc chữa trị riêng, cách áp dụng cũng khác nhau, có ưu và có nhược. Do đó rất khó nói rằng phương pháp nào hơn. Về cơ bản nó phụ thuộc vào nhu cầu và tình trạng cụ thể của từng người. Tuy nhiên nhìn chung, dù lựa chọn hướng điều trị nào thì tôi khuyên bà con cũng nên thăm khám cẩn thận và nghe theo mọi hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng bằng thuốc Tây y

Thuốc Tây y dùng trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 rất đa dạng. Tùy vào triệu chứng và mức độ cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn những loại thuốc khác nhau. Bên cạnh đó, việc điều trị còn phải tuân theo những nguyên tắc của Bộ y tế và đặc tính từng loại thuốc như liều dùng tối đa, bậc thang thuốc, thời gian sử dụng, chống chỉ định, dự phòng tác dụng phụ,… Do đó, bà con tuyệt đối không được lạm dụng thuốc hay tự ý sử dụng khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Những lưu ý khi dùng thuốc tân dược để điều trị bệnh
Những lưu ý khi dùng thuốc tân dược để điều trị bệnh

Mục tiêu của phương pháp này là giảm đau nhanh chóng, ức chế phản ứng viêm, cắt đứt triệu chứng, ngăn chặn kịp thời các biến chứng xấu. Do đó, phác đồ điều trị thường hướng đến các loại thuốc sau:

  • Thuốc giảm đau: Việc dùng nhóm thuốc này sẽ dựa trên bậc thang giảm đau của tổ chức y tế thế giới đưa ra: paracetamol; paracetamol kết hợp tramadol hoặc codein; opiat và dẫn xuất của opiat. Liều lượng và thời gian sử dụng còn tùy vào mức độ đau và tình trạng thoái hóa của người bệnh.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm nhanh chóng. Tuy nhiên bà con nên cẩn trọng khi dùng thuốc, tuyệt đối không tự ý kết hợp các thuốc trong nhóm với nhau. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ảnh hưởng đến ống tiêu hóa với các tác dụng phụ như viêm, loét, chảy máu,… Một số thuốc phổ biến trong nhóm này là Piroxicam, Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib,…
  • Thuốc giãn cơ: Thường được dùng nhằm làm giảm sự co thắt cơ, mở rộng biên độ vận động cho vùng cột sống, giảm đau hiệu quả. Bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc sau eperisone, tolperisone,…
  • Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Thuốc giúp làm chậm tiến trình thoái hóa cột sống, hỗ trợ tái tạo, hồi phục xương khớp. Tuy nhiên thuốc phải được dùng vài năm mới đem lại hiệu quả rõ rệt. Các thuốc gồm Glucosamine sulfate, chondroitin sulphate, thuốc ức chế IL1(diacerein ),…
  • Một số loại thuốc khác: Bên cạnh các loại thuốc kể trên, bác sĩ còn có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc hỗ trợ thần kinh (Gabapentin, vitamin B), thuốc bôi ngoài da (Profenid gel, Voltaren Emulgel) , thuốc tiêm chứa corticoid (hydrocortison acetat, methyl prednisolon acetate),…

Điều trị thoái hóa cột sống bằng phẫu thuật

Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, bắt đầu xuất hiện các biến chứng, cộng thêm phương pháp bảo tồn không đáp ứng trị liệu, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện phẫu thuật. Phương pháp này nhằm giúp sửa chữa sự biến dạng trục khớp cột sống, giảm áp lực lên sụn khớp, khôi phục biên độ vận động cho vùng thắt lưng và chân. Một số hướng phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 hiện nay là thay đĩa đệm nhân tạo, cắt bỏ gai xương, hợp nhất đốt sống,…

Do có mức độ xâm lấn nhất định, phẫu thuật vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như viêm, nhiễm trùng vùng mổ, tăng sinh mô xơ sợi, sốc phản vệ, thậm chí là tử vong,… Do đó bà con cũng nên cân nhắc và lưu ý khi phẫu thuật cột sống.

Cách phòng ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5 là bệnh lý tiến triển mang tính quy luật, không thể quay ngược. Tuy nhiên, bà con vẫn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế những tác động xấu đến xương cột sống, cân bằng sinh dưỡng, làm chậm quá trình thoái hóa. Cụ thể bà con nên:

  • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, ổn định để làm giảm áp lực lên cột sống, nhất là các đốt sống L4 L5
  • Đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát kịp thời các bệnh lý nền trong cơ thể, đồng thời có thể sớm phát hiện bệnh nếu tình trạng thoái hóa đã bắt đầu xuất hiện
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, có gas, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường,..
Người bệnh nên chú ý ăn uống để giúp hỗ trợ quá trình điều trị
Người bệnh nên chú ý ăn uống để giúp hỗ trợ quá trình điều trị
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tích cực bổ sung các thực phẩm giàu canxi, omega-3, vitamin C, B,…
  • Tránh các vận động đột ngột và các môn thể thao mạnh, quá sức, tác động trực tiếp đến cột sống
  • Cân đối thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Nếu bạn phải thực hiện các công việc ngồi lâu, chú ý cách khoảng 30 phút đến 1 tiếng lại đứng dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng để tránh tình trạng cứng khớp
  • Tập các bài tập nhẹ nhàng thường xuyên, điều độ, phù hợp với tình trạng sức khỏe như yoga, đi bộ, đạp xe,…

Trên đây là các vấn đề liên quan đến bệnh lý thoái hóa cột sống thắt lưng L4 L5. Bệnh tiến triển âm thầm nhưng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy bà con cần lưu ý sớm đi thăm khám nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Cùng với đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa hợp lý là điều vô cùng cần thiết mà mọi người nên thực hiện để bảo vệ sức khỏe bản thân mình.

Tham khảo thêm:

Dinh dưỡng

Viêm Khớp Dạng Thấp Kiêng Ăn Gì Và Nên Ăn Gì?

Món Ăn Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm

Viêm Đau Khớp Nên Ăn Gì, Kiêng gì

Thoát Vị Đĩa Đệm Nên Ăn Gì?

Thoái Hóa Cột Sống Thắt Lưng Nên Ăn Gì?

Phương Pháp

Chữa Viêm Khớp Dạng Thấp Bằng Nọc Ong

Cây mần ri chữa thoát vị đĩa đệm: Công dụng và cách dùng đơn giản tại nhà

Cách Chữa Viêm Đa Khớp Bằng Thuốc Nam

Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm

Điều Trị Viêm Khớp Dạng Thấp Bằng Đông Y

Nhóm bệnh liên quan

Vôi Hóa Cột Sống

Bệnh Đau Thần Kinh Tọa

Thoát Vị Đĩa Đệm Đa Tầng

Thoát Vị Đĩa Đệm Cổ C4 C5

Thoát Vị Đĩa Đệm L1 L2

Kiến thức bệnh

Ngón Chân Cái Bị Sưng Đau Mưng Mủ: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý

Mắt cá chân bị sưng phù đau: Nguyên nhân và cách cải thiện

Thoát Vị Đĩa Đệm Ở Người Già Nguy Hiểm Không? Cách Trị

Tìm Hiểu Ý Nghĩa Yếu Tố RF Trong Viêm Khớp Dạng Thấp

Cách Phân Biệt Thoát Vị Đĩa Đệm Và Thoái Hóa Cột Sống

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi