Thoái Hóa Khớp

Thoái hóa khớp khiến người bệnh đối mặt với những cơn đau bất chợt, cử động khó khăn, tê bì... khiến chất lượng cuộc sống, công việc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên phần lớn người bệnh chỉ biết đến căn bệnh này khi các triệu chứng chuyển biến nghiêm trọng. Vậy làm sao để nhận biết bệnh sớm, điều trị bằng phương pháp nào hiệu quả? Hãy cùng theo dõi ngay!

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm quá trình tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn bị mất cân bằng. Sự mất cân bằng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và cuối cùng sẽ làm thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của các tế bào và chất cơ bản của sụn. Điều này khiến cho sụn khớp, xương dưới sụn nhuyễn hoá, nứt và dần xơ hoá, tạo thành gai xương và các hốc xương dưới sụn.

Có thể hiểu đơn giản Thoái hóa khớp là tình trạng các sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn, phá hủy, khiến cho người bệnh bị đau nhức. Về lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng biến dạng khớp, ảnh hưởng tới chức năng vận động của người bệnh.

Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa

Còn trong Y học cổ truyền, thoái hóa khớp được xếp vào chứng tý. Tý có nghĩa là tắc nghẽn, không thông, khô cứng, viêm nhiễm dẫn đến suy yếu. Nguyên nhân là do  kinh lạc – cơ – khớp của cơ thể bị các yếu tố Phong – Hàn – Thấp xâm phạm, khiến kinh mạch ư trễ, không thông. Cùng với đó là hiện tượng suy yếu của tạng thận (thường gặp ở người cao tuổi hoặc người có sức khỏe kém), làm mất khả năng nuôi dưỡng cốt tủy, khiến cho các tổn thương tại khớp xương không thể tái tạo, phục hồi, từ đó mà sinh ra sưng đau.

Nguyên nhân gây bệnh

Về nguyên nhân gây thoái hóa khớp thì có rất nhiều. Phần lớn người dân cho rằng, thoái hóa khớp chỉ do tuổi cao, khiến cho sụn khớp bị lão hóa. Nhưng cho đến nay, người ta đã thấy rõ, ngoài tuổi tác còn có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Do công việc: Mang vác nặng, leo cầu thang, thường xuyên ngồi một chỗ... khiến cho các đầu khớp cọ xát mạnh vào nhau dẫn đến hư hỏng.
  • Do chấn thương: Chơi thể thao, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… gây tổn thương tại khớp.
  • Do thói quen sinh hoạt: Quay, gập người, ngồi sai tư thế, ngồi xổm, vắt chéo chân… đều là những thói quen sinh hoạt gây ảnh hưởng tới kết cấu của khớp xương, tăng nguy cơ thoái hóa.
  • Do thừa cân: Tăng cân mất kiểm soát làm cơ thể nặng nề gây ra áp lực lớn cho các khớp...
  • Do chế độ dinh dưỡng: Thiếu canxi, glucosamine khiến mật độ xương giảm, sụn dễ thoái hóa...

Điều này lý giải cho việc vì sao mà những người trẻ tuổi cũng có thể bị thoái hóa khớp. Đặc biệt là với cuộc sống hiện đại ngày nay, khi mà giới trẻ có nhiều thói quen xấu như ít vận động, ăn uống không điều độ, thường xuyên ngồi một chỗ làm việc, tư thế sinh hoạt không đúng… khiến tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Đối tượng mắc bệnh

Nhiều người nghĩ rằng thoái hóa khớp là bệnh lý chỉ gặp ở người già nhưng thực tế bệnh đang có xu hướng trẻ hóa ở các nhóm đối tượng:

  • Nhóm người làm việc chân tay: Công nhân nhà máy sản xuất, nhân viên vận chuyển, người làm việc khuân vác nặng
  • Nhóm vận động viên: Các bộ môn dễ xảy ra chấn thương như đá bóng, bóng rổ, cử tạ, nhảy cao, nhảy xa, tenis...
  • Người lười vận động, nhân viên văn phòng, tài xế, thợ sơn
  • Người bị dị tật bẩm sinh ở khớp
  • Người béo phì

Triệu chứng

Thoái hóa khớp khó có thể nhận biết ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng mới dẫn rõ rệt, thường gặp nhất là:

  • Có triệu chứng đau nhức, co cứng trong khớp hoặc quanh khớp, gây khó khăn khi vận động.
  • Cơn đau khởi phát từ từ, mức độ vừa phải, đau tăng mạnh khi vận động, đi lại, bước xuống cầu thang, khi gập khớp, khi mang vác vật nặng…
  • Nếu thoái hóa xảy ra ở khớp háng, bệnh nhân ngoài đau vùng háng còn có thể có thể bị đau ở mặt sau đùi xuống khớp gối.
  • Cảm giác đau nhiều về đêm. Buổi sáng thường có cảm giác cứng khớp trong khoảng 30 phút.
  • Đau cứng khớp khi thay đổi thời tiết như mưa, nắng, lạnh,...
  • Khi thoái hóa làm tràn dịch khớp sẽ làm cho khớp bị viêm với các triệu chứng điển hình là sưng, nóng đỏ khớp.

Thoái hóa khớp nguy hiểm không?

Người bệnh sẽ có thể gặp phải những biến chứng xấu nếu như chủ quan không thăm khám, điều trị từ sớm:

  • Suy nhược cơ thể: Cơn đau âm ỉ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, khiến bệnh nhân bị ám ảnh, dẫn tới trạng thái mệt mỏi, lo âu...
  • Teo cơ, tê bì chân tay: Thoái hóa khớp khiến cơ vùng cạnh khớp, tay, chân bị tê bì, khó co duỗi, việc cầm nắm cũng trở nên khó khăn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới teo cơ, mất khả năng vận động.
  • Biến dạng khớp: Theo thời gian, tình trạng thoái hóa diễn tiến nặng khiến cho khớp sưng to, mọc gai và biến dạng cong vẹo, lệch trục. Người bệnh lúc này sẽ gặp khó khăn khi đi lại, vận động.
  • Bại liệt, tàn phế: Tổn thương thoái hóa khớp tiến triển, tác động tới rễ dây thần kinh, tủy sống, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ khiến cho người bệnh bị tàn phế, bại liệt, không thể hồi phục.

Chẩn đoán bệnh

Nói rõ hơn về vấn đề chẩn đoán, xác định thoái hóa khớp. Thông thường khi người bệnh có các triệu chứng đau nhức, tới thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, các bác sĩ sẽ thực hiện những biện pháp chẩn đoán sau đây:

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ thông qua các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, khai thác tiền sử bệnh lý đang mắc phải, thói quen, công việc để tìm ra nguyên nhân

Chẩn đoán hình ảnh X-quang khớp

Phần lớn người bệnh khi đi khám sẽ được chỉ định chụp X-quang khớp, siêu âm khớp. Quan sát hình ảnh X-quang của người bị thoái hóa khớp thường sẽ nhìn thấy những điểm sau:

  • Có hiện tượng phì đại xương, gai xương ở rìa khớp.
  • Hẹp khe khớp không đồng đều (có thể do lớp sụn mỏng đi, hoặc do vôi hoá sụn ở vùng mọc gai xương), đậm đặc xương dưới sụn.
  • Giai đoạn muộn sẽ xuất hiện các kén ở đầu xương, làm thay đổi hình dạng đầu xương, khuyết xương, xẹp vỏ xương ở khớp đốt xa.

Hình ảnh X-quang của khớp xương bị thoái hóa
Hình ảnh X-quang của khớp xương bị thoái hóa

Xét nghiệm cận lâm sàng

Chẩn đoán thoái hoá khớp thường dựa vào khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh. Xét nghiệm lâm sàng chỉ thực hiện khi có nghi ngờ về trường hợp người bệnh có thêm các bệnh lý khác. Thường bao gồm:

  • Xét nghiệm sinh hoá máu: creatinin, ure, K+...
  • Xét nghiệm tế bào trong dịch khớp: Nếu số lượng tế bào trong dịch khớp dưới 2000 cái/mm3 thì dịch khớp bình thường. Nếu cao hơn số đó thì cần theo dõi viêm khớp hoặc viêm khớp nhiễm khuẩn ở người bệnh.

Thoái hóa khớp có chữa được không?

Điều trị thoái hóa khớp không khó nhưng để điều trị khỏi 100% hiện chưa có phương pháp nào làm được. Nguyên tắc điều trị bệnh hiện nay chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng bệnh; bổ sung dịch khớp; làm chậm quá trình thoái hóa và ngăn ngừa biến chứng bệnh.

Có rất nhiều phương pháp trị bệnh, tùy theo cấp độ tổn thương nặng nhẹ mà người bệnh có thể áp dụng các mẹo chữa tại nhà hoặc áp dụng phương pháp y khoa theo chỉ định của bác sĩ.

Giải pháp điều trị

Dưới đây là các phương pháp trị thoái hóa khớp đang được áp dụng phổ biến, cho hiệu quả tốt nhất:

Biện pháp điều trị thoái hóa không dùng thuốc

Thông thường khi thoái hóa khớp mới đang trong giai đoạn sớm, người bệnh có thể giảm thiểu các triệu chứng bệnh và làm chậm quá trình thoái hóa bằng một số biện pháp không dùng thuốc như:

  • Loại bỏ nguyên nhân: Tìm hiểu nguyên nhân và loại bỏ chúng là một trong những bước đầu tiên cần phải thực hiện đối với người bị thoái hóa. Nếu do vận động sai tư thế thì điều chỉnh lại tư thế, nếu do béo phì thì giảm cân,...
  • Chế độ ăn uống: Người bệnh có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, vitamin K2, omega 3… rất tốt cho hệ xương khớp.
  • Tập thể dục: Đây là một hoạt động quan trọng trong việc phòng ngừa, kiểm soát các bệnh lý xương khớp. Người bị thoái hóa khớp có thể đi bộ, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, nhảy dây, bơi lội, tập yoga… để giúp tăng sức mạnh cho các khối cơ.
  • Tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng: Phương pháp này sử dụng các tác nhân vật lý như châm cứu, bấm huyệt, sóng ngắn, dòng xung điện, siêu âm, vận động chủ động… Mục đích là giúp bệnh nhân lưu thông huyết khối, tăng cường chuyển hóa, tăng cường dẫn truyền thần kinh, chống phù nề, giảm viêm đau.

Các biện pháp này cũng là một phần trong phác đồ điều trị đối với những trường hợp thoái hóa khớp nặng cần dùng đến thuốc hoặc phải phẫu thuật. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý kỹ và thực hiện nghiêm túc.

Điều trị thoái hóa khớp theo Y học hiện đại (YHHĐ)

Nguyên tắc điều trị của YHHĐ là tập trung vào giảm đau, duy trì và tăng khả năng vận động cho người bệnh. Đồng thời hạn chế và ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp, cố gắng giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc. Trong YHHĐ có 2 phương pháp điều trị chính là:

Điều trị bằng thuốc

Thông thường quá trình thoái hóa khớp xảy ra sẽ đi kèm với tình trạng viêm. Vì vậy người bệnh sẽ phải sử dụng đến các loại thuốc điều trị như thuốc giảm đau Ibuprofen paracetamol, thuốc chống viêm Corticoid, thuốc làm chậm thoái hóa DMARs…

Trường hợp nặng sẽ sử dụng đến các loại thuốc tiêm vào khớp. Có thể là tiêm thuốc kháng viêm Corticosteroid, Acid hyaluronic, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm tế bào gốc,... Tuy nhiên các thuốc tân dược thường gây hại cho tiêu hóa, tim mạch, thận và không thực sự mang tới hiệu quả tối ưu. Vì vậy việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng.

Lạm dụng tiêm thuốc trực tiếp vào khớp có thể để lại những hậu quả xấu
Lạm dụng tiêm thuốc trực tiếp vào khớp có thể để lại những hậu quả xấu

Điều trị phẫu thuật

Khi tình trạng thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng, cấu trúc khớp đã có dấu hiệu tổn thương, biến dạng… thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật. Có thể là mổ nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp) hoặc khoan kích thích tạo xương (microfracture), cấy ghép tế bào sụn, phẫu thuật thay khớp nhân tạo...

Phương pháp này sẽ tiềm ẩn một số biến chứng nhất định. Thường gặp nhất là tắc mạch. Lâu dài có thể bị lỏng khớp do lớp xi măng gắn với xương. Ngoài ra, có khoảng 5% bị nhiễm khuẩn, 1% tử vong.

Chữa thoái hóa khớp bằng Đông y cổ truyền

Nguyên tắc điều trị của Đông y là tập trung khử tà (phong, hàn, thấp, nhiệt), hoạt lạc, hoãn cấp, chỉ thống và bổ thận, dưỡng khí huyết. Từ đó giúp người bệnh tiêu viêm, giảm đau, tái tạo sụn khớp, làm chậm quá trình thoái hóa hiệu quả. Đặc biệt, vì thành phần thảo dược nên thuốc Đông y không gây hại cho các cơ quan ngũ tạng khác của cơ thể. Vì vậy rất thích hợp dùng để điều trị các bệnh lý mãn tính như thoái hóa khớp.

Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý diễn ra theo quá trình lão hóa của cơ thể, diễn tiến bệnh sẽ ngày một nặng và không thể điều trị phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, việc phòng ngừa thực chất là biện pháp làm chậm quá trình thoái hóa, giúp người bệnh hạn chế các tổn thương, đau đớn do bệnh gây ra. Điều này có ý nghĩa lớn đối với cả người trẻ và người già, người đang mắc bệnh và chưa mắc bệnh. Theo đó, mỗi một người cần chú ý tới những vấn đề sau:

  • Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý để giúp duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ phù hợp. Đặc biệt với những người thừa cân thì phải cố gắng giảm cân về đúng tiêu chuẩn.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng sức khỏe cho các cơ và tăng độ đàn cho dây chằng, bao khớp. Tuy nhiên cần phải lưu ý hoạt động đúng cách với tần suất vừa phải.
  • Chú ý sinh hoạt và làm việc với tư thế đúng, tránh ngồi bắt chéo chân, ngồi khom lưng, cúi cổ quá mức… Nên thay đổi tư thế liên tục, tránh nằm, ngồi và đứng lâu hoặc duy trì 1 tư thế trong thời gian dài.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị về thoái hóa khớp. Mong rằng mọi người sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh lý này.

Array
Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi