Đau Nhức Xương Khớp
Đau nhức xương khớp vốn là triệu chứng thường xuất hiện ở người trung niên hay cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà thuốc của tôi tiếp nhận không ít những trường hợp người trẻ tuổi, làm văn phòng cũng gặp phải biểu hiện này. Không những thế, bệnh còn có xu hướng ngày càng trở nặng và dễ gây biến chứng nguy hiểm. Để giúp mọi người phát hiện bệnh ngay từ sớm, Tuấn tôi sẽ giới thiệu đến bà con những vấn đề về bệnh xương khớp như dấu hiệu nhận biết bệnh, nguyên nhân và cách chữa hiệu quả.
Bài viết hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn thông tin chi tiết, tổng quan về căn bệnh này để bà con có thể sớm nhận biết bệnh tình của mình. Từ đó khám, điều trị kịp thời. Chớ để bệnh lâu ngày kẻo gây biến chứng teo cơ, tàn phế, đến lúc ấy, muốn trị khỏi được là vô cùng khó khăn!
Đau nhức xương khớp là gì?
Đau nhức xương khớp là tình trạng đau đớn ở khác khớp, xương bên trong cơ thể con người, đặc biệt là ở những khớp xương phải chịu áp lực lớn do trọng lượng cơ thể như khớp vai gối, cột sống, khớp háng, vùng thắt lưng… dẫn đến việc đốt xương, sụn khớp bị tổn thương. Đi kèm với cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội, có thể quan sát thấy khớp có hiện tượng nóng, đỏ, sưng to… ở vùng khớp, cơn đau diễn ra dai dẳng, theo đợt hoặc mãn tính. Ngoài ra, khi di chuyển khớp, còn có thể phát ra âm thanh lục cục.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bệnh đau nhức xương khớp còn tiềm tàng các biến chứng nguy hiểm như tê bì, mất cảm giác tay chân, ảnh hưởng đến vận động, teo cơ, thậm chí bại liệt.
Phân loại cơn đau nhức xương khớp
Có rất nhiều bệnh gây đau nhức xương khớp, nhưng nếu xét về phương diện nguyên nhân và thời gian phát bệnh, thì có thể chia đau nhức xương khớp thành hai cấp độ là cấp tính và mãn tính.
Đau nhức xương khớp cấp tính
Đau nhức xương khớp cấp tính thường do các nguyên nhân như lao động nặng quá sức, hoạt động sai tư thế, chấn thương vùng xương khớp… Cơn đau chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu có sự can thiệp y tế.
Đau nhức xương khớp mãn tính
Khác với đau nhức xương khớp cấp tính, đau nhức xương khớp mãn tính bắt nguồn từ các bệnh lý xương khớp có yếu tố tự miễn, thoái hóa. Ở cấp độ này, bệnh đau nhức xương khớp khó điều trị, tiến triển chậm, các phương pháp chữa trị phần nhiều mang tính cải thiện và làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh.
Nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp
Theo các tài liệu y khoa tôi tìm hiểu được, cũng như qua thực tế hỏi bệnh bà con, tôi thấy có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau nhức xương khớp, điển hình như:
Do bệnh lý
Đây chính là nguyên nhân thường gây hiện tượng đau nhức xương khớp mãn tính. Các căn bệnh gây ra tình trạng này có thể là bệnh lý liên quan đến xương khớp như thoái hóa khớp, thoát vị, viêm khớp, loãng xương… hoặc các bệnh nội khoa như tiểu đường, thiếu máu, suy giáp và một số chứng bệnh rối loạn tự miễn khác.
Do nguyên nhân phi bệnh lý (tác nhân cơ học)
- Thừa cân: Tình trạng béo phì, thừa cân khiến khớp xương phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Vì thế, ngoài bệnh tim mạch, người béo phì còn thường xuyên bị bệnh xương khớp
- Lười vận động: Lười vận động ở đây không chỉ là những người ít tập thể dục mà còn là việc thường xuyên duy trì một tư thế, ví dụ như dân văn phòng, cánh tài xế hay công nhân dây chuyền là những người hầu như cả ngày chỉ ngồi một chỗ. Điều đó khiến xương khớp kém linh hoạt, dây chằng căng cứng, lâu ngày dẫn đến bệnh đau nhức xương khớp
- Lão hóa: Khi tuổi càng cao, các bộ phận trên cơ thể trong đó có cả hệ xương khớp cũng sẽ bị lão hóa dần
- Chấn thương: Trong các hoạt động thường ngày như mang vác, luyện tập thể thao… đều tiềm ẩn nguy cơ chấn thương xương khớp
- Căng thẳng: Khi phải chịu áp lực, hệ miễn dịch của con người sẽ bị suy giảm và kéo theo những vấn đề khác trong đó có cả đau nhức xương khớp. Nếu gặp phải vấn đề này, chỉ cần thay đổi lối sống, giải tỏa căng thẳng là được
- Mất nước: Cơ thể không đủ nước sẽ gây cảm giác đau đầu chóng mặt và nhức mỏi xương khớp. Thời tiết nóng nực, nhất thiết phải uống đủ nước để đảm bảo sức khỏe
- Thay đổi thời tiết: Nhiệt độ nóng lạnh thay đổi bất thường khiến gân, mạch máu bị co lại, gây cảm giác đau đớn, đặc biệt những người lớn tuổi sẽ cảm nhận rõ ràng nhất những cơn đau khi thời tiết thay đổi
Những bệnh đau nhức xương khớp thường gặp nhất
Các chứng bệnh đau nhức xương khớp phổ biến nhất có thể kể đến thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp, loãng xương… Về mặt nguyên nhân, hầu hết các chứng bệnh đều khởi nguồn từ các vấn đề chung như do tuổi tác, cân nặng, hoạt động, tư thế, chấn thương… Vì vậy tôi sẽ không phân tích sâu vào nguyên nhân gây ra từng loại bệnh xương khớp mà tập trung hơn về mặt triệu chứng để các bạn tiện nhân biết xem mình đang có khả năng bị bệnh gì.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép dây chằng và rễ thần kinh, gây ra sự đau đớn. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào trên cột sống trong đó thoát vị đĩa đệm ở đốt sống thắt lưng là phổ biến hơn cả. Khi bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh thường cảm nhận được hiện tượng đau từ thắt lưng lan xuống chân.
Khi bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh thường có các triệu chứng sau đây:
- Đau nhức: Những cơn đau âm ỉ hoặc đau rất dữ dội ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ chân, cổ tay. Đau tăng nặng khi hoạt động, giảm xuống khi nghỉ ngơi
- Tê bì chân tay: Rễ thần kinh bị chèn ép, tạo cảm giác tê bì ở thắt lưng, cổ và lan xuống mông, đùi, bẹn, chân
- Rối loạn cảm giác: Cũng do rễ thần kinh bị chèn ép, mà nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm bị rối loạn cảm giác, có người miêu tả lại về cảm giác giống như kiến bò trong người
- Teo cơ: Vì bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động, lại chèn ép dây chằng và rễ thần kinh, lâu dần khiến cơ bị teo lại, hạn chế khả năng vận động
- Bại liệt: Ở giai đoạn nặng, khi các cơ đã bị teo, bệnh nhân rất có khả năng bị liệt các chi và phải ngồi xe lăn
Nên Xem: Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm Và Những Điều Cần Biết
Thoái hóa khớp, cột sống
Đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp và cột sống là tình trạng xảy ra khi sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương, từ đó sinh ra những phản ứng như viêm, sưng, dịch khớp giảm, sụn khớp bị bào mòn, đầu xương cọ xát vào nhau khi vận động.
Dù cũng là bệnh lý xương khớp, nhưng bên cạnh các dấu hiệu tương đồng, thoái hóa khớp và cột sống có những triệu chứng khác với thoát vị đĩa đệm:
- Đau nhức: Cơn đau khi bị thoái hóa khớp sẽ tăng lên khi hoạt động hoặc tùy thuộc vào thời điểm trong ngày, ví dụ như buổi sáng khi thức dậy, khớp sẽ bị cứng, sau khi hoạt động một lúc sẽ trở lại bình thường. Đặc biệt, vào những lúc thời tiết thay đổi, cơn đau sẽ tăng nặng rất dữ dội
- Cứng và nóng khớp: Do đầu xương cọ xát vào nhau và thiếu dịch bôi trơn khớp, nên người bệnh sẽ thấy nóng ran vùng khớp bị thương tổn, vận động khó khăn và bị cứng đờ
- Vận động suy giảm: Ban đầu là sự đau đớn, nhưng dần dần khi bệnh nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy mọi hoạt động đều trở nên khó khăn. Thậm chí, do khả năng giữ thăng bằng kém đi, họ rất dễ bị ngã khi đi lại. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người cao tuổi, bởi một cú ngã cũng có thể dẫn đến các vấn đề trầm trọng hơn như tai biến mạch máu não
Nên Xem: Biến Chứng Và Cách Điều Trị Của Thoái Hóa Cột Sống
Viêm đa khớp dạng thấp
Viêm đa khớp dạng thấp hoặc viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính xảy ra do rối loạn tự miễn, khiến cho hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào chính các mô trong cơ thể. Khi bị bệnh này, các khớp như khớp tay, khớp lưng, bàn tay, khớp đầu gối sẽ bị viêm, sưng đỏ, đau đớn, xơ cứng. Bệnh này cực kỳ nguy hiểm vì không chỉ làm tổn hại hệ xương khớp, phá hủy sụn khớp cùng xương dưới sụn, gây biến dạng khớp và tăng nguy cơ tàn phế mà còn có thể tác động lên da, mạch máu, mắt, tim, phổi.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra viêm đa khớp dạng thấp chưa được xác định cụ thể. Song một trong các yếu tố có liên quan hơn cả là di truyền, khiến người bệnh nhạy cảm hơn với môi trường, dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công làm bệnh khởi phát.
Triệu chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp gồm có:
- Cơn đau xuất hiện ở nhiều khớp khác nhau, đối xứng hai bên
- Các khớp đốt bàn tay thường bị cứng vào buổi sáng, kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ
- Khi ngồi bất động trong một khoảng thời gian dài, khớp sẽ đau và có hiện tượng xơ cứng. Cảm giác này đỡ dần sau khi cử động nhiều
- Sinh hoạt hàng ngày như thay quần áo, mở nắp chai lọ, cầm bút viết… có thể gặp khó khăn do sụn khớp bị bào mòn, biến dạng
- Nếu đau tại khớp gối, khớp bàn chân, mắt cá… thì khi đi đứng, cúi người đều dễ gặp khó khăn
- Mắt có cảm giác bỏng rát, ngứa
- Mệt mỏi, chán ăn, yếu ớt, sốt cao, thở gấp
- Chân bị nổi nhọt, ngứa ran, tê bì
Loãng xương
Loãng xương còn gọi là giòn xương hoặc xốp xương xảy ra khi xương mỏng dần, mật độ xương giảm, khiến xương dễ giòn gãy. Đây là tình trạng rất phổ biến với phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi. Xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay thường bị loãng xương hơn cả. Căn bệnh này có thể gây tàn phế bởi một số xương bị loãng khi đã gãy sẽ rất khó để lành lại được, đặc biệt là những xương lớn như xương đùi, xương cột sống. Chi phí phẫu thuật để điều trị gãy xương do bị loãng xương cũng rất lớn, rủi ro cao.
Triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh loãng xương gồm có:
- Đau lưng dữ dội, chiều cao sụt giảm, lưng bị gù, dáng đi khom xuống do mật độ xương giảm khiến cột sống bị gãy lún
- Các vùng xương chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể gồm xương cột sống, thắt lưng, xương hông, xương chậu, đầu gối bị đau nhức âm ỉ, kéo dài, tăng mạnh khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi
- Cột sống, thắt lưng và hai bên sườn đau đớn, ảnh hưởng đến dây thần kinh đùi, dây thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, khiến người bệnh cực kỳ khó khăn khi cúi gập hoặc xoay người
- Đầu xương đau nhức, các xương dài mỏi, cảm giác châm chích toàn thân
- Loãng xương ở người cao tuổi thường đi kèm với những dấu hiệu của căn bệnh thoái hóa khớp, bệnh cao huyết áp và giãn tĩnh mạch
Lao xương khớp
Lao xương là bệnh do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Thông thường, bệnh xảy ra sau bệnh lao phổi. Vi khuẩn gây lao phổi có thể đi theo đường máu hoặc bạch huyết, đến khu trú tại các vị trí như cột sống, đầu gối, hông, đĩa đệm thắt lưng, đốt sống cổ, xương cùng, xương sườn, ức, xương chậu, xương dài, xương bàn tay, bàn chân. Ước tính cho thấy bệnh phổ biến nhất với những người trong độ tuổi 20-40 tuổi.
Khi bị lao xương, người bệnh thường sẽ ghi nhận các triệu chứng như sau:
- Mệt mỏi, uể oải, về chiều lên cơn sốt, về đêm vã mồ hôi nhiều
- Cân nặng giảm bất thường, da dẻ xanh xao, ăn uống kém ngon miệng
- Đau xương tại các vị trí bị tổn thương, ví dụ lao cột sống sẽ bị đau đớn ở phía sau cột sống. Cơn đau tăng về đêm
- Vị trí bị lao xương có hiện tượng sưng to, cứng nhưng không bị nóng và đỏ như những bệnh xương khớp khác
- Áp xe lạnh, bên trong ổ áp xe là tổ chức hoại tử bã đậu, mủ, có thể có cả mảnh xương chết, khớp bùng nhùng
Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là một nhiễm trùng xảy ra do các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm A, nấm, virus… xâm nhập và là khớp bị tổn thương, gây đau đớn dữ dội. Vị trí viêm khớp nhiễm khuẩn phổ biến nhất là đầu gối, sau đó là mắt cá chân, cổ tay, khuỷu tay, vai, hông.
Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi và trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ những nhiễm trùng ở các vị trí khác trong cơ thể, như nhiễm trùng hô hấp, tiết niệu, từ đó lan sang khớp. Một số trường hợp hiếm gặp hơn là vết thương thủng, biến chứng sau tiêm thuốc hoặc phẫu thuật.
Các triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn gồm:
- Sốt cao, tim đập nhanh, người mệt mỏi khó chịu
- Thường chỉ bị đau đớn một khớp duy nhất, quan sát thấy sưng đỏ, nóng, đau đớn dữ dội
- Vận động bị ảnh hưởng vì khi di chuyển khớp bị thương tổn sẽ cực kỳ đau đớn
- Thường viêm một khớp duy nhất, sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, hạn chế vận động
Gout
Bệnh gout còn gọi là bệnh thống phong, do rối loạn chuyển hóa axit uric trong máu, khiến muối urat bị lắng đọng ở khớp, tạo thành những tinh thể nhỏ từ đó gây viêm sưng, đau đớn. Khác với những bệnh xương khớp khác, cơn đau do gout sẽ cực kỳ nặng nề và dữ dội. Vị trí bị ảnh hưởng thường gặp nhất là ngón cái, các khớp chân khác như đầu gối, bàn chân, mắt cá và khớp tay như bàn tay, khuỷu tay, cổ tay.
Triệu chứng của bệnh gout khá đặc trưng, cụ thể là:
- Ghi nhận cho thấy bệnh nhân gout thường phải chịu đựng các đợt viêm khớp cấp tái phát nhiều lần, cơn đau đột ngột vào ban đêm
- Khớp sưng đỏ, nóng, đau dữ dội, khi ấn vào càng đau hơn. Cơn đau kéo dài vài giờ đồng hồ hoặc 1-2 ngày, thậm chí có thể diễn ra trong vài tuần nếu không được điều trị kịp thời
- Ở giai đoạn nặng, có thể quan sát thấy các u cục tophi (hình thành từ quá trình tích tụ tinh thể axit uric) tại các vị trí khớp thương tổn như ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Khối u có xu hướng tăng về kích cỡ
- Không chỉ tích tụ ở khớp, các tinh thể còn có thể tích tụ trong thận, gây bệnh sỏi thận
- Sỏi thận: nếu không điều trị gout đúng cách, các tinh thể acid uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tích tụ trong thận gây ra sỏi thận
Đối tượng nào dễ mắc bệnh đau nhức xương khớp?
Theo thống kê, dù bệnh đau nhức xương khớp thường xảy ra ở những người cao tuổi, người làm công việc lao động nặng, nhưng hiện nay đau nhức xương khớp là căn bệnh đang có xu hướng trẻ hóa và phổ biến ở đối tượng những người làm văn phòng do tính chất công việc thường xuyên phải ngồi yên. Tại Nhà thuốc Đỗ Minh Đường, tôi ước tính mỗi tháng lại có hàng chục ca xương khớp mà bệnh nhân là những người dưới 40 tuổi.
Đau nhức xương khớp ở người trẻ
Bệnh đau nhức xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp ở người già là căn bệnh cực kỳ phổ biến, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Một thống kê cho thấy riêng tại Việt Nam, đã có tới 30% số người từ 35 tuổi trở lên có dấu hiệu bị thoái hóa khớp.
Hơn nữa, bệnh đau nhức xương khớp ở dạng viêm khớp tự phát còn có thể xảy ra với người dưới độ tuổi vị thành niên với các triệu chứng như sưng, đau, khớp cứng, hạn chế vận động. Ngoài ra, một dạng bệnh lý xương khớp khác người có thể gặp phải là viêm khớp dạng thấp.
Như vậy, có thể thấy là không chỉ người già mới bị bệnh xương khớp, mà người trẻ cũng hoàn toàn có thể mắc các căn bệnh tương tự do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ một thói quen không phù hợp cũng có thể gây ra bệnh, ví dụ như chuyện bẻ khớp tay, khớp cổ, đi giày cao gót thường xuyên quá, ngồi học hay làm việc sai tư thế… Bởi vậy, chúng ta không nên chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh tật.
Nhưng bên cạnh đó,người trẻ cũng có lợi thế so với người già ở chỗ cơ thể của họ có khả năng tự phục hồi, tái tạo cao, đặc biệt là xương khớp, sụn khớp vẫn còn phát triển mạnh. Vì thế không nên chần chừ mà bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị, chỉ cần áp dụng đúng phương pháp phù hợp thì khả năng phục hồi cực kỳ cao.
Đau nhức xương khớp ở người trung niên, cao tuổi
Theo thống kê, 60% bệnh nhân xương khớp là người từ 60 tuổi trở lên. Tuổi càng cao, càng có nguy cơ bị mắc bệnh xương khớp hơn. Các khớp dễ bị thương tổn nhất là khớp đầu gối, khớp hông, khớp tay, cột sống.
Trong quan niệm của nhiều người, khi về già, việc bị đau nhức xương khớp, mình mẩy được coi là điều đương nhiên nên họ có xu hướng bỏ qua và chịu đựng cơn đau thay vì điều trị. Nhưng nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, các cơn đau nhức xương khớp sẽ trở thành mãn tính, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và có nguy cơ dẫn tới mất khả năng vận động, thậm chí tàn tật vĩnh viễn.
Những người cao tuổi bị đau nhức xương khớp có nguy cơ bị vấp ngã rất cao. Thứ nhất là vì xương khớp yếu, bước đi lập cập không vững, lại thêm ngũ quan suy yếu, khả năng phán đoán địa hình kém. Hơn nữa khác với người trẻ, một cú ngã của người già có thể là một đòn chí mạng, gây chấn thương nặng, phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao bởi ngã có thể dẫn đến xuất huyết não, tai biến mạch máu não.
Vì sợ bị ngã, người già rất hạn chế việc di chuyển, không làm những việc phải vận động nhiều, lại càng khiến xương khớp thêm yếu ớt và cứng, khiến cân nặng tăng thêm, làm cho các bệnh lý xương khớp, tiểu đường, tim mạch, huyết áp… thêm nặng nề.
Riêng với bệnh xương khớp ở người cao tuổi, các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra là: xương giòn dễ gãy, khớp bị chảy máu nhiễm trùng, gân và dây chằng bị thoái hóa, dây thần kinh bị chèn ép, xương hoại tử.
Đau nhức xương khớp có cần khám không?
Như tôi đã nhận định ở trên, bệnh xương khớp giờ đây không chỉ phổ biến ở người trung niên, người cao tuổi mà còn phổ biến ở người trẻ, làm việc văn phòng hoặc lao động nặng. Bệnh có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân mà nhiều người không nhận thức được, như thói quen bẻ khớp, ngồi sau tư thế, vặn vẹo cột sống, tập luyện quá sức.
Trước đây, bệnh nhân xương khớp đến khám tại Đỗ Minh Đường chủ yếu là do chấn thương lao động, tai nạn, trật khớp, nhưng giờ thì phải tới 50% bệnh nhân đau nhức xương khớp là do các bệnh lý mãn tính như thoái hóa khớp, hoại tử xương, hoặc do vận động sai cách khi chơi thể thao làm đứt dây chằng, chấn thường khớp. Với các nguyên nhân này thì đều cần điều trị y tế.
Một vấn đề tôi thấy khá phổ biến nhưng rất nguy hiểm với bệnh xương khớp, đó là khi thấy đau, nhiều người tự ý dùng thuốc giảm đau không qua kê đơn. Việc này theo tôi là cực kỳ không nên vì dù thuốc có giảm đau tức thời nhưng nguyên nhân gây đau vẫn còn đó mà không được chữa dứt điểm. Để lâu dài càng nặng hơn và dẫn đến biến chứng nguy hiểm khác.
Khi quan sát thấy cơ thể có các dấu hiệu bệnh lý đi kèm với đau nhức xương khớp thì người bệnh cần nhanh chóng đi khám ở các cơ sở y tế uy tín.
Tựu chung, tôi xin khuyên các bạn như thế này: hãy theo dõi kỹ triệu chứng đau khớp. Nếu xung quanh khớp bị sưng đỏ, ấn vào thấy mềm, đau từ 3 ngày trở lên kèm sốt thì nên nhanh chóng đi khám tại các cơ sở có chuyên môn cao và đáng tin cậy.
Các phương pháp chữa bệnh xương khớp phổ biến
Xét về cơ bản, chúng ta có thể chia các phương pháp điều trị bệnh đau nhức xương khớp thành 3 loại: điều trị tại nhà, điều trị Tây y và điều trị Đông y. Tất cả đều có một mục đích chung, đó là hạn chế cơn đau, giảm nhẹ triệu chứng, giảm thiểu sự tổn thương cơ khớp, trị triệt để nguyên nhân gây bệnh nếu có thể và bảo tồn thể chất toàn diện cho người bệnh.
Mẹo dân gian chữa đau nhức xương khớp tại nhà
Điều trị bệnh xương khớp tại nhà là phương pháp được rất nhiều người chọn lựa bởi tâm lý ngại đi khám, sợ bệnh viện. Bên cạnh việc giảm cân (nếu cơ thể bị béo phì gây áp lực lên hệ xương khớp), vận động nhẹ nhàng, cách mà nhiều người quan tâm hiện nay là các bài thuốc dân gian. Tôi xin liệt kê ra đây một số bài thuốc dân gian phổ biến nhất có tác dụng giảm nhẹ cơn đau xương khớp:
- Ngải cứu: Rửa sạch cây ngải cứu, giã hoặc xay nát rồi lọc lấy nước cốt. Thêm chút đường cho dễ uống, dùng hàng ngày.
- Lá lốt: Lá lốt rửa sạch sau đó giã dập, rang nóng trên chảo cùng muối hạt, sau đó cho vào túi vải sạch, chườm lên vùng bị đau.
- Cỏ xước: Cỏ xước làm sạch phơi khô, đen sắc với nước uống hàng ngày thay nước lọc.
- Dây đau xương: Dây đau xương rửa sạch, phơi khô rồi đun với nước, dùng thay nước lọc hàng ngày.
- Xương rồng: Nướng bẹ xương rồng trên bếp than khoảng 5 phút, trở đều 2 mặt. Dùng xương rồng đã hơ nóng này áp lên vùng xương khớp bị đau, khi nguội lại thay bẹ xương rồng mới đã hơ nóng. Áp dụng hàng ngày liên tục trong 1-2 tuần.
Ở một mức độ nào đó, các cách chữa dân gian như vậy thực sự có hiệu quả và có ưu điểm là lành tính, ít tác dụng phụ. Nhưng chỉ trong điều kiện cơn đau nhức không khởi phát từ các bệnh lý mãn tính hoặc chấn thương nặng mà thôi. Ngoài ra, khi tự “bào chế” thuốc chữa bệnh, những người bình thường không có chuyên môn về cây thuốc có thể làm không đúng cách, như vậy thuốc không những chẳng có hiệu quả mà đôi khi lại không phù hợp với cơ địa, gây phản tác dụng.
Điều trị đau nhức xương khớp bằng Tây y
Trong Tây y, đau nhức xương khớp có thể được chỉ định điều trị bằng các phương pháp là dùng thuốc và phẫu thuật.
Dùng thuốc điều trị đau nhức xương khớp
Trong sử dụng thuốc điều trị, một loại thuốc thường dùng là thuốc giảm đau (paracetamol với cơn đau nhẹ và các thuốc giảm đau liều cao dành cho trường hợp đau trầm trọng như nhóm opioid và nhóm hydrocodone. Ngoài thuốc giảm đau, người ta còn dùng các loại thuốc khác như thuốc chống viêm, thuốc chứa chất đối kháng… dùng dạng uống hoặc bôi ngoài da.
Tuy nhiên, các nhóm thuốc này khi sử dụng đều cần phải cẩn trọng vì ẩn chứa nhiều tác dụng phụ không mong muốn như gây mệt mỏi, suy yếu cơ thể, nổi mề đay, chảy máu, phân đen, vàng da, buồn ngủ, lệ thuộc thuốc, hại dạ dày…
Trong một số trường hợp, bác sĩ Tây y sẽ chỉ định thủ thuật xâm lấn tối thiểu là tiêm khớp (tiêm steroid, corticosteroid, axit hyaluronic hoặc PRP.
Điều trị đau nhức xương khớp bằng phẫu thuật
Riêng đối với những bệnh nhân bị đau nhức xương khớp nghiêm trọng, phẫu thuật là phương pháp được chỉ định. Những phương pháp phẫu thuật gồm có: thay khớp, tái cấu trúc xương, hợp nhất xương hoặc phẫu thuật nội soi.
Mỗi loại hình phẫu thuật lại có những lưu ý riêng. Ví dụ như thay khớp phù hợp với người lớn tuổi, trong khi tái cấu trúc xương lại thường được chỉ định với bệnh nhân trẻ, xương còn phát triển được. Hợp nhất xương có tác dụng giảm đau, giúp xương khớp ổn định hơn nhưng lại khiến khớp bị hạn chế vận động, thậm chí không thể di chuyển. Mặt khác, phẫu thuật nội soi lại là phương pháp phổ biến để điều trị xương khớp vùng đầu gối, nhưng hiệu quả của nó được đánh giá là không vượt trội so với dùng thuốc.
Điều trị đau nhức xương khớp bằng Đông y
Dù hiện nay, người dân có xu hướng tìm đến Tây y khi bị bệnh, nhưng trong điều trị bệnh lý xương khớp mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút… thì y học cổ truyền được rất nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn. Nguyên nhân là vì y học cổ truyền không chỉ điều trị bệnh khỏi dứt điểm mà còn có tác dụng hữu hiệu vô cùng trong bảo tồn thể chất và phục hồi chức năng.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, y học cổ truyền không chỉ trị bệnh bằng các bài thuốc Nam, mà còn có rất nhiều phương pháp khác như xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu, châm cứu, điện châm, thủy châm…, dán cao, xông ngâm thuốc… Ngoài việc điều trị độc lập, Đông y còn có thể kết hợp với Tây y để mang lại hiệu quả cao nhất. Ví dụ như nếu bệnh xương khớp cấp tính, buộc phải phẫu thuật thì đầu tiên sẽ áp dụng Tây y, sau đó lại dùng Đông y để tiêu trừ triệt để nguyên nhân gây bệnh, phục hồi và cải thiện thể chất.
Bị bệnh xương khớp kiêng ăn gì, nên ăn gì?
Trong quá trình điều trị bệnh, chuyện ăn uống sao cho đúng cũng là điều cần lưu ý. Vấn đề này tôi đã trình bày khá đầy đủ ở bài viết “Người bệnh xương khớp kiêng ăn gì, nên ăn gì tốt nhất?” trên trang blog này, mời các bạn đọc để nắm được chi tiết các loại thực phẩm nên và chớ nên ăn khi bị bệnh xương khớp.
Ngoài ra, tôi cũng xin làm rõ một vấn đề. Nhiều người khi uống thuốc Đông y thì cho rằng phải kiêng món này, món kia vì thức ăn đó làm “giã mất thuốc”, hay còn gọi là làm mất tác dụng, dược tính của thuốc. Thực chất, quan niệm này là sai lầm.
Sở dĩ các thầy thuốc Đông y thường căn dặn người bệnh kiêng đồ ăn nóng, tanh hay cay là bởi những thực phẩm này có tính nhiệt hoặc hàn mạnh, gây ra những tác động không tốt cho tạng can, thận và hệ tiêu hóa, từ đó làm tăng nặng các triệu chứng bệnh lên. Hay nói cách khác, thực phẩm không tốt cho sức khỏe người bệnh, nếu còn tiếp tục ăn thì sẽ càng đau nhức mỏi, trị bệnh càng tốn công, tốn sức mà không hiệu quả.
Thậm chí, lúc đó nhiều người lại cho rằng do thuốc uống không hợp nên bệnh không khỏi, đâu biết rằng một phần lớn nguyên nhân lại bởi chính bản thân mình.
Bài viết này khá dài, “ngốn” của tôi mất 3 ngày biên soạn. Tuy nhiên tôi nhận thấy nó vẫn chưa thực sự đạt được mức độ hoàn thiện tuyệt đối vì chỉ cung cấp được các thông tin cơ bản mà thôi, còn các câu hỏi chi tiết hơn thì tôi sẽ tiếp tục triển khai trong những bài viết sau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!