Thoái Hóa Khớp Tay

Tham vấn chuyên môn bởi:

Lương y Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn hệ thống Đỗ Minh Đường

Tính trong tổng số bệnh nhân bị thoái hóa khớp nói chung thì tỉ lệ thoái hóa khớp tay chiếm 14%. Mặc dù đây không phải là tỷ lệ thấp nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ về nguyên nhân sinh bệnh và các triệu chứng thường gặp. Vậy nên hôm nay tôi sẽ chia sẻ tới bà con những hiểu biết của mình về bệnh thoái hóa khớp tay. Mong rằng qua đây bà con có thêm những thông tin hữu ích giúp phòng chữa bệnh hiệu quả hơn.

Thoái hóa khớp tay là bệnh gì?

Chắc hẳn bà con chúng ta hầu hết mới chỉ nghe nhắc nhiều tới thoái hóa đốt sống cổ, cột sống lưng, thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp vai… mà ít nghe tới thoái hóa khớp tay. Thực chất, thoái hóa khớp tay là thuật ngữ chung để nói tới tình trạng thoái hóa ở khớp bàn tay, cổ tay, khuỷu tay.

Thoái hóa khớp tay là tình trạng phần sụn ở khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay bị khô cứng, bào mòn theo thời gian. Lâu dần có thể khiến lớp sụn bị nứt rách, phần đầu xương dưới sụn bị biến dạng về hình thái, cấu trúc. Lớp dịch nhầy ở khớp xương cũng dần bị suy giảm, ở phần đầu khớp xương hình thành gai xương, khe khớp hẹp lại.

Thoái hóa khớp tay là tình trạng phần sụn ở khớp tay bị khô cứng, bào mòn
Thoái hóa khớp tay là tình trạng phần sụn ở khớp tay bị khô cứng, bào mòn

Những người ngoài 60, 65 tuổi là nhóm đối tượng dễ gặp phải tình trạng thoái hóa khớp tay nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số người cũng bắt gặp các triệu chứng đầu tiên của bệnh khi bước vào tuổi 50 – 55. Và theo đánh giá của ngành y tế, thì nữ giới có nguy cơ bị bệnh cao hơn nam giới, chiếm khoảng 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, những người thừa cân, béo phì cũng bị thoái hóa khớp tay nhiều hơn bình thường, trung bình có khoảng 1/3 bệnh nhân có tình trạng dư thừa cân nặng.

Những nguyên nhân gây thoái hóa khớp tay

Nếu như thoái hóa khớp gối xảy ra là do bộ phận này phải gánh chịu gần như toàn bộ áp lực từ trọng lượng cơ thể thì khủy tay, nhất là cổ tay, bàn tay lại là vị trí thường xuyên hoạt động và chịu nhiều tác động ngoại lực nhất. Bởi vậy, dù không thường xuyên xách nặng hay bê vác vật nặng thì khi đến độ tuổi trung niên, bạn vẫn dễ bị thoái hóa khớp tay như thường. Vậy cụ thể có những nguyên nhân nào gây ra bệnh này? Tôi xin chỉ ra một số nguyên nhân tiêu biểu sau đây để bà con biết:

  • Tuổi tác: Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh. Tuổi càng cao thì các bộ phận trên cơ thể, không riêng gì sụn, xương khớp càng bị lão hóa nhiều. Lưu lượng máu ở cơ thể người cao tuổi cũng sẽ không dồi dào như thời trẻ nên tổ chức sụn khớp ở ngón tay, cổ tay, khuỷu tay bị thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó chúng sẽ hoạt động kém hơn, có biểu hiện mòn sụn, cứng khớp, đau nhức tay.
  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ bị thoái hóa khớp tay cao hơn so với nam giới, nhất là nữ giới trong độ tuổi tiền mãn kinh trở đi. Do nội tiết tố nữ suy giảm nhanh hơn ở nam giới gấp 3 lần, đặc biệt là estrogen làm thay đổi nhanh tế bào sụn khớp.
  • Cơ thể thiếu hụt canxi: Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất quan trọng này cho xương khớp, đồng thời, tuổi càng cao thì khả năng hấp thụ canxi cũng thấp hơn nên càng làm cho bạn dễ bị thoái hóa khớp tay.
Một số nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay
Một số nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay
  • Chấn thương: Những chấn thương nặng hoặc nhẹ trong đời sống, sinh hoạt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới khớp bàn tay, cổ tay, ngón tay. Lớp sụn chịu tác động ngoại lực lớn sẽ nhanh bào mòn, 2 đầu xương khớp ma sát mạnh với nhau chèn lên dây chằng gây cảm giác đau nhức dữ dội.
  • Bệnh xương khớp: Các bệnh như gout, lyme, loạn sản xương khớp, viêm khớp… cũng sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp tay. Khi mắc các bệnh này, người bệnh sẽ thấy phần cổ tay, khủy tay, khớp ngón tay sưng tấy đau nhức, vận động hạn chế, không thể sinh hoạt như bình thường được.
  • Tính chất công việc: Không phải chỉ những người thường xuyên phải sử dụng đôi tay để xách, khuân vác vật nặng mới dễ bị thoái hóa khớp tay. Những người làm việc văn phòng cũng dễ bị bệnh này. Nguyên nhân là do khớp tay phải thực hiện động tác vận động liên tục trong nhiều giờ liền, không có khoảng thời gian nghỉ ngơi để hồi phục thể trạng ban đầu.

Bạn đọc thân mến, rất khó để xác định được cụ thể nguyên nhân gây thoái hóa khớp tay. Lý do là bởi chúng ta ít khi bị thoái hóa khớp do một nguyên nhân nhất định. Thay vào đó, việc cùng lúc chịu tác động của nhiều nguyên nhân sẽ thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra. Vì vậy, việc chúng ta cần làm là chú trọng phòng ngừa, sớm phát hiện triệu chứng bệnh và điều trị sao đúng cách, đạt hiệu quả tốt nhất.

Triệu chứng thoái hóa khớp cổ tay, ngón tay, khuỷu tay

Nói về biểu hiện của thoái hóa khớp tay thì dù ở cổ tay, ngón tay hay khuỷu tay thì triệu chứng điển hình vẫn là tình trạng sưng đau khớp. Phải nói rằng đau nhức chính là dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết nhất của hầu hết các bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta lại không chú ý nhiều tới cảm giác này vì nếu nghỉ ngơi, không cử động khớp tay thì cơn đau sẽ biến mất. Chỉ khi bệnh diễn tiến nặng hơn thì mức độ đau cũng tăng lên, nhất là khi hoạt động tay, hoặc chỉ đơn giản là cầm nắm đồ vật nhẹ nhàng.

Các triệu chứng điển hình của thoai hoa khop tay
Các triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp tay

Ngoài triệu chứng đau nhức khớp thì thoái hóa khớp tay còn đi kèm với các dấu hiệu khác như:

  • Tiếng kêu lục cục ở khớp: Khi vận động cổ tay, bàn tay mà bạn cảm thấy hơi đau nhức kèm theo có tiếng kêu lục cục, lạo xạo ở khớp thì 90% là bạn bị thoái hóa khớp tay.
  • Cứng khớp: Sưng và cứng ở khớp ngón tay, cổ tay hay khuỷu tay khi vận động là triệu chứng bệnh đã chuyển sang giai đoạn có tổn thương rõ rệt rồi. Bạn sẽ nhận thấy mình khó mà xoay được cổ tay, ngón tay, vận động khó khăn hơn, không linh hoạt như trước.
  • Teo cơ, hạn chế khả năng vận động: Đây là triệu chứng thoái hóa khớp tay nặng nhất. Lúc này, phần cơ ngón tay, cánh tay bị teo lại, yếu hẳn đi, không thể đảm bảo chức năng vận động như bình thường được nữa.

Mặc dù những triệu chứng tôi liệt kê trên đây khá rõ ràng nhưng tôi vẫn khuyên bạn đọc nên đi thăm khám, kiểm tra để xác định chính xác nhất tình trạng sức khỏe của mình. Nhiều khi bạn đọc tham khảo thông tin trên mạng rồi quá lo lắng, sợ hãi dẫn đến lựa chọn phương pháp điều trị sai lệch, không đem lại lợi ích cho sức khỏe.

Thoái hóa khớp tay có nguy hiểm không?

Không có bệnh nào là không tiềm ẩn mối nguy hiểm cho sức khỏe, ngay đến cả bệnh cảm cúm thông thường còn có thể gây ra biến chứng suy hô hấp, dù ít gặp. Vậy nên bà con cũng không nên chủ quan với bệnh thoái hóa khớp tay của mình. Ở giai đoạn đầu, mới chớm bệnh, bạn có cơ hội kiểm soát và ngăn ngừa quá trình thoái hóa tốt hơn. Còn nếu để bệnh tiến triển nặng sẽ rất khó chữa trị. Đặc biệt càng để lâu càng dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thường gặp nhất là:

  • Biến dạng khớp tay: Khớp ngón tay, cổ tay bị thoái hóa lâu ngày dễ bị biến dạng do lớp sụn mòn và gần như mất hết, dịch khớp tràn ra ngoài bị viêm, sưng, đầu xương cọ sát vào nhau hình thành gai, xơ cứng. Tình trạng này khiến khớp bị biến dạng, nổi cục cứng.
  • Liệt, mất khả năng vận động tay: Về lâu dài, bệnh thoái hóa khớp tay tiến triển thành mãn tính, khớp xương biến dạng làm chức năng vận động bị hạn chế dần. Sụn khớp bị hủy hoại lâu ngày còn kéo theo cơ tay bị teo, mất khả năng vận động.
Bệnh kéo dài, không được điều trị có thể khiến khớp bị biến dạng
Bệnh kéo dài, không được điều trị có thể khiến khớp bị biến dạng

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Để có thể xác định được mình có đang bị thoái hóa khớp tay hay không, mức độ thoái hóa cụ thể như thế nào, bà con cần đến bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa uy tín thăm khám và làm các xét nghiệm, chẩn đoán lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và chỉ định thực hiện các chụp chiếu, xét nghiệm cần thiết. Thông thường sẽ có 3 bước cơ bản như sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ giữ khớp ngón tay, cổ tay và đề nghị người bệnh di chuyển các ngón tay theo hướng dẫn. Dựa trên biểu hiện cụ thể và áp lực chống lại ở phần xương cổ tay của bạn thì bác sĩ sẽ đưa ra được kết luận về tình trạng bệnh lý bạn đang gặp phải.
  • Chụp X-quang tay: Kỹ thuật này sử dụng tia X để ghi lại hình ảnh xương cánh tay, bàn tay, giúp phát hiện được cụ thể vị trí gai xương, độ dày – mỏng của sụn khớp và khoảng cách khe khớp hẹp hay rộng.
  • Xét nghiệm sinh hóa: Trong trường hợp bạn bị sưng đau, cứng khớp cổ tay, ngón tay, vị trí khớp sưng to, nổi cục thì bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, chọc dịch khớp của bạn. Kết quả xét nghiệm sẽ chỉ ra được bạn có bị viêm khớp tay hay không.

Cách chữa thoái hóa khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay

Với bệnh thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp tay nói riêng, mỗi giai đoạn hay tình trạng bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Tôi thường khuyên người bệnh rằng, bệnh nhẹ hay nặng đều nên đi khám sớm. Chữa sớm thì luôn tốt hơn rồi nhưng đặc biệt việc này còn giúp bà con đỡ tốn kém chi phí điều trị về sau.

Điều trị cần dựa vào trạng bệnh để có phác đồ phù hợp
Điều trị cần dựa vào trạng bệnh để có phác đồ phù hợp

Điều trị thoái hóa khớp tay không dùng thuốc

Ở mức độ nhẹ, tức là chưa có hiện tượng sưng khớp, hạn chế vận động, bà con sẽ được đề nghị thực hiện một số biện pháp điều trị không cần dùng thuốc như sau:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt: Tăng cường thời gian nghỉ cho cánh tay, bàn tay, chỉ cầm nắm vật nhẹ ít nhất 1 – 2 tuần. Tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D và glucosamine trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày để xương khớp chắc khỏe, cứng cáp hơn.
  • Cố định cổ tay, khuỷu tay bằng nẹp hoặc băng y tế: Nhằm giảm áp lực lên khớp cổ tay, bàn tay, khuỷu tay. Khi nằm ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi, bà con nên chèn gối dưới cánh tay sao cho khuỷu tay cao ngang với ngực, như vậy sẽ giảm bớt cảm giác đau nhức.
  • Tập vật lý trị liệu: Các bài tập dành riêng cho cánh tay, hỗ trợ làm giảm đau do thoái hóa khớp, khôi phục chức năng vận động của cánh tay, cổ tay cũng có ích trong giai đoạn này như liệu pháp nhiệt, massage giảm đau, kích thích điện qua da, liệu pháp siêu âm…
  • Mẹo dân gian: Chườm cánh tay bằng ngải cứu rang muối, ngâm bàn tay với nước lá lốt, nước đun cây cỏ xước… là những mẹo chữa thoái hóa được dân gian áp dụng nhiều và cho thấy có hiệu quả. Những mẹo này sẽ giúp cho bà con giảm bớt cảm giác đau nhức tại khớp tay bị thoái hóa nhẹ.

Điều trị thoái hóa khớp tay bằng thuốc

Khi cảm giác đau nhức do thoái hóa khớp tay diễn ra với tần suất dày, gây ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt hàng ngày, có nghĩa là trong khớp đã hình thành ổ viêm. Lúc này, người bệnh sẽ không tránh khỏi việc dùng thuốc.

Tôi sẽ liệt kê các loại thuốc đông y và tây y thường được dùng để chữa thoái hóa khớp tay để bà con có thêm thông tin tham khảo. Còn thực tế, việc sử dụng thuốc cần phải thực hiện theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phòng tránh những tác dụng phụ xảy ra, gây hại cho sức khỏe.

Thuốc Tây y điều trị thoái hóa khớp tay

Nguyên tắc điều trị của thuốc Tây y là giảm đau, chống viêm, cải thiện các triệu chứng bệnh nhưng không giải quyết được gốc rễ gây bệnh. Chính vì vậy, sau khi dùng thuốc tây, nếu người bệnh không có phương pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình trạng đau nhức sẽ nhanh chóng tái phát.

Ưu nhược điểm của thuốc tân dược trong điều trị bệnh
Ưu nhược điểm của thuốc tân dược trong điều trị bệnh

Một số thuốc trị thoái hóa khớp thường xuất hiện trong đơn của bác sĩ là:

  • Thuốc giảm đau paracetamol, tramadol, acetaminophen, aspirin…
  • Thuốc giảm đau có chất gây nghiện opioids
  • Thuốc giãn cơ
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAID: ibuprofen, aspirin, diclofenac, naproxen…
  • Thuốc tiêm tĩnh mạch kháng viêm corticosteroid

Các loại thuốc tây y kể trên có tác dụng giảm đau nhức, sưng khớp cổ tay, ngón tay, khuỷu tay nhanh chóng. Chỉ sau vài ngày uống thuốc, bà con sẽ thấy cảm giác đau nhức giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc bà con sẽ có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như nổi mẩn, buồn nôn, chóng mặt… Một số trường hợp khác có thể gây hại tới chức năng gan thận, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch… Vì vậy nếu thấy có bất thường, bà con nên ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ điều trị để có hướng xử lý thích hợp.

Chữa thoái hóa khớp tay bằng thuốc Đông y

Có những bệnh nhân than phiền với tôi rằng sao uống thuốc Đông y chữa thoái hóa khớp tay cả tháng rồi chưa khỏi. Tôi phải giải thích cặn kẽ rằng tác dụng của thuốc Đông y không nhanh nhạy như Tây y, thường phải tới vài tháng mới phát huy được hết dược tính.

Nhưng bù lại hiệu quả bền lâu, ít tái phát và an toàn, không gây tác dụng phụ cho sức khỏe. Hơn nữa, Đông y chú trọng chữa trị bệnh “từ gốc tới ngọn”, tức là sẽ làm cho sức khỏe của bạn cải thiện tổng thể, khỏe từ trong ra ngoài chứ không chỉ là chữa khỏi bệnh lý nhất định. Do vậy nếu bạn muốn dùng thuốc Đông y chữa thoái hóa khớp tay thì nhất định phải kiên trì.

Thuốc Đông y điều trị bệnh từ căn nguyên, mang tới hiệu quả tối ưu
Thuốc Đông y điều trị bệnh từ căn nguyên, mang tới hiệu quả tối ưu

Một số bài thuốc Đông y có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả được ghi chép nhiều trong các sách Y học cổ phải kể đến:

  • Độc hoạt tang ký sinh: Gồm các dược liệu Tang ký sinh (16 – 40g), Địa hoàng (16 – 24g), Xuyên khung (8 – 12g), Tế tân (4 – 8g), Độc hoạt, Tần giao, Phòng phong, Đương quy, Đỗ trọng, Ngưu tất, Nhân sâm, Phục linh, Thược dược (mỗi loại 12g), Chích thảo, Quế tâm (mỗi loại 4g).
  • Tam tý thang: Gồm các dược liệu Địa hoàng (16 – 24g), Xuyên khung (6 – 12g), Đỗ trọng, Đương quy, Phục linh, Ngưu tất, Đẳng sâm, Bạch thược (mỗi loại 12 – 16g), Độc hoạt, Phòng phong, Tần giao (mỗi loại 8 – 12 g), Chích thảo, Tế tân, Quế tâm (mỗi loại 4g), Hoàng kỳ, Tục đoạn, Sinh khương.

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Khi bệnh thoái hóa khớp tay trở nặng, tức là có biểu hiện sưng khớp, biến dạng khớp và không đáp ứng với các phương pháp điều trị như dùng thuốc, vật lý trị liệu thì bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa. Một số biện pháp can thiệp ngoại khoa điều trị thoái hóa khớp tay hiện nay là:

  • Nội soi khớp: cắt lọc, bào, rửa khớp
  • Khoan kích thích tạo xương
  • Cấy ghép tế bào sụn
  • Phẫu thuật mổ thay khớp

Bất cứ một loại phẫu thuật nào cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ di chứng hậu phẫu. Bên cạnh đó, chi phí cũng không nhỏ, kèm theo sau đó bệnh nhân sẽ phải điều trị hồi phục một thời gian dài. Vì vậy, phương pháp điều trị này cần được thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa uy tín.

Nội soi khớp tay có thể được chỉ định nếu bảo tồn không cho kết quả tốt
Nội soi khớp tay có thể được chỉ định nếu bảo tồn không cho kết quả tốt

Một số lời khuyên hữu ích cho người bệnh

Để phòng bệnh hiệu quả thì mọi người, nhất là những người có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp ở bàn tay, cổ tay như phụ nữ làm việc chân tay nhiều, những người nội trợ… cần phải chú ý thực hiện một số điều sau đây:

  • Tránh lao động nặng nhọc, đặc biệt là những công việc phải sử dụng sức lực của tay trong thời gian dài. Nên xen kẽ thời gian nghỉ ngơi cho bàn tay.
  • Tập thể dục hàng ngày, chú ý các bài cho ngón tay, cổ tay và khuỷu tay. Thực hiện đều đặn mỗi ngày để giúp các khớp dẻo dai và linh hoạt hơn, tránh đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
  • Có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin (A, K, D,…), omega 3,…. để giúp các sụn khớp được nuôi dưỡng chắc khỏe hơn. Đồng thời các thực phẩm kích viêm như đồ ăn dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá…
  • Nếu mắc phải các bệnh liên quan tới chuyển hoá hoặc chẳng may bị chấn thương ở tay thì cần tiến hành điều trị sớm, dứt điểm, tránh để tổn thương lâu ngày gây thoái hóa nhanh hơn.

Trên đây tôi đã chia sẻ hết những thông tin cơ bản nhất về bệnh thoái hóa khớp tay. Bạn đọc xem và đối chiếu với tình trạng sức khỏe hiện tại của mình sẽ phần nào biết được mình có triệu chứng của bệnh này hay không. Mong rằng những điều tôi chia sẻ sẽ giúp ích được cho bạn đọc. Chúc bạn luôn vui khỏe.

Có Thể Bạn Quan Tâm: 

Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi