Sổ Mũi Ra Máu Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Điều Trị Thế Nào?
Sổ mũi ra máu là hiện tượng trong nước mũi có lẫn dịch máu. Hầu hết các trường hợp này đều không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên người bệnh vẫn không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy sổ mũi ra máu là bệnh gì, có nguy hiểm không và điều trị bệnh như thế nào? Bài viết dưới đây lương y Đỗ Minh Tuấn sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về tình trạng này.
Tìm hiểu về hiện tượng sổ mũi ra máu
Sổ mũi ra máu là tình trạng trong dịch mũi có lẫn một chút máu. Bệnh thường xảy ra ở những người bị viêm mũi hoặc sổ mũi. Nếu hiện tượng này chỉ xảy ra 1-2 lần, lượng máu ít và không đi kèm với các triệu chứng khác như đau, sốt, nổi hạch,… thì người bệnh có thể yên tâm vì đây chỉ là hiện tượng bình thường.
Ngoài hiện tượng sổ mũi ra máu, người bệnh có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như: Khô mũi, ngứa mũi, rát mũi, nghẹt mũi, hắt xì liên tục, ho,… Khi người bệnh có các dấu hiệu này, chứng tỏ niêm mạc mũi của bạn đang bị viêm và kích ứng.
Sổ mũi ra máu là bệnh gì?
Nhiều người thường lo lắng không biết sổ mũi ra máu là bệnh gì? Thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm cả những yếu tố như sau:
Thời tiết hanh khô
Khi thời tiết hanh khô, độ ẩm không khí thấp sẽ khiến cho mũi bị khô, các mao mạch dễ bị vỡ và gây chảy máu mũi. Tình trạng khô mũi kéo dài còn làm chậm quá trình hồi phục của các mạch máu bị vỡ, gây ra hiện tượng sổ mũi ra máu.
Do trong mũi có dị vật
Trường hợp trẻ nhỏ bị sổ mũi ra máu, nghẹt mũi ở một bên, kèm theo mùi hôi trong mũi thì có thể trẻ đang có dị vật bên trong hốc xoang. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, cha mẹ cần phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý.
Thói quen ngoáy mũi
Một số người có thói quen ngoáy mũi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Hành động này có thể làm tổn thương mao mạch của hốc mũi. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng có dính máu trong nước mũi.
Do dùng thuốc xịt mũi sai cách
Người bệnh nếu sử dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng sổ mũi ra máu. Đa phần người bệnh đều xịt thuốc vào vách ngăn của mũi. Điều này sẽ làm mỏng niêm mạc, gây tổn thương mao mạch và dẫn đến chảy máu. Vì vậy để sử dụng đúng cách, người bệnh nên xịt thuốc hướng ra thành phía ngoài, đồng thời nên dùng tay trái để xịt mũi bên phải và dùng tay phải để xịt mũi bên trái.
Do viêm mũi
Với thắc mắc sổ mũi ra máu là bệnh gì, các chuyên gia cho biết việc người bệnh bị chảy nước mũi lẫn máu có thể là dấu hiệu của bệnh viêm mũi, viêm xoang, cảm cúm, cảm lạnh,… Khi mũi đang bị viêm, niêm mạc phù nề, sung huyết, các mao mạch sẽ bị giãn ra và dễ vỡ. Vì vậy nếu bạn hắt hơi hoặc xì mũi mạnh cũng có thể khiến tình trạng này tồi tệ hơn.
Chấn thương hoặc từng phẫu thuật ở mũi
Nguyên nhân khiến người bệnh bị sổ mũi ra máu có thể là do chấn thương hoặc đã từng thực hiện các phẫu thuật ở mũi. Bất kỳ chấn thương hay can thiệp phẫu thuật nào cũng đều khiến bạn dễ bị chảy máu khi xì mũi hoặc hắt hơi.
Do cấu trúc mũi bị dị dạng
Những người bị lệch vách ngăn, thủng vách ngăn, gai xương vách ngăn mũi có thể gặp phải tình trạng sổ mũi ra máu. Lý do là bởi khi không khí đi vào trong mũi sẽ làm cho niêm mạc bị khô và mỏng đi, mao mạch bị vỡ dẫn đến tình trạng xì mũi ra máu.
Tiếp xúc với hóa chất
Đôi khi hiện tượng sổ mũi ra máu không phải là do bệnh gì gây nên mà do người bệnh sử dụng hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Các mao mạch ở mũi có thể bị tổn thương do người bệnh hít phải cocaine hoặc các hóa chất như amoniac. Điều này khiến người bệnh bị sổ mũi có lẫn máu.
Do uống thuốc
Việc người bệnh đang dùng một số loại thuốc chống đông máu như aspirin, warfarin… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sổ mũi ra máu. Nguyên nhân là bởi các loại thuốc này làm giảm chức năng bảo vệ của mao mạch khi bị tổn thương, gây ra hiện tượng chảy máu mũi khi hắt hơi hoặc xì mũi mạnh.
Có khối u trong mũi
Việc sổ mũi ra máu thường xuyên cũng có thể liên quan đến sự xuất hiện của các khối u trong mũi. Vì vậy nếu người bệnh có những dấu hiệu như: Đau quanh mắt, nghẹt mũi tăng dần, giảm khứu giác, sụt cân, sốt, nổi hạch,… thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và tiến hành điều trị.
Bệnh có nguy hiểm không? Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Sổ mũi ra máu sẽ trở nên đáng ngại nếu có những triệu chứng nghiêm trọng khác đi kèm. Vì vậy người bệnh cần theo dõi sức khỏe và đến bệnh viện ngay để kiểm tra khi có các dấu hiệu sau đây:
- Chảy máu mũi kéo dài.
- Mỗi lần xì mũi lại bị chảy máu.
- Kèm theo sốt cao.
- Nhức đầu quanh hốc mắt.
- Ù tai.
- Sưng lồi hoặc xuất hiện quầng thâm rõ quanh mắt.
- Mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng, song thị, liệt vận nhãn.
- Đau sau gáy, nổi hạch ở cổ.
- Mệt mỏi, khó chịu trong người.
- Nôn mửa kéo dài.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của sức khỏe, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Trước tiên bác sĩ sẽ khám và điều tra bệnh sử để tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sổ mũi ra máu. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu.
Một số phương pháp được bác sĩ áp dụng để chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Chụp CT xoang mũi.
- Nội soi khu vực mũi xoang.
- Siêu âm vùng cổ.
- Chụp X-quang ngực.
- Chụp CT hoặc nội soi phế quản.
Điều trị tình trạng sổ mũi có lẫn máu
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị sao cho hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp giúp người bệnh điều trị tình trạng sổ mũi có lẫn máu:
Điều trị tại bệnh viện
Sau khi xác định được nguyên nhân và mức độ bị bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
- Sổ mũi ra máu do viêm: Trường hợp người bệnh bị sổ mũi ra máu liên quan đến các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi, lao phổi… sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc steroid, thuốc giảm đau hạ sốt.
- Vỡ mao mạch: Người bệnh bị chảy máu mũi do vỡ mao mạch sẽ được bác sĩ chữa lành mao mạch bị vỡ, truyền máu, truyền huyết tương, tiểu cầu và các yếu tố giúp đông máu khác.
- Có khối u: Nếu có xuất hiện khối u ở mũi, bác sĩ sẽ tiến hành hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật mũi để loại bỏ khối u.
Tự điều trị tại nhà
Những trường hợp không phải là bệnh nguy hiểm, người bệnh có thể tự áp dụng một số phương pháp sau để khắc phục tình trạng nước mũi có máu:
- Khi mũi bị chảy máu nên tránh đi lại nhiều, cần ngồi nghỉ ngơi thư giãn ở tư thế cúi đầu về phía trước và thở bằng miệng.
- Không được xì mũi mạnh để tránh làm tổn thương khoang mũi, khiến cho tình trạng chảy máu mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không dùng tay để day mũi, cậy mũi trong lúc đang chảy máu. Thay vào đó bạn hãy lấy ngón trỏ và ngón tay cái bóp 2 cánh mũi lại để ngăn không cho máu mũi chảy xuống.
Phòng ngừa hiện tượng sổ mũi lẫn máu
Để tránh gặp phải tình trạng sổ mũi ra máu, người bệnh cần thực hiện bảo vệ mũi theo những cách như sau:
- Không ngoáy mũi, không xì mũi quá mạnh để tránh làm tổn thương mao mạch bên trong.
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, khói bụi và các yếu tố gây kích ứng khác.
- Vào mùa hanh khô nên trang bị thêm máy tạo hơi nước trong phòng ngủ để tránh làm cho mũi bị khô.
- Không nhét dị vật và bên trong mũi, nhất là trẻ nhỏ. Cha mẹ không nên cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ như viên bi, pin điện tử,…
- Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Nếu bạn đang bị các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi,… thì cần tiến hành điều trị khỏi bệnh càng sớm càng tốt.
- Thường xuyên rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý.
- Không cắt tỉa lông mũi quá nhiều vì lông mũi chính là “hàng rào” giúp ngăn chặn bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong mũi.
Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc sổ mũi ra máu là bệnh gì? Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp người bệnh có thêm được nhiều kiến thức hữu ích để biết cách xử lý khi gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người bệnh vẫn cần đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra sức khỏe để có giải pháp xử lý tốt nhất.
Bài đọc thêm:
- Bé Sổ Mũi Uống Thuốc Gì? 10 Loại Thuốc Được Bác Sĩ Khuyên Dùng
- Nước Mũi Đặc Màu Vàng: Nguyên Nhân Gây Bệnh Và Biện Pháp Điều Trị
Phương Pháp chữa khác
Câu hỏi liên quan
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!