Vì sao tôi quyết gắn bó với y học cổ truyền? – Lương y Đỗ Minh Tuấn

Nhìn ảnh tôi chắc nhiều người nghĩ tôi chí ít cũng phải U50, lên chức ông vì già quá: tóc bạc, mặt nhàu. Thưa các bạn thực ra tôi mới chỉ gần 40 tuổi đầu thôi . Chắc do chọn cái nghề y học cổ truyền mà các bạn trẻ hay bảo nhau là “hại não” này nên nhìn tôi già hơn nhiều so với tuổi. Nhưng thú thật là gần 20 năm công tác, tôi chưa bao giờ có ý định tìm nghề khác làm cho đỡ mệt, vì cái tính tôi lại thích cái ngành vất vả này. Thế mới lạ!

Nghề y chọn tôi – tôi chọn nghề y

Dòng họ Đỗ Minh chúng tôi trước kia ở tỉnh Hà Nam, có truyền thống làm nghề y, bốc thuốc chữa bệnh nổi tiếng, hay được bà con trong vùng tìm đến chữa trị. Khi tôi sinh ra, truyền thống này đã được truyền lại đến đời thứ tư, truyền nhân lúc bấy giờ chính là bà cô tôi,  lương y Đỗ Thị Hiển. 

Vì sinh ra trong gia đình làm nghề y nên từ khi còn bé, tôi đã được bà chỉ dạy về các loại dược liệu, cây thuốc, bài thuốc. Hồi đó tôi thích thú nhất là khi được bà dẫn đi quanh vườn chỉ cho các cây thuốc quý, quan sát từng chiếc lá, búp hoa, cây cành. Tôi mê lắm, vì mỗi loại cây lại có những điểm riêng biệt, không chỉ về vẻ bề ngoài mà còn về mùi hương, đặc biệt nhất là dược tính, công dụng chữa bệnh. 

Những khi bà bận chẩn bệnh bốc thuốc cho mọi người, tôi bèn tự kiếm trò để chơi một mình. Chúng bạn cùng tuổi mê thả diều, đuổi bắt, đánh trận giả, còn tôi thường tha thẩn lên rừng, lên núi để xem cây cỏ, xem có loại cây thuốc nào giống trong những cuốn sách ghi chép về y thuật ở nhà. Dần dần, tôi thuộc làu các vị thuốc, chỉ cần nhìn thoáng qua đã biết cây này có công dụng ra sao, dùng để chữa bệnh gì.

Ngày xưa, nhà tôi ở một làng quê hoang sơ, xung quanh nhiều đồi núi chập chùng, rừng cây rậm rạp nên tôi chả bao giờ thiếu chỗ chơi. Có hôm, trời sẩm tối tôi mới về đến nhà, mang theo khi là cành cây, nhành lá, có khi lại vớ bẫm được cây phong lan rừng về biếu bà.

Giống như cậu bé trong ảnh, tuổi thơ của tôi gắn với các loại cây cỏ, dược liệu và những cuốn sách y lý, y trị

Tựu chung, từ bé tôi đã biết nhà mình có truyền thống đáng quý. Tôi rất quen với cảnh những người bệnh khi đến khám trông rất gầy rộc, xanh xao. Tiếp theo, bà tôi bắt đầu bắt mạch, khám bệnh, bốc thuốc, gói ghém thành những thang thuốc gọn gàng rồi hướng dẫn cách sắc thuốc, cách uống. Một thời gian sau, khi người bệnh quay trở lại thì đã hồng hào, khỏe khoắn, thần sắc tươi lên thấy rõ. Hàng ngày nhìn thấy bà được người dân xa gần đến cảm ơn, tôi rất hâm mộ bà và mong muốn sau này mình cũng được làm thầy thuốc, được nhiều người kính nể như bà.

Sau này lớn lên, giống nhiều cậu trai trẻ thời đó, tôi mê đọc tiểu thuyết trinh thám, thích thú với các tình tiết phiêu lưu mạo hiểm nên rất thích những nghề như thám tử, cảnh sát, luật sư… Gia đình tôi dù muốn tôi nối nghiệp cha ông nhưng vì tôn trọng mong muốn của con nên không cấm cản. Thế nên tôi hăm hở nộp hồ sơ vào Đại học Luật.

Nhưng học luật một thời gian, tôi lại đâm nhớ cây thuốc Nam. Đam mê với nghề y nó chảy trong dòng máu rồi, cãi sao được ý trời! Tôi lại “dứt áo” với ngành luật, ôn luyện thi vào Học Viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam. Tôi tâm niệm phải học hành bài bản để có kiến thức, chắc kinh nghiệm về nối nghiệp tổ tông. May mắn là trong thời gian học tập ở trường, tôi đã được các thầy cô truyền dạy nhiều kiến thức quý, đặc biệt thầy Lê Lương Đống, PGĐ học viện là người tôi rất biết ơn và kính trọng

Khi chuyên môn nghiệp vụ vững, tôi về tiếp quản cơ nghiệp. Hiện tôi là Giám đốc chuyên môn Nhà thuốc Đỗ Minh Đường. Dù là Giám đốc, nhưng hàng ngày ngoài việc nghiên cứu bổ sung kiến thức, phát triển các bài thuốc, tôi vẫn trực tiếp thăm khám, bốc thuốc, kê đơn cho bệnh nhân. Đương nhiên là có các đồng sự khác, các bác sĩ y học cổ truyền giỏi cùng công tác tại nhà thuốc và hỗ trợ cho tôi rất đắc lực trong công việc.

Những trăn trở của tôi với nền y học cổ truyền

Có một thực tế hiện nay không thể chối cãi đó là nền y học dân tộc đang có phần bị lấn át bởi y học hiện đại và các làn sóng chăm sóc sức khỏe khác du nhập từ nước ngoài. Điều này làm tôi khá trăn trở.

Với tư cách là một thầy thuốc, tôi luôn mong muốn người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận với các phương pháp khám chữa bệnh, nhưng sự phổ cập quá mức của Tây y cũng mang đến nhiều hệ lụy.

Chẳng hạn như thói quen dùng thuốc của dân ta, cứ hễ có bệnh là tự ý ra các cửa hàng thuốc (vốn rất sẵn có), mô tả triệu chứng để dược sĩ lấy thuốc rồi mang về sử dụng mà không cần đơn của bác sĩ y khoa. Điều này rất là nguy hiểm, hậu quả là tình trạng kháng thuốc, dị ứng thuốc xảy ra vô cùng phổ biến. Hơn nữa khi dùng các loại thuốc như vậy, chỉ có triệu chứng bên ngoài được tạm thời dập tắt trong khi căn nguyên gây bệnh vẫn còn đó.

Xét về phương diện điều trị dứt điểm căn nguyên gây bệnh (đặc biệt với các bệnh mãn tính) và tăng cường sức khỏe toàn diện, các bài thuốc dân tộc mà cha ông ta đã dày công tìm tòi, chắt lọc và đúc kết bao đời nay tuyệt đối không thua kém nền y học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Tôi tin so với y học hiện đại, y học cổ truyền không hề thua kém

Không phải nghiễm nhiên mà tôi dám khẳng định như vậy. Trong quá trình học tập nghiên cứu, tôi may mắn được đọc và học về kho tàng kiến thức quý báu với những phương pháp chẩn trị, những bài thuốc quý gần như thất truyền rất ít thầy thuốc còn biết đến và ứng dụng vào điều trị bệnh. Tôi cảm thấy rất xót xa và tâm tư khi kho tàng kiến thức y học cổ truyền dần bị lãng quên theo thời gian. 

Bởi thế tôi càng thêm trân quý và biết ơn các bậc tiền nhân trong dòng họ Đỗ Minh. Mỗi lương y trong dòng họ đều có trọng trách ghi chép, để lại tài liệu, kiến thức y lý, y trị để con cháu đời sau tiếp nhận và dựa trên đó mà hành nghề chữa bệnh cứu người. Nhờ vậy mà  đến nay tôi vẫn áp dụng các bài thuốc được lưu truyền từ đời trước để điều trị cho người bệnh. Đương nhiên có một số cải tiến về thành phần, cách bào chế và hình thức sử dụng, nhưng những gì tinh túy nhất thì vẫn do cha ông truyền lại. Kể ra như vậy để thấy: giá trị của y học cổ truyền trong đời sống hiện nay vẫn còn nguyên vẹn, không hề lỗi thời lạc hậu.

Thị trường hiện nay nhan nhản thuốc Bắc, thuốc Đông y “rác”, phòng khám núp bóng cổ truyền mọc lên như nấm sau mưa, khiến nhiều người không tin tưởng các phương pháp trị bệnh bằng y học cổ truyền. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc phải làm sao để con người trong xã hội hiện đại có thể hiểu đúng về bản chất của nền y học dân tộc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân tôi dành thời gian xây nên trang blog này dù lịch công tác khám chữa bệnh hàng ngày khá bận rộn, không có mấy lúc ngơi tay.

Người thầy thuốc không chỉ biết mỗi chữa bệnh

Thực tế, từ khi tiếp quản Nhà thuốc Đỗ Minh Đường, tôi đã cùng các cộng sự “hiện đại hóa” các bài thuốc để thuốc Nam đến gần nhất với người dùng. 

Đầu tiên, để người bệnh yên tâm hơn trước “làn sóng” dược liệu bẩn, tôi đã lựa chọn ba khu vực nông nghiệp có thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước… đảm bảo nhất để xây dựng ba vườn dược liệu sạch, chủ động hoàn toàn trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà thuốc.

Song song với đó, tôi tìm phương án cải tiến quy trình bào chế thuốc, kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng bài thuốc từ khi bắt đầu sơ chế dược liệu cho đến khi đóng gói thành phẩm. Trước kia thuốc được chế biến thủ công, nhưng giờ hầu như các khâu đều được tự động hóa để chất lượng nhất quán hơn.

Nhận thấy việc sử dụng thuốc theo dạng đun sắc truyền thống không còn phù hợp trong xã hội hiện đại, tôi tìm cách cải tiến hình thức thuốc sang dạng cao, viên hoàn, ngâm rượu… sao cho tiện sử dụng hơn.

Tôi tin rằng người thầy thuốc ngoài khám chữa bệnh còn phải góp phần bảo tồn và phát triển y học cổ truyền

Để nhân dân hai miền đều có thể tiếp cận với các bài thuốc Nam gia truyền Đỗ Minh Đường, chúng tôi đầu tư đặt hai cơ sở của nhà thuốc tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hơn nữa, người bệnh có thể được tư vấn trực tuyến qua các kênh Website, Facebook hoặc qua điện thoại, đặt thuốc gửi đến tận nhà qua đường bưu điện rất tiện lợi. 

Qua nhiều năm triển khai, tôi thấy đây là hướng đi đúng đắn để quảng bá y học cổ truyền. Đặc biệt là một khi đã cảm nhận được công dụng thực sự của các bài thuốc Đông y, người bệnh sẽ tin tưởng và tiếp tục lựa chọn trị bệnh theo phương pháp này.

Mọi nỗ lực mà tôi làm từ trước đến nay đều xuất phát từ tâm huyết của tôi với y học cổ truyền. Một phần là do dòng máu của tổ nghiệp, một phần là bởi càng tìm hiểu, càng đọc nhiều, tôi càng đam mê với nghề hơn.

Tôi thiết nghĩ người thầy thuốc trong xã hội hiện đại 4.0 như hiện nay không thể cứ vùi đầu vào bốc thuốc, chữa bệnh là xong. Đương nhiên chữa bệnh cứu người vẫn là sứ mệnh của bất cứ ai theo nghề y. Nhưng cạnh đó, tôi tự giao cho mình trách nhiệm là phải góp phần vào duy trì và truyền bá y học cổ truyền tới đông đảo bệnh nhân. Có như vậy thì y học cổ truyền mới được lưu giữ đến muôn đời, và mọi người ai cũng được tiếp cận với công dụng tuyệt vời của nền y học dân tộc.

Đánh giá bài viết

5/5 - (7 bình chọn)
Array

Lương y Đỗ Minh Tuấn

Lương y Đỗ Minh Tuấn hiện có 20 năm kinh nghiệm điều trị các bệnh lý bằng y học cổ truyền. Ông vinh dự được biểu dương là Thầy thuốc Nam tiêu biểu, là cố vấn chuyên môn trên nhiều chương trình sức khỏe nổi tiếng và nhận rất nhiều đánh giá tốt từ người bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Trong quá trình tư vấn, tôi đều nhắc rất kỹ về liều lượng thuốc và một số lưu ý về chế độ ăn uống nhưng không phải ai cũng nghe theo

Người Thầy Thuốc Tuy Có Vất Vả Nhưng Cũng Nhiều Vinh Quang

Người Thầy Thuốc Tuy Có Vất Vả Nhưng Cũng Nhiều Vinh Quang

Bệnh nhân giờ càng có xu hướng trẻ hóa, ngay cả mấy bệnh về xương khớp cũng nhiều người trẻ mắc

Bệnh Nhân Chính Là Người “Giúp” Bác Sĩ Tiến Bộ, Phát Triển từng ngày

Bệnh Nhân Chính Là Người “Giúp” Bác Sĩ Tiến Bộ, Phát Triển từng ngày

Nhiều nick ảo lập ra để bôi nhọ danh tiếng nhà thuốc

Vạch trần chiêu trò dùng nick ảo “phốt” dịch vụ nhà thuốc Đỗ Minh Đường

Vạch trần chiêu trò dùng nick ảo “phốt” dịch vụ nhà thuốc Đỗ Minh Đường

Hành vi nhận phong bì hối lộ là vi phạm y đức

“Lương y như từ mẫu” có còn đúng trong xã hội hiện đại?

“Lương y như từ mẫu” có còn đúng trong xã hội hiện đại?

Zalo
Chia sẻ
Bỏ qua