Bàn về sự tử tế: Nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường, là lòng tốt thì đâu cần đền đáp!
Tuần vừa qua khi kỳ thi Trung học phổ thông vừa kết thúc, cả nước ta đang rầm rộ luận bàn về trường hợp cháu Ngô Minh Hiếu ở Thanh Hóa vì thiếu 0.25 điểm mà đã phải tạm biệt giấc mơ về Đại học Y Hà Nội. Suốt 1 tuần quay cuồng với công việc nhưng tôi vẫn không quên cập nhật tin tức này. Mãi đến hôm nay có chút thời gian rảnh mới ngồi lại cùng mọi người trò chuyện về cậu bé “10 năm cõng bạn đến trường, cõng theo cả niềm đam mê lớn với nền Y học”.
Minh Hiếu – Lòng tốt lớn chứa trong tuổi trẻ: Không chỉ là hành trình cõng bạn
Chắc hẳn trong số mỗi chúng ta, những ai quan tâm và thường xuyên cập nhật tin tức đời sống đều vô cùng ấn tượng với câu chuyện đôi bạn thân cõng nhau đến lớp trong 10 năm ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Tôi thật sự cảm phục về ý chí, nghị lực và lòng kiên định của hai em trong hành trình khó khăn vất vả đi tìm con chữ.
Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh, mỗi người đều có hoàn cảnh và nỗi khó khăn riêng. Minh từ nhỏ đã bị tật nguyền bẩm sinh, đôi chân và cánh tay không thể sinh hoạt bình thường được mà cứ co quắp, teo lại theo thời gian. Ngô Minh Hiếu vì biết ước mơ đến trường của bạn, đã tự nguyện làm “đôi chân” 10 năm ròng cõng bạn đến trường, không quản ngại nắng mưa.
Trời thương người tốt, các em không vì hoàn cảnh mà chùn bước, luôn cố gắng nỗ lực hết mình trong học tập. Kết quả thi THPT Quốc Gia vừa rồi là một minh chứng đầy rõ ràng cho ý chí đó, cả hai em đều đạt số điểm là trên 28 điểm – một con số mà rất nhiều em có điều kiện hơn ngoài kia phải cúi đầu.
Với số điểm gần như tối đa đó, Minh thành công đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhưng với Hiếu, dường như chậm một nhịp, em phải tạm biệt giấc mơ vào cánh cổng Đại học Y Hà Nội với khoảng cách chỉ vỏn vẹn 0,25.
Hành trình 10 năm dài đối với hai em không chỉ là cùng nhau đến trường mà đó là sự kề vai sát cánh, nỗ lực cùng nhau tiến gần hơn đến với giấc mơ. Trong khi Minh thành công bước chân vào cánh cổng Đại học Bách Khoa thì Hiếu lại phải tạm biệt với ngôi trường mà mình từ lâu đã mơ ước. Giấc mơ Y Hà Nội khép lại, giờ đây em không còn được gần Minh và đồng hành cùng bạn trong thời gian sắp tới.
Sau khi kết quả được công bố, tôi đã đọc được rất nhiều tranh luận của mọi người trên mạng xã hội và báo chí rằng có nên vì những nghĩa cử tốt đẹp Hiếu đã làm trong 10 năm qua mà đặc cách cho em vào Đại học Y Hà Nội khi em chỉ thiếu 0,25 điểm?
“Hài lòng về kết quả và không mong chờ sự ưu tiên…”
Đáp lại lùm xùm, tranh cãi của cộng đồng, tôi có đọc thấy ý kiến của Giáo sư. Tiến sĩ Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội: “Mọi người nên động viên em, chấp nhận kết quả, tuân thủ đúng theo quy chế tuyển sinh của nhà trường và không nên mong chờ sự ưu tiên cá biệt. Bởi cho dù mình làm một việc tốt, được cộng đồng đánh giá cao nhưng khoảng cách 0,25 điểm là hàng chục thí sinh”.
Theo quan điểm của tôi đứng trên cương vị cũng là một lương y, bác sĩ nhiều năm công tác trong nghề, ý kiến của GS.TS Văn là hoàn toàn có cơ sở và hợp lý. Bởi chúng ta không thể đánh đồng sự tốt đẹp cùng với trách nhiệm.
Tôi tin chắc rằng, trong 10 năm qua cõng bạn đến trường, trong đầu óc non nớt của cậu bé Ngô Minh Hiếu ấy không hề có một chút tạp niệm nào để cầu thị cho bản thân mai sau. Em cõng bạn 10 năm đâu chỉ vì một câu cảm ơn hay những lời ca tụng trên báo chí. Hiếu đã làm tự nhiên như hơi thở, như một phần của đời mình, với sự thật tâm và thật lòng.
Thiếu 0.25 điểm, Hiếu có lẽ chỉ buồn vài ngày rồi thôi vì không đỗ Y Hà Nội em vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác. Nhưng nếu ngày hôm nay, em nhận được sự ưu tiên cá biệt của Y Hà Nội theo diện “đỗ vớt” thì đây sẽ là nỗi buồn dài của Hiếu trong cả chặng đường dài sau này.
Nó không chỉ biến 10 năm cõng bạn của Hiếu trở thành điều kiện để em được hưởng sự ưu tiên hơn người khác, nó còn vô hình phủ nhận mọi nỗ lực học hành của em trong suốt quá trình dài. Rồi sau đó, mỗi lần nhắc về Ngô Minh Hiếu, người ta dần quên đi em đã vất vả học tập ra sao mà chỉ còn nghĩ đến cậu sinh viên được đặc cách vì những gì tốt đẹp em đã làm cho bạn.
Chúng ta thường bàn về Y Đức và cho rằng, Hiếu đủ tiêu chuẩn và lòng tốt để được ưu tiên. Nhưng mọi người không hề hiểu rõ rằng những điều mà em làm chỉ là điều kiện ĐỦ để cho em xứng đáng là một bác sĩ tốt. Về lý thuyết, em vẫn CẦN thêm 0.25 điểm nữa để có thể trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội.
“0,25 điểm là khoảng cách của hàng chục thí sinh khác…”, quả đúng như vậy, Y học là một nghề cần sự tỉ mỉ và chính xác vô cùng lớn. Để có thể đặt chân vào cánh cổng Đại học Y Hà Nội tất cả các em cần cố gắng rất nhiều. Nghề bác sĩ, chỉ cần 0,25% cũng quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Nếu chúng ta đặc cách một lần, sẽ tạo thành một tiền lệ xấu và rất nhiều hoàn cảnh đáng thương khác thêm kỳ vọng. Rồi ai còn đặt niềm tin vào bác sĩ bước ra từ trường Y Hà Nội nữa, khi tất cả là đặc cách, là ưu tiên?
Hiếu nói đúng: Em hài lòng về kết quả của mình đạt được, mặc dù có tiếc nuối nhưng em không mong chờ sự ưu tiên. Bởi nếu cộng đồng đánh giá việc làm của em dành cho Minh trong suốt 10 năm qua bằng việc đánh đổi lại một tấm vé bước vào đại học, em sẽ rất buồn.
Cánh cửa này khép lại, cánh cửa tương lai khác sẽ lại mở ra
Vậy là cánh cổng Đại học Y Hà Nội đã tạm khép lại như một câu chuyện dở dang đầy tiếc nuối, nhưng tôi tin rằng những cánh cổng hi vọng khác đang dần hé mở ra để đón chào em. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, con số 28,15 là một điểm số rất xuất sắc, em xứng đáng trở thành một bác sĩ có Tâm, có Tầm trong tương lai cho dù không cần đến số điểm 0,25 kia.
Tôi có đọc được bài báo mới nhất nói về việc Trường Đại học Y Thái Bình sau khi biết câu chuyện đầy cảm động của Ngô Minh Hiếu đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho em trong suốt khoảng thời gian em học tập tại đây. Quả là một tin vui với Hiếu nói riêng và mọi người nói chung bởi đây là một món quà mà em xứng đáng được nhận. Nó bù đắp cho những nỗ lực bền bỉ của em trong suốt năm tháng qua và là nguồn động viên rất lớn cho em bước tiếp trong hành trình chinh phục nghề y phía trước.
Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì nhận ra rằng, Y Đức hay Tình Người luôn song hành và còn mãi, việc làm của lãnh đạo trường Đại học Y Thái Bình như chắp thêm đôi cánh lớn, để em tự tin vươn cao.
Tôi mong rằng Minh Hiếu sẽ tiếp tục lớn bằng chính tầm vóc của mình, bằng kiến thức, niềm đam mê và sự khát vọng với nghề. Rồi mai đây chúng ta lại trở thành những người đồng nghiệp, “cõng” trên vai không chỉ người bạn của mình mà còn bao số phận bất hạnh khác trong cuộc đời.
Niềm vui được nhân đôi khi Bệnh viện Bạch Mai quyết định thăm khám và hỗ trợ toàn bộ về chi phí y tế, điều trị của em Nguyễn Tất Minh trong suốt thời gian em học tập tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nghĩa cử cao đẹp này không chỉ giúp động viên nghị lực của em để em an tâm hơn học tập trên giảng đường đại học mà còn giúp Hiếu bớt lo lắng mỗi khi nghĩ về cậu bạn thân của mình.
Tôi vô cùng trân quý những hành động đẹp của đội ngũ lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y dược Thái Bình và những chia sẻ rất chân tình từ phía Đại học Y Hà Nội. Đây đều là hành trang quý báu để các em tự tin hơn khi bước vào cuộc đời. Đặc biệt là đối với Ngô Minh Hiếu, chắc hẳn em đã có thêm nhiều bài học tốt, giúp em vững chí hơn để trở thành một bác sĩ ưu tú, hội tụ đủ tài năng và y đức vẹn toàn trong tương lai.
“Con đường học vấn này không mỉm cười với mình thì nên lựa chọn con đường khác, bởi mọi con sông đều dẫn ra biển lớn” – tôi luôn tâm niệm là như thế. Chúng ta chỉ nên truyền thông để lan tỏa sự tử tế, lòng nhân hậu và tình yêu thương thôi. Hiếu đã làm “đôi chân” cho bạn 10 năm rồi, đã đến lúc em dùng đôi chân vững vàng ấy để mạnh mẽ bước trên con đường tương lai của mình. Đừng cúi đầu trước những khó khăn và đừng để lòng tốt bị biến tướng thành trách nhiệm. Chúc 2 em luôn thành công!
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!