Nổi Mề Đay Ở Cổ

Tham vấn chuyên môn bởi:

Lương y Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn hệ thống Đỗ Minh Đường

Nổi mề đay ở cổ là một vấn đề da liễu phổ biến xuất hiện do nhiều yếu tố gây ra như dị ứng, vi khuẩn, nấm,… Tình trạng này khiến bệnh nhân gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu nhưng mẩn đỏ, ngứa ngáy, bong tróc. Bài viết dưới đây sẽ cùng người bệnh tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Nổi mề đay ở cổ nguyên nhân là gì?

Nổi mề đay ở cổ là một triệu chứng da liễu thường gặp. Người bệnh khi mắc phải căn bệnh này sẽ thấy vùng da ở cổ bị sưng đỏ, khô ráp kèm theo cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mề đay ở cổ. Bao gồm các yếu tố như:

  • Dị ứng thức ăn: Những người có cơ địa nhạy cảm rất dễ xảy ra phản ứng dị ứng với những loại thực phẩm như tôm, cua, bạch tuộc, mực, ốc, ghẹ, sữa, đậu phộng,… Khi bị dị ứng thức ăn, người bệnh sẽ có hiện tượng nổi mề đay ở vùng cổ, ngực, cánh tay hoặc toàn cơ thể.
  • Dị ứng thời tiết: Người bệnh xuất hiện tình trạng mẩn đỏ, ngứa ngáy mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột, chuyển từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Điều này khiến cho cơ thể không kịp thích nghi với các yếu tố từ bên ngoài.
  • Dị ứng với yếu tố dị nguyên: Khi làn da tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố dị nguyên như nước hoa, phấn hoa, khói bụi, lông động vật, nhựa cây, hóa chất,… sẽ dễ gây kích ứng, dẫn đến tình trạng nổi mề đay.
  • Tiếp xúc với chất hóa học: Các thành phần hóa học có trong mỹ phẩm, chất tẩy rửa, chất phụ gia, sữa tắm,… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mề đay ở cổ.
  • Do di truyền: Theo các chuyên gia da liễu, bệnh mề đay nói riêng và các bệnh da liễu nói chung đều có tỷ lệ di truyền rất cao. Vì vậy nếu trong gia đình có ông bà cha mẹ đang mắc các bệnh như viêm da cơ địa, dị ứng, lupus ban đỏ,… thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh này.
  • Dị ứng thuốc: Một số loại thuốc Tây y chứa nhiều thành phần kháng nguyên. Khi sử dụng sẽ khiến người bệnh gặp phải tình trạng ngứa ngáy, nổi mẩn vùng cổ, ngực, tay, chân,…
  • Chức năng gan bị suy giảm: Gan có vai trò đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nếu chức năng gan bị suy giảm sẽ khiến các chất độc bị tích tụ trong cơ thể và phát tác qua da. Từ đó dẫn đến hiện tượng nổi mẩn ở lưng và ngực.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nổi mề đay ở cổ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nổi mề đay ở cổ

Dấu hiệu nhận biết bệnh nổi mề đay ở cổ

Các triệu chứng nổi mề đay quanh cổ dễ nhận biết nhưng lại khá giống với các bệnh viêm da khác. Một số dấu hiệu điển hình của căn bệnh này có thể kể đến như:

  • Trên vùng da ở cổ xuất hiện nhiều nốt sần màu đỏ, hồng.
  • Các nốt dị ứng có thể xuất hiện ở dạng chấm nốt hoặc mọc thành từng đám, từng mảng.
  • Người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu ở vùng cổ, càng gãi càng ngứa, cơn ngứa tăng dần về đêm.
  • Gây nóng da, đỏ rát.
  • Những nốt mề đay có thể khởi phát từ vùng da dưới hàm rồi lan rộng đến phần xương quai xanh và ngực.
  • Các vết mề đay có hình dạng như bị cào xước.
  • Người bệnh cảm thấy cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
  • Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, trụy tim.

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu này, người bệnh cần nhanh chóng đi gặp bác sĩ để được kiểm tra. Chủ quan trong việc thăm khám có thể khiến bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nổi mề đay ở cổ có gây nguy hiểm tới sức khỏe không?

Bệnh nổi mề đay ở cổ thường do cơ địa hoặc hệ miễn dịch kém gây ra. Các triệu chứng của bệnh sẽ phát tác trong vài giờ hoặc vài ngày rồi lặn đi nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. 

Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe thế nhưng nó vẫn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Cụ thể như: 

  • Ảnh hưởng tới tâm lý: Bệnh mề đay thường phát tác rất nhanh ngay khi người bệnh ăn phải thức ăn lạ, tiếp xúc với hóa chất, thay đổi thời tiết hoặc uống thuốc,… Những yếu tố này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt.
  • Gây nhiễm trùng da: Thói quen cào gãi của người bệnh mỗi khi ngứa ngáy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Từ đó dẫn đến nhiễm trùng, bội nhiễm từ chính những vết xước đó.
  • Sốc phản vệ: Mề đay có thể gây ra biến chứng phù mạch, viêm đường hô hấp hoặc rối loạn nhịp tim… Đây là một biến chứng rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu sớm.
Bệnh có thể gây sốc phản vệ nếu không được điều trị đúng cách
Bệnh có thể gây sốc phản vệ nếu không được điều trị đúng cách

Phương pháp điều trị bệnh nổi mề đay trên cổ

Bệnh nổi mề đay ở cổ sẽ được cải thiện nhanh chóng nếu người bệnh biết cách điều trị. Dựa trên các triệu chứng nặng nhẹ của bệnh, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau đây:

Sử dụng các mẹo dân gian

Có rất nhiều các chữa nổi mề đay ở cổ tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên. Những phương pháp này được thực hiện rất đơn giản, an toàn, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. 

  • Lá khế: Theo Y học cổ truyền lá khế có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đồng thời giúp kháng viêm, diệt khuẩn, làm dịu tình trạng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên da. Người bệnh chuẩn bị một nắm lá khế tươi, cho vào nồi đun cùng với 2 lít nước để tắm. Mỗi ngày thực hiện 1 lần cho đến khi các dấu hiệu nổi mề đay thuyên giảm.
  • Lá tía tô: Lá tía tô có tính ấm, được Y học cổ truyền dùng để điều trị các bệnh lý ngoài da như nổi mề đay, viêm da cơ địa, vảy nến,… Người bệnh dùng một nắm lá tía tô, rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng da bị ngứa ngáy. Sau đó để qua đêm và rửa sạch và sáng hôm sau. Thực hiện phương pháp này đều đặn mỗi ngày 1 lần để đạt được kết quả tốt nhất.
  • Đu đủ và giấm: Đu đủ có chứa vitamin A, C có tác dụng tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể, giảm ngứa và đào thải độc tố ra bên ngoài. Người bệnh dùng 1/2 quả đu đủ gần chín, gọt vỏ, thái miếng nhỏ nấu với 6g gừng, khi nước gần cạn thì đổ thêm 100ml giấm vào và đun cho đến khi cạn hẳn. Mỗi tuần nên ăn món ăn này từ 2-3 lần để bệnh nhanh khỏi.
  • Cây đơn lá đỏ: Lá đơn đỏ có chứa các thành phần như saponin, tanin, anthranoid, giúp thanh nhiệt giải độc, kháng viêm, giảm sưng, trị mụn nhọt, mẩn ngứa. Người bệnh sao nóng 1 nắm lá đơn đỏ rồi bọc vào một miếng khăn mỏng, chườm trực tiếp lên vị trí bị mề đay ở cổ. Phương pháp này sẽ giúp bạn giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu hiệu quả.

Phương pháp Tây y

Đối với trường hợp nổi mề đay ở cổ, người bệnh nên sử dụng thuốc bôi da kết hợp với thuốc uống. Toàn bộ thuốc được dùng đều phải có sự tham vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về dùng hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ.

  • Thuốc Eumovate: Eumovate là thuốc bôi ngoài da giúp điều trị các bệnh mẩn ngứa, mề đay, viêm da. Thuốc có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch và co mạch. Người bệnh bôi thuốc trực tiếp lên vùng da bị bệnh, mỗi ngày bôi 1-2 lần cho đến khi triệu chứng được cải thiện.
  • Thuốc Methylprednisolon: Methylprednisolon được dùng để điều trị các bệnh về da. Thuốc giúp ức chế hệ thống miễn dịch, hỗ trợ giảm sưng đau và dị ứng. Người bệnh uống 6 viên trong ngày đầu, sau đó giảm dần mỗi ngày 1 viên. Một liệu trình dùng thuốc chỉ nên kéo dài từ 3-10 ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc Loratadine: Loratadine là thuốc kháng histamin thế hệ 2, có tác dụng chống dị ứng, ngứa ngáy, nổi mề đay, phát ban trên da. Người bệnh sử dụng thuốc Loratadine theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi ngày uống khoảng 10mg, dùng trong lúc ăn hoặc sau ăn.
  • Thuốc Phenergan: Phenergan được bào chế dưới dạng kem bôi da, có tác dụng trị mẩn ngứa, mề đay, kích ứng da. Ngoài ra thuốc có thể phối hợp với thuốc dạng uống trong trường hợp dị ứng nặng. Người bệnh bôi một lớp thuốc mỏng lên da, mỗi ngày dùng từ 3-4 lần cho đến khi khỏi hẳn.
Thuốc bôi da được dùng phổ biến trong điều trị nổi mề đay ở cổ
Thuốc bôi da được dùng phổ biến trong điều trị nổi mề đay ở cổ

Uống thuốc Đông y

Đông y điều trị bệnh mề đay theo hướng tập trung vào việc phục hồi sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch cho người bệnh. Các bài thuốc Đông y sử dụng nguyên liệu tự nhiên 100% nên rất an toàn, lành tính cho người dùng. Mặc dù phương pháp này không có tác dụng nhanh như thuốc Tây y nhưng lại có tác dụng lâu dài, giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

Bài thuốc thể phong nhiệt

Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong, chống viêm, điều trị mề đay cấp tính và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng.

  • Vị thuốc: 10g bạc hà, 15g trúc diệp, 10g kim ngân, 10g liên kiều, 15g lô căn, 15g ké đầu ngựa, 15g phù bình, 15g sinh địa, 10g ngưu hoàng, 10g kinh giới.
  • Cách dùng: Sắc thuốc lấy nước uống, chia thành 2 phần bằng nhau và sử dụng hết trong ngày. 

Bài thuốc thể phong hàn

Bài thuốc giúp trừ phong, tán hàn, có tác dụng cải thiện mề đay mẩn ngứa do thời tiết lạnh, hanh khô.

  • Vị thuốc: 10g phòng phong, 5g quế chi, 10g can khương, 10g ma hoàng, 5g tế tân, 10g bạch chỉ, 5g tử tô, 10g kinh giới. 
  • Cách dùng: Thuốc sắc lấy nước để uống trong ngày, nên chia thành 2 phần và uống vào buổi sáng, chiều. Kiên trì dùng thuốc trong vòng 1 tháng để đạt hiệu quả cao.

Lưu ý khi điều trị bệnh nổi mề đay ở cổ

Trong quá trình điều trị bệnh nổi mề đay ở cổ, người bệnh cần chú ý những yếu tố sau để giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế tái phát.

Lưu ý khi điều trị bệnh nổi mề đay ở cổ
Lưu ý khi điều trị bệnh nổi mề đay ở cổ
  • Cần uống nhiều nước để tăng cường thải độc cơ thể, giúp làm dịu da và cải thiện tình trạng mẩn ngứa.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, lông thú nuôi, bụi bẩn, nấm mốc, nhựa cây,… để tránh bệnh tiến triển nặng.
  • Cần che chắn và bảo vệ vùng da ở cổ mỗi khi ra ngoài trời nắng. Bởi tía UV trong ánh nắng mặt trời cũng là tác nhân khiến làn da bị tổn thương.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày để tránh da bị tích tụ nhiều mồ hôi, bụi bẩn, vi khuẩn,… khiến lỗ chân lông bị bít tắc.
  • Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, giặt giũ chăn màn, ga giường, vỏ gối, vỏ chăn,… để tránh bụi bẩn, rệp giường trú ngụ.
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên, giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
  • Hạn chế tiêu thụ những loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, dễ gây dị ứng, các chất kích thích,… vì sẽ làm cho các vấn đề da liễu trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Chú ý lựa chọn những sản phẩm bột giặt, nước xả vải, nước giặt,…. có thành phần tự nhiên an toàn lành tính để bảo vệ làn da, tránh kích ứng.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể.
  • Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc, nên đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc.

Trên đây là những thông tin giúp người bệnh hiểu rõ hơn về tình trạng nổi mề đay ở cổ. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh của mình được hiệu quả hơn.  

Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi