Viêm Phế Quản

Dạo gần đây thời tiết lạnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn khiến cơ thể không kịp thích nghi và dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản. Tôi nhận được nhiều câu hỏi của bà con mong muốn tìm hiểu thêm các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả. Tranh thủ lúc chưa có bệnh nhân, tôi đã biên soạn bài viết này để cung cấp thêm các kiến thức cho bà con. 

Viêm phế quản là gì?

Bà con cần biết viêm phế quản là bệnh về đường hô hấp dưới, liên quan tới tình trạng viêm/nhiễm trùng niêm mạc ống phế quản gây ra các phản ứng viêm tại đây. Có 2 loại viêm phế quản đó là:

  • Viêm phế quản cấp: Đây là tình trạng nhiễm trùng cấp tính khiến đường hô hấp trong phổi sưng và đầy chất nhầy. Người mắc viêm phế quản mãn tính thường kéo dài trong vài tuần.
  • Viêm phế quản mãn tính: Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, nó sẽ kích thích các ống phế quản liên tục. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Bệnh có cấp độ nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp.

Viêm phế quản

Nguyên nhân viêm phế quản

Dựa vào dạng viêm phế quản bà con mắc phải là cấp hay mãn tính mà nguyên nhân gây bệnh có thể bắt nguồn từ các yếu tố khác nhau.

Nguyên nhân viêm phế quản cấp thường do các yếu tố sau:

  • Nhiễm trùng do các vi khuẩn, virus gây cảm lạnh hoặc cúm.
  • Người bệnh thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích phổi, phế quản như khói thuốc lá, bụi bẩn, khói từ các loại phương tiện giao thông,...
  • Người thường phải sinh sống, làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí.
  • Sức đề kháng của người bệnh kém tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công và gây bệnh.

Viêm phế quản
Có nhiều nguyên  nhân gây viêm phế quản

Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính:

Với viêm phế quản mãn tính, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng kích thích hoặc tổn thương phổi và phế quản tái phát nhiều lần. Ngoài những nguyên nhân tương tự viêm phế quản cấp, bệnh có thể do:

  • Yếu tố di truyền
  • người có tiền sử mắc bệnh hô hấp hoặc trào ngược dạ dày thực quản
  • Bệnh viêm phế quản cấp tái đi tái lại nhiều lần

Triệu chứng

Dấu hiệu viêm phế quản thường không khó nhận biết nhưng khi bệnh ở giai đoạn đầu, nhiều người thường chủ quan không điều trị sớm. Bà con cần chú ý một số biểu hiện của bệnh như sau:

  • Ho: Ho thường xảy ra liên tục, kéo dài, ho khan, ho thành tiếng hoặc có đờm. Khi ho sẽ kèm theo các triệu chứng như tức ngực, chảy nước mũi. Ho là biểu hiện cho thấy đâu đó ở khu vực từ mũi, họng xuống phổi có thể bị viêm.
  • Đau họng: Họng có thể bị sưng to, ngứa rát, đau khi nuốt hoặc nói chuyện.
  • Sốt: Người bệnh sốt theo cơn hoặc sốt liên tục, sốt cao hoặc chỉ nhẹ. Cũng có trường hợp người bệnh không bị sốt.
  • Tiết đờm: Tình trạng viêm sẽ gây ra hiện tượng tiết dịch đờm. Màu sắc của đờm có thể là màu xanh, màu trắng hoặc màu vàng, điều này sẽ cho thấy  nguyên nhân gây viêm phế quản là do vi khuẩn hay virus gây nên.
  • Thở khò khè: Khi viêm, thành phế quản sẽ sưng, phù nề gây hẹp lòng phế quản nên khi thở không khí đi qua khe hẹp sẽ gây ra tiếng khò khè.
  • Mệt mỏi: Bà con mắc viêm phế quản thường chán ăn, người xanh xao, uể oải do các triệu chứng trên khiến cho hệ miễn dịch suy yếu.
  • Một số biểu hiện khác: Người bệnh có thể bị khó thở hoặc thở nhanh.

Viêm phế quản

Tôi khuyên bà con nếu gặp phải các triệu chứng trên kéo dài quá 5 ngày cần đi thăm khám và kiểm tra để chẩn đoán bệnh và có phác đồ điều trị kịp thời và phù hợp với tình trạng bệnh.

Biến chứng viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản cấp nếu không được điều trị sớm và triệt để có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần, ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị dứt điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi các bệnh viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, suy hô hấp cấp, viêm giãn phế quản.

Trẻ mắc bệnh có thể gặp biến chứng viêm phế quản bít tắc. Ở một số người, viêm phế quản cấp có thể là sự bắt đầu của bệnh hen phế quản. Nếu bà con bị cúm cộng thêm viêm phế quản bội nhiễm, bệnh trở nên nặng hơn, khi đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

Đặc biệt với những người gặp các triệu chứng ho, khó thở có khả năng mắc một vài bệnh khác như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, hen phế quản, dị vật vào đường hô hấp hoặc phổi bị ứ đọng trong các trường hợp suy tim.

Đối tượng mắc viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản là bệnh lý về đường hô hấp phổ biến và có thể gặp ở nhiều lứa tuổi. Những đối tượng tôi nhắc tới sau đây có nguy cơ mắc viêm phế quản cao:

  • Nghiện thuốc lá: Thói quen này là yếu tố hàng đầu gây viêm phế quản người lớn.
  • Tiếp xúc với môi trường độc hại: Những người thường tiếp xúc với nguồn không khí bị ô nhiễm, hít phải khói bụi, hơi độc hoặc những người hay làm việc với các chất gây kích thích đường hô hấp như bông dệt, khói hóa học.
  • Sức đề kháng yếu: Người có sức đề kháng yếu hoặc người mắc bệnh mãn tính gây suy giảm hệ miễn dịch.
  • Yếu tố tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ nhiễm trùng cao do đó dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý bệnh viêm phế quản ở trẻ em. Ban đầu bệnh có thể do virus gây ra, trẻ bị cảm lạnh, cúm, ho, sổ mũi,... kéo dài và không điều trị sớm và triệt để dễ chuyển thành viêm phế quản.
  • Người bị trào ngược dạ dày: Tình trạng bị trào ngược dạ dày thường xuyên khiến cổ họng dễ bị kích ứng, tạo điều kiện cho tình trạng viêm phế quản phát triển.
  • Hen suyễn và dị ứng: Những người có tiền sử mắc hen suyễn hoặc bệnh dị ứng sẽ dễ gặp phải vấn đề sức khỏe này.

Chẩn đoán viêm phế quản

Tôi thấy sau khi bác sĩ thăm hỏi tình trạng, dấu hiệu viêm phế quản của bà con mắc phải, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe tiếng phổi khi thở. Các bài kiểm tra cũng được yêu cầu như:

Viêm phế quản
Chụp X-quang giúp chẩn đoán viêm phế quản

  • Chụp X-quang ngực: Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện được những bất thường ở trong phế quản và ở phổi.
  • Xét nghiệm đờm: Mẫu dịch từ phổi hoặc ở phế quản sẽ được lấy để phân tích và tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng ở đây.
  • Kiểm tra chức năng phổi: Mục đích của phương pháp này đó là đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được và tốc độ không khí được đẩy ra khỏi phổi. Ngoài ra việc áp dụng phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc khí phế thũng.

Cách điều trị

Viêm phế quản là bệnh đường hô hấp phổ biến nên có nhiều phương pháp điều trị. Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bà con phương pháp điều trị cụ thể. Thông thường, viêm phế quản có 3 cách điều trị như sau:

Mẹo dân gian

Nếu bà con được chẩn đoán viêm phế quản cấp, bệnh mới ở giai đoạn khởi phát có thể áp dụng các mẹo dân gian để giảm các triệu chứng bệnh. Đây là phương pháp điều trị được nhiều người áp dụng bởi tính an toàn, dễ thực hiện, nguyên liệu dễ kiếm.

Bà con có thể áp dụng một số mẹo dân gian trị viêm phế quản tại nhà như sau:

  • Mật ong: Bà con lấy 1 thìa nhỏ mật ong hòa tan vào trà nóng hoặc nước chanh ấm và uống 2 lần/ngày để giảm đờm và viêm họng.
  • Quả lê: Chuẩn bị 1 quả lê, 1 củ gừng, 1 thìa mật ong và vài nhánh tỏi. Lê gọt vỏ, cắt hạt lựu; gừng rửa sạch bỏ vỏ, cắt sợi; tỏi bóc vỏ đập dập. Cho các nguyên liệu vào bát, trộn đều với mật ong và đem hấp cách thủy. Lọc lấy nước và uống.
  • Rau diếp cá: Rửa sạch rau diếp cá, xay nhuyễn và lọc lấy nước cốt. Hòa thêm một chút muối, 1 cốc nước ấm vào phần nước cốt. Chia nước thành 2 phần uống vào bữa trưa và bữa tối.
  • Gừng trị ho viêm phế quản: Rửa sạch 500g gừng tươi, xay nhuyễn và lọc lấy nước. Cho thêm 200ml mật ong vào nước gừng, khuấy đều và đun ở lửa nhỏ tới khi hỗn hợp đặc lại. Cho hỗn hợp vào lọ thủy tinh đậy kín, khi dùng pha với nước ấm uống 2 lần/ngày giúp giảm ho do viêm phế quản cấp và mãn tính hiệu quả.

Viêm phế quản

Mặc dù cách trị viêm phế quản tại nhà giúp cải thiện bệnh nhưng chỉ có tác dụng làm giảm một vài triệu chứng như ho, chảy nước mũi, long đờm,... không có tác dụng điều trị viêm phế quản triệu để. Do đó bà con không nên lạm dụng vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Dùng thuốc tây

Với những người viêm phế quản cấp tính kéo dài hoặc viêm phế quản mạn tính, bà con có thể áp dụng thuốc tây y trị viêm phế quản. Tôi thấy một số loại thuốc mà bác sĩ kê đơn đó là:

  • Thuốc giảm ho: Nhóm thuốc này không giải quyết được tình trạng đờm ứ đọng trong phổi nhưng sẽ khiến người bệnh thấy dễ chịu hơn.
  • Thuốc giãn phế quản: Loại thuốc này có công dụng làm rộng đường phế quản, làm sạch chất nhầy ứ đọng trong đường thở giúp người bệnh hô hấp dễ dàng hơn.
  • Thuốc chống viêm nhóm non-steroid: Loại thuốc này được dùng trong các trường hợp viêm đường phế quản kéo dài, có nguy cơ tổn thương mô.
  • Thuốc kháng sinh: Với những người mắc viêm phế quản do nhiễm khuẩn thường được bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh. Thuốc có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng mức độ thứ cấp.
  • Liệu pháp oxy: Với những bệnh nhân gặp triệu chứng khó thở, liệu pháp này giúp oxy đưa đến phổi dễ dàng hơn.

Thuốc Tây y điều trị viêm phế quản chỉ tập trung điều trị làm giảm các triệu chứng chứ không chữa triệt để bệnh. Do đó, bệnh có nguy cơ tái phát sau khi điều trị nếu gặp phải các tác nhân kích thích.

Hơn nữa, trong quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa,... Chính vì vậy, người bệnh khi điều trị theo biện pháp này cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc, nhất là những người có cơ địa nhạy cảm. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và uống nếu không có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Dùng thuốc Đông y

Theo các tài liệu YHCT tôi nghiên cứu, bệnh viêm phế quản thuộc chứng đàm ẩm khái thấu. Nguyên nhân gây bệnh do ngoại cảm, phong nhiệt, phong hàn và khí táo gây nên, làm tà độc dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Nguyên tắc điều trị viêm phế quản của Đông y đó là vận dụng phép Ôn phế hóa đàm, chỉ khái, thanh nhiệt. Từ đó tác động sâu vào căn nguyên gây bệnh, chữa bệnh từ gốc, tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Một số bài thuốc bà con có thể tham khảo đó là:

  • Bài thuốc số 1: Chuẩn bị hạnh nhân, chỉ xác, tô diệp, trần bì, tiền hồ, cam thảo, cát cánh, bán hạ chế, phục linh, sinh khương. Sắc các nguyên liệu trên với 500ml nước, đun ở lửa vừa tới khi cạn còn 200ml thì tắt bếp. Chia thuốc thành 2 phần uống trong ngày.
  • Bài thuốc số 2: Chuẩn bị liên kiều, bạc hà, tiền hô, cúc hoa, tang diệp, cam thảo, lô căn, hạnh nhân, ngưu bàng tử sắc cùng nước và uống 2 lần/ngày để cải thiện tình trạng bệnh.
  • Bài thuốc số 3: Dùng quế chi, ma hoàng, tế tân, cam thảo, bạch thược, can thương, bán hạ chế, ngũ vị tử sắc với 500ml nước. Chia thuốc thành 2 phần dùng trong ngày vào bữa sáng và bữa tối.

Viêm phế quản
Trị viêm phế quản bằng thuốc nam được nhiều người áp dụng bởi cơ chế trị bệnh tận gốc

Những bài thuốc Đông y thường được gia giảm liều lượng và vị thuốc để phù hợp với tình trạng bệnh của từng người. Do đó để quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất nên đến những nhà thuốc, địa chỉ uy tín để thăm khám, bốc thuốc và kê đơn.

Phòng ngừa viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp dễ gặp, phổ biến và có nguy cơ lây lan cao nếu người bệnh chủ quan, không quan tâm. Việc phòng tránh bệnh là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh. Bà con cần chú ý những điều dưới đây:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như trái cây, rau xanh. Loại thực phẩm này giúp giảm viêm nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
  • Bổ sung các nhóm đồ ăn giàu tinh bột như nhóm họ đậu, ngũ cốc, các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D như sữa, cá, trứng, thịt, các loại hạt giúp bổ sung năng lượng cần thiết, tốt cho đường tiêu hóa và tăng cường các lợi khuẩn.
  • Uống đủ lượng nước khuyến cáo mỗi ngày để bài trừ độc tố, thanh lọc cơ thể. Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể uống các loại trà có công dụng kháng viêm, chống oxy hóa như cúc la mã, trà xanh,...

Viêm phế quản

  • Người bệnh tránh ăn các loại thực phẩm, thức ăn nhanh chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa mỡ động vật. Bởi chúng có thể khiến dạ dày khó chịu, không thể chuyển hóa hết chất dinh dưỡng hấp thụ và khiến người bệnh khó thở, đau tức lồng ngực.
  • Đồ ăn mặn, chứa hàm lượng muối cao khiến cơ thể bị tích nước, dịch đờm trong phế quản cũng sẽ tăng lên.
  • Các loại thực phẩm cay nóng, quá chua và chứa nhiều axit dễ kích ứng niêm mạc vùng họng, gây ho, hạn chế tác dụng của thuốc long đờm.
  • Người bệnh tránh các loại đồ uống có cồn, chất kích thích, thuốc lá bởi đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lạnh.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe luôn ổn định, tăng cường sức đề kháng.
  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất độc hại, khói thuốc lá.
  • Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu có.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng một cách tốt nhất. Phương pháp này không chỉ giúp người bệnh khỏe mạnh, dẻo dai hơn mà còn giúp hệ hô hấp hoạt động tốt, phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm đường thở.

Bệnh viêm phế quản nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Bởi vậy bà con hãy điều trị kịp thời ngay khi xuất hiện những triệu chứng bệnh.

Array

Cố vấn chuyên môn bài viết

Đỗ Minh Tuấn

Viêm Phế Quản

GĐ chuyên môn

Lương y

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi