Viêm Khớp Vảy Nến

Tham vấn chuyên môn bởi:

Lương y Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn hệ thống Đỗ Minh Đường

Nghe đến “vẩy nến”, hẳn nhiều bà con sẽ nghĩ đây chỉ là chứng bệnh ngoài da gây ảnh hưởng đến các tế bào và bề mặt da. Thực chất, loại bệnh này còn liên quan đến một căn bệnh tự miễn khác được gọi là viêm khớp vảy nến. Vậy viêm khớp vảy nến là gì? Nguyên nhân dẫn đến bệnh? Có thể dựa vào dấu hiệu nào để nhận biết cũng như có cách phòng chữa nào hiệu quả? Tất cả thông tin này, tôi sẽ nói trong bài viết sau.

Viêm khớp vảy nến là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Viêm khớp vảy nến là một loại của chứng bệnh viêm khớp thể nặng hay mãn tính, thường được phát hiện ở những người mắc bệnh vảy nến. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể tự tấn công vào các tế bào khỏe mạnh và mô, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm khớp xương và sự sản sinh quá mức tế bào da. Bệnh gây ảnh hưởng chủ yếu ở các khớp lớn tại chi dưới, khớp xa của ngón tay, ngón chân, các khớp cột sống,… Bất kì độ tuổi nào cũng có thể mắc phải bệnh lý này nhưng phổ biến nhất vẫn là khoảng từ 30-50 tuổi.

Viêm khớp vảy nến là 1 thể của viêm khớp mãn tính
Viêm khớp vảy nến là 1 thể của viêm khớp mãn tính

Nguyên nhân gây ra viêm khớp vảy nến hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số yếu tố liên quan đến cơ chế bệnh sinh, có thể kích hoạt sự khởi phát của viêm khớp vẩy nến. Tôi xin điểm qua một số yếu tố để bà con hiểu rõ hơn như sau:

  • Yếu tố gen, di truyền: Đây được xem là 1 yếu tố chính dẫn đến viêm khớp vẩy nến khi có đến 40% trường hợp mắc bệnh có tiền sử gia đình bị vẩy nến hay viêm khớp. Theo các nghiên cứu y khoa, những người họ hàng đầu tiên của bệnh nhân mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị viêm khớp vảy nến cao gấp 50 lần người bình thường. Do đó, các yếu tố về gen như kháng nguyên HLA-Cw6,HLA-B16, HLA-B27, HLA-DR4,… thường có liên quan mật thiết đến bệnh lý này.
  • Các yếu tố khác từ môi trường: Như tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ, nhiễm virus, vi khuẩn, chấn thương… cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến.
  • Miễn dịch: Bệnh có liên quan đến sự gia tăng hoạt động của bổ thể, lympho T đại thực bào, tế bào đơn nhân cũng như sự gia tăng sản xuất các cytokines (IL1β, IL 6, TNFα, v.v…) và kháng thể kháng keratin.

Triệu chứng viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có biểu hiện lâm sàng đa dạng gồm các triệu chứng tại khớp và ngoài khớp. Theo thống kê, có tới 80% bệnh nhân mắc bệnh lý này có biểu hiện của vẩy nến phát triển trước các dấu hiệu của viêm khớp. 15% trường hợp có tổn thương khớp và da xuất hiện cùng 1 lúc, 10% sẽ có biểu hiện viêm khớp trước tổn thương da.

Để chẩn đoán bệnh chính xác dựa trên các dấu hiệu cụ thể, tốt nhất bà con nên thăm khám cẩn thận ở các cơ sở y tế uy tín khi cơ thể bắt đầu có triệu chứng lạ. Tuy nhiên trong giới hạn bài viết này, tôi vẫn xin cung cấp sơ bộ một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh nhằm giúp bà con có thể chủ động hơn trong nắm bắt và sớm nhận biết bệnh:

Vẩy nến ở da là biểu hiện điển hình của bệnh này
Vẩy nến ở da là biểu hiện điển hình của bệnh này
  • Các biểu hiện tổn thương da: vảy nến thường, vẩy nến mủ, vảy nến dạng giọt, mảng, da đỏ,…
  • Viêm khớp, đau sưng, cứng khớp là các dấu hiệu điển hình của viêm khớp vảy nến. Bệnh khiến các ngón tay, ngón chân bị đau nhiều, sưng, thậm chí là xuất hiện dị tật.
  • Tình trạng viêm có thể xảy ra tại 1 khớp( thường là khớp lớn- 80%) hoặc vài khớp ở ngoại biên có tính chất đối xứng (25%), các khớp liên đốt xa( 10%),…
  • Một biểu hiện khác của bệnh có thể là những cơn đau nơi các điểm gân, dây chằng bám vào xương, nhất là ở mặt sau gót chân hoặc trong bàn chân, dấu hiệu ngón tay hay ngón chân khúc dồi.
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng viêm cột sống dính khớp của các khớp đốt sống giữa cột sống và trong các khớp giữa các cột sống và xương chậu
  • Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, tổn thương móng, van tim, suy giảm trong vận động của ngón tay ngón chân…

Chẩn đoán bệnh lý viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm xương khớp khác. Do đó việc chẩn đoán bệnh chính xác là cần thiết để giúp điều trị viêm khớp vảy nến hiệu quả. Tôi khuyên bà con nên đến cơ sở ý tế thăm khám càng sớm càng tốt để được thực hiện các chẩn đoán sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán viêm khớp vảy nến hiện nay dựa trên tiêu chuẩn CASPAR (CLASsification criteria for Psoriatic ARthritis), theo đó, bà con sẽ bị nghi mắc bệnh nếu có 3/9 điểm sau đây:

  • Tình trạng vảy nến đang hoạt động
  • Tiền sử gia đình vảy nến
  • Tiền sử vảy nến
  • Viêm ngón tay hay ngón chân
  • Tiền sử ngón tay- ngón chân khúc dồi
  • Viêm ngón tay hay ngón chân
  • Tổn thương móng
  • Hình thành gai xương quanh khớp trên XQ âm tính RF

Xét nghiệm

Một số xét nghiệm có thể được thực hiện nhằm chẩn đoán chính xác hơn các vấn đề của viêm khớp vẩy nến:

  • Trong những giai đoạn viêm khớp sẽ xuất hiện tình trạng tăng tốc độ lắng máu và CRP.
  • Sinh thiết da
  • Nếu bị bệnh quá nặng cần thực hiện thêm xét nghiệm test HIV
  • Thực hiện xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF ( Tuy không xuất hiện ở những bệnh nhân bị vảy nến thể khớp nhưng RF lại thường xuất hiện trong máu của những bệnh nhân bị thấp khớp), anti CCP
  • Trong trường hợp da bị tổn thương nặng và lan tỏa cần kiểm tra chất dịch bên trong khớp (Acid uric thường tăng)

Chẩn đoán hình ảnh

Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp MRI, bác sĩ sẽ xác định được vị trí tổn thương cũng như mức độ tiến triển bệnh:

Chụp X - quang giúp chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác
Chụp X – quang giúp chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác
  • X-Quang: Đây là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý xương khớp. Bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến khi chụp Q-quang sẽ cho ra kết quả hình ảnh có biểu hiệu hẹp khe khớp, đầu xương dưới sụn bị bào mòn, phản ứng màng xương. Bên cạnh đó là dấu hiệu canxi hóa tại điểm bám gân và gai xương, viêm khớp cùng chậu hay cầu xương tại cột sống. Đôi khi còn có hình ảnh tiêu xương đốt xa kèm dãn rộng và lõm bề mặt đốt xương kế cận tạo hình ảnh bút chì cắm lọ mực.
  • Chụp MRI: Ở giai đoạn sớm hay giai đoạn tiến triển bệnh, chụp MRI giúp xác định hữu hiệu các tổn thương, đồng thời hỗ trợ kiểm tra các vấn đề về gân, dây chằng vùng lưng dưới và bàn chân.

Điều trị bệnh viêm khớp vảy nến hiệu quả

Điều trị viêm khớp vảy nến cần dựa trên nguyên tắc kết hợp đồng thời chữa tổn thương da và khớp. Bệnh chủ yếu được chữa bằng thuốc, kết hợp với các biện pháp khác như vật lý trị liệu, vận động trị liệu, giáo dục bệnh nhân,… Có thể cần đến can thiệp ngoại khoa để chỉnh sửa, thay khớp ở giai đoạn muộn nhằm ngăn ngừa biến chứng, duy trì chức năng vận động. Tôi xin nói qua về các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến như sau:

Chữa viêm khớp vảy nến bằng thuốc

Hiện nay vẫn chưa có cách nào giúp trị dứt điểm bệnh viêm khớp vẩy nến. Các loại thuốc được dùng nhằm phục đích cải thiện và kiểm soát các triệu chứng, khi bệnh thuyên giảm thì liều lượng thuốc giảm dần và ngừng hẳn.

Bà con cần lưu ý không được tự ý mua thuốc về sử dụng mà phải thực hiện theo các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc thông báo với bác sĩ về tình trạng cơ thể, các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng,… là điều vô cùng cần thiết. Bởi 1 số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, tim mạch, thận,… và có thể xảy ra tình trạng kháng các thành phần thuốc khi kết hợp với nhau.

Nhìn chung, bác sĩ thường chỉ định 1 số loại thuốc sau:

  • Thuốc điều trị tổn thương da: anthralin, mỡ vitamin D, mỡ salixylate, mỡ corticosteroid, các dẫn chất axit etinoic, cyclosporin,…
  • Nhóm thuốc kháng viêm không steroid: Thuốc được sử dụng nhằm giảm đau, kháng viêm nhanh chóng, được chỉ định khi có tình trạng viêm khớp. Các loại thuốc thường dùng có diclofenac, naproxen, celecoxib, piroxicam
  • Thuốc Corticosteroid điều trị tại chỗ ( tiêm nội khớp, tiêm các điểm bám tận): Trong trường hợp thuốc kháng viêm không steroid không làm thuyên giảm tình trạng sưng đau ở các khớp hay điểm bám gâm, thuốc corticosteroid có thể được chỉ định.
  • Thuốc chống thấp khớp (DMARDs) cổ điển: Thuốc có tác dụng cho cả tổn thương da và khớp. Một số loại thuốc gồm có Methotrexate, Sulfasalazine, Leflunomide, Cyclosporine,…
  • Các chất kháng Yếu tố hoại tử u nhóm alpha (chế phẩm sinh học): Được chỉ định khi DMARDs cổ điển không đáp ứng điều trị, gồm Etanercept, Infliximab,… Cần lưu ý không phối hợp các tác nhân sinh học này với nhau.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể, làm giảm triệu chứng của viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên chúng lại làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Một số loại thuốc thường được dùng gồm cyclosporine (Neoral, Gengraf, Sandimmune,…), azathioprine (Imuran, Azasan,…),…

Điều trị bằng phẫu thuật

Viêm khớp vảy nến mức độ nghiêm trọng sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật
Viêm khớp vảy nến mức độ nghiêm trọng sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật

Trong trường hợp viêm khớp vảy nến có những biểu hiện nghiêm trọng, dễ xảy ra biến chứng sẽ cần đến can thiệp ngoại khoa để điều trị. Thông thường, trong quá trình phẫu thuật viêm khớp, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ tổn thương sâu của khớp và thay thế các khớp bị viêm sưng, phá hủy bằng các bộ phận nhân tạo khác.

Một số lưu ý nằm phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh

Việc áp dụng các biện pháp tác động tích cực lên cơ thể và hệ xương khớp có ý nghĩa quan trọng không chỉ với những bệnh nhân đang điều trị bệnh mà những người chưa mắc viêm khớp vảy nến cũng đặc biệt cần lưu ý. Cụ thể:

  • Giữ cân bằng ở mức hợp lý, ổn định để giảm áp lực tạo trên các khớp, đồng thời giúp gia tăng tính linh hoạt trong vận động
  • Thay đổi lối sinh hoạt, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đặc biệt tích cực bổ sung các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng nước, cải xoăn, tỏi,…
  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên nhằm tăng sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai cho các khối cơ, đồng thời giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể

Trên đây là các thông tin tổng hợp về bệnh lý viêm khớp vẩy nến. Để có phác đồ chữa trị hiệu quả, tốt nhất bà con nên đến cơ sở y tế thăm khám cụ thể khi thấy cơ thể khởi phát các dấu hiệu của bệnh. Đồng thời kết hợp với lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học để nâng cao sức khỏe và gia tăng hiệu quả điều trị.

Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi