Viêm Khớp Nhiễm Khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh lý xương khớp cần được điều trị tích cực phù hợp, kịp thời do nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng với nhiều biểu hiện dễ bị nhầm lẫn. Vậy viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Làm thế nào để sớm nhận biết bệnh? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao?… Các thông tin liên quan đến bệnh lý này tôi xin được tổng hợp trong bài viết sau để giúp bà con có cái nhìn tổng quan nhất nhằm chủ động hơn trong phòng chữa bệnh.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?
Viêm khớp nhiễm khuẩn còn được gọi là viêm khớp sinh mủ, là tình trạng khớp bị viêm nhiễm do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu (không phải do lao, phong, nấm, ký sinh trùng hay virus) gây ra. Đa số các trường hợp bệnh do vi khuẩn từ các vị trí khác trên cơ thể lan truyền theo đường máu để xâm nhập, phát tán đến khớp hoặc dịch quanh khớp. Có thể theo đường gần kề từ nhiễm khuẩn xương hoặc phần mềm cạnh khớp. Số ít trường hợp là nhiễm khuẩn trực tiếp từ sau chấn thương, tiêm khớp hay thông qua phẫu thuật.
Viêm khớp nhiễm khuẩn thường xảy ra ở các khớp lớn trên cơ thể như khớp háng, khớp gối, khớp vai,… Bất kì ai cũng có thể mắc phải chứng bệnh này, đặc biệt là những đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, bệnh nhân đang mắc các bệnh lý xương khớp… cần lưu ý.
Triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn
Hầu hết viêm khớp nhiễm khuẩn chỉ xảy ra ở một khớp, thường gặp ở các khớp lớn như khớp gối, háng, vai, mắt cá chân, khuỷu tay,… Số ít trường hợp nhiễm khuẩn ở nhiều khớp, có thể tại các khớp không điển hình như khớp ức đòn, khớp ngón tay chân, khớp cùng- chậu, khớp hàm… Do vị trí viêm nhiễm và loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau mà các biểu hiện cụ thể của viêm khớp nhiễm khuẩn cũng thay đổi.
Tuy nhiên nhìn chung, viêm khớp sinh mủ thường gây ra các triệu chứng điển hình như sau:
- Các triệu chứng tại khớp: Ở vị trí các khớp bị nhiễm trùng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng sưng đau dữ dội, nóng, đỏ, đôi khi có hiện tượng tràn dịch khớp, yếu cơ, co cứng cơ làm hạn chế vận động.
- Triệu chứng toàn thân: Hội chứng nhiễm khuẩn thường đi kèm sốt cao 38-40 độ C, có khi rét run. Tuy nhiên tình trạng này không thường xuất hiện ở những bệnh nhân có tuổi, suy giảm miễn dịch,… Một số biểu hiện khác cũng có thể xuất hiện như môi khô, lưỡi đỏ, ban đỏ, mụn mủ ngoài da, mệt mỏi, tim đập nhanh,…
Nguyên nhân gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn
Có rất nhiều yếu tố dễ làm khởi phát bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn. Để hiểu rõ hơn, mời bà con đọc tiếp phần dưới đây.
Vi khuẩn gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn
Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến viêm khớp sinh mủ. Phân loại theo đối tượng mắc bệnh, các loại vi khuẩn gây bệnh gồm có:
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vi khuẩn thường gặp là liên cầu nhóm B, trực khuẩn gram âm đường ruột, tụ cầu vàng,…
- Ở huyết nhóm A là các vi khuẩn H. influenzae, phế cầu,…
- Người già, đặc biệt là những người có các bệnh lý cơ thể kèm theo như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, khớp nhân tạo… thường bị mắc viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm, phế cầu, liên cầu,… gây nên
- Những đối tượng như người tiêm chích ma túy, người cao tuổi,… có thể gặp các vi khuẩn khác như E. coli và Pseudomonas spp,…
Virus và nấm
Bên cạnh vi khuẩn, bà con cần chú ý một số loại virus và nấm cũng có thể gây ra bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn như:
- Virus: gồm có virus viêm gan A, B, C, virut herpes, HIV, adenovirus, virus coxsackie, parvovirus B19, virus quai bị virus ebola,…
- Một số vi nấm có thể gây nên viêm khớp là: histoplasma, blastomyces, coccidiomyces,…
Các yếu tố nguy cơ
Ngoài vi khuẩn, virus, nấm, viêm khớp nhiễm khuẩn còn có thể bị bùng phát do chịu sự tác động của các yếu tố sau:
- Vấn đề về xương khớp: Ở những người có các bệnh lý xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gout, lupus ban đỏ,… hay những đối tượng đã từng thay khớp, phẫu thuật khớp,… thường có nguy cơ cao bị mắc viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Màng dịch khớp suy yếu: Khi cơ chế tự bảo vệ của màng dịch khớp bị suy yếu, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và khớp. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách gia tăng áp lực lên khớp và quanh khớp, hạn chế lượng máu vận chuyển đến các khớp gây tổn thương và nhiễm trùng khớp.
- Yếu tố thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: Một số loại thuốc điều trị giúp ức chế hệ thống miễn dịch nhưng đồng thời cũng khiến tình trạng nhiễm trùng dễ xảy ra. Bệnh bùng phát do yếu tố này thường khó phát hiện bởi các biểu hiện triệu chứng khá giống nhau.
- Yếu tố về da: Tình trạng da mỏng, khó lành, hay bị tổn thương khiến vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng. Đặc biệt các bệnh lý về da như vẩy nến và eczema,… sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Hệ miễn dịch kém: Hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận,… là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập, gây bệnh trong cơ thể.
Chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn là chứng bệnh có các biểu hiện đa dạng với mức độ phụ thuộc vào loại vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh và các yếu tố cơ giới. Do đó, tốt nhất bà con nên đến cơ sở y tế thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác, tránh trường hợp tự bắt bệnh dẫn đến nhầm lẫn với nhiều bệnh lý xương khớp khác.
Thăm khám lâm sàng
Các bước thăm khám lâm sàng nhằm giúp bác sĩ xác định được những dấu hiệu của quá trình viêm. Đồng thời đánh giá được mức độ tổn thương khớp cũng như mức độ di chuyển khớp.
Đầu tiên là những câu hỏi về bệnh như triệu chứng gặp phải, thời gian xuất hiện triệu chứng, những động tác làm cơn đau trở nên dữ dội hơn, các bệnh lý hiện có và các loại thuốc đang sử dụng,… Tiếp đó là các bước thăm khám cơ bản để xác định rõ hơn mức độ các dấu hiệu của bệnh.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang: Giúp phát hiện những tổn thương xương kế cận khớp nhiễm trùng. Trong trường hợp sớm sẽ cho hình ảnh sưng nề phần mềm, rộng khe khớp do tràn dịch,… Nếu chụp chiếu chiếu muộn, hình ảnh của viêm khớp nhiễm trùng sẽ thể hiện hẹp khe khớp, hủy 2 đầu xương đối diện, biến dạng, dính khớp,…
- Siêu âm: Giúp phát hiện tình trạng tràn dịch khớp ở các vị trí khớp sâu như khớp háng, khớp cùng chậu,… Đồng thời hỗ trợ trong chọc hút dịch để làm xét nghiệm và kháng sinh đồ.
- Chụp cộng hưởng từ: Có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm khuẩn phần mềm kèm theo, giúp đánh giá sự phá hủy khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính: Là kỹ thuật có giá trị giúp phát hiện cụ thể tình trạng nhiễm khuẩn ở khớp cùng chậu hay những tổn thương viêm sưng kèm theo.
Xét nghiệm dịch khớp
Xét nghiệm dịch khớp gồm lấy bệnh phẩm đếm tế bào, soi tươi, nhuộm gram, nuôi cấy dịch khớp tìm vi khuẩn gây bệnh. Phương pháp chẩn đoán này nhằm nhận dạng nguyên nhân gây bệnh là do loại vi khuẩn nào, đồng thời xác định loại kháng sinh thích hợp để xây dựng kháng sinh đồ điều trị.
Một số xét nghiệm khác
Ngoài ra còn có một số xét nghiệm khác như xét nghiệm tế bào máu ngoại vi nhằm xác định mức độ nhiễm trùng ở khớp tổn thương( Viêm khớp nhiễm khuẩn thường có số lượng bạch cầu tăng; máu lắng, CRP ( protein C phản ứng) thường tăng), hay cấy máu để phát hiện vi khuẩn gây bệnh, xây dựng kháng sinh đồ,…
Chẩn đoán xác định
Thực hiện khi có ít nhất 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:
- Xét nghiệm dịch khớp có mủ (bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa hoặc tế bào dịch khớp cao trên 100.000/ml với trên 80% là bạch cầu đa nhân trung tính) hoặc tìm thấy vi khuẩn qua soi tươi, nhuộm gram.
- Cấy máu hoặc dịch khớp cho kết quả dương tính với vi khuẩn. Kết hợp với ít nhất 1 trong 2 tiêu chuẩn: Lâm sàng viêm khớp điển hình hoặc dấu hiệu x-quang viêm khớp điển hình: hình ảnh soi gương.
Chẩn đoán phân biệt
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán để phân biệt với những bệnh lý sau:
- Viêm khớp do gout cấp: Chẩn đoán bệnh qua hỏi tiền sử, triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm, đáp ứng điều trị colchicin. Đợt viêm do gout cấp thường không kéo dài quá 2 tuần.
- Viêm khớp do lao: Bệnh có triệu chứng khó nhận ra do ít sưng nóng, triệu chứng toàn thân kín đáo, cần nhuộm soi, nuôi cấy PCR lao để tìm vi khuẩn lao, hoặc giải phẫu bệnh có hình ảnh nang lao điển hình.
- Viêm khớp do nấm, virus, kí sinh trùng: Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và nuôi cấy phân lập nguyên nhân gây bệnh để chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra cần phân biệt với 1 số bệnh lý khác như viêm xương tủy nhiễm khuẩn( hình ảnh chụp X-quang chụp cắt lớp vi tính cho thấy có tổn thương), viêm khớp phản ứng( Soi cấy dịch khớp luôn âm tính với vi khuẩn),…
Điều trị viêm khớp nhiễm trùng
Cũng giống như chữa bệnh viêm khớp, điều trị viêm khớp nhiễm trùng không đúng cách hay chậm trễ có thể dẫn đến các biến chứng xấu như biến dạng khớp, thoái hóa khớp, tổn thương vĩnh viễn,… Do đó, đây là bệnh lý phức tạp bà con cần lưu ý phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Hiện nay có các phương pháp chính sau đây dành cho bệnh nhân bị nhiễm trùng khớp:
Điều trị bằng thuốc
Phần lớn viêm khớp nhiễm trùng là do vi khuẩn gây nên. Lúc này, bệnh cần thiết phải điều trị kháng sinh theo nguyên tắc chẩn đoán và chỉ định kháng sinh sớm nhằm ngăn chặn thoái hóa và phá hủy khớp:
- Đầu tiên sẽ thực hiện việc cấy máu, lấy dịch khớp, làm xét nghiệm dịch khớp nhanh bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn.
- Khi chưa có kết quả cấy máu, dịch, người bệnh được bác sĩ cho dùng ngay kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Sau đó sẽ xác định vi khuẩn gây bệnh và lựa chọn kháng sinh ban đầu dựa theo kết quả nhuộm gram (âm hay dương), lứa tuổi, đường lây nhiễm,…
Thời gian điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn theo kháng sinh còn tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh, độ nhạy cảm, tình trạng kháng thuốc,… nhưng thường sẽ kéo dài từ 4-6 tuần. Bác sĩ sẽ thực hiện truyền tĩnh mạch trong khoảng 1-2 tuần, sau đó chuyển sang kháng sinh dạng đường uống với liệu trình từ 2-4 tuần.
Nếu nhiễm khuẩn do nấm gây ra, bà con sẽ được bác sĩ kê đơn các loại thuốc kháng nấm tương ứng, còn nhiễm khuẩn do virus thì dùng thuốc kháng virus. Ngoài ra, một số thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Advil, Motrin,…), aspirin,… nhằm giảm bớt đau khớp cũng có thể được sử dụng.
Nhìn chung, bà con cần thăm khám càng sớm càng tốt khi thấy các dấu hiệu của viêm khớp nhiễm trùng, nhằm được chẩn đoán bệnh chính xác và kê đơn thuốc điều trị phù hợp. Đồng thời luôn tuân theo phác đồ chữa bệnh bằng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa đưa ra để đảm bảo hiệu quả tốt cũng như sự an toàn tối đa.
Hút, dẫn lưu dịch khớp
Dẫn lưu dịch khớp là phương pháp chữa viêm khớp nhiễm khuẩn phổ biến nhằm loại bỏ lượng dịch khớp chứa vi khuẩn hay các chất gây viêm, giúp giải phóng áp lực trên khớp, ngừa hoại tử và giảm đau sưng. Đồng thời có tác dụng cung cấp cho bác sĩ mẫu dịch để kiểm tra vi khuẩn cùng các vi sinh vật khác.
Dịch khớp thường được dẫn lưu loại bỏ thông qua nội soi. Qua 1 vết mổ nhỏ gần khớp, bác sĩ sẽ chèn 1 ống nhỏ có chứa camera vào khớp và hút hết dịch ổ khớp bị nhiễm khuẩn ra ngoài. Với những khớp khó nội soi như khớp hông, bác sĩ sẽ thực hiện mổ hở để thoát dịch.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật có thể được thực hiện nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn lây lan, loại bỏ phần khớp hư hỏng, cải thiện triệu chứng và ngăn chặn biến chứng. Các hướng phẫu thuật điển hình là:
- Thủ thuật phẫu thuật mở khớp lấy bỏ tổ chức nhiễm khuẩn: Phương pháp này thường được dùng kết hợp với kháng sinh, áp dụng khi có nhiễm khuẩn phần mềm lân cận đi kèm; nhiễm khuẩn sụn khớp, xương; nhiễm khuẩn khớp sâu khó hút dịch;…
- Nội soi rửa khớp: Trường hợp thuốc kháng sinh cùng phương pháp lưu dẫn dịch khớp không đáp ứng điều trị, hay xuất hiện nhiễm khuẩn khớp dịch mủ đặc,… bác sĩ có thể yêu cầu nội soi rửa khớp.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lý viêm khớp nhiễm khuẩn. Để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả, ngoài việc chú ý đến các dấu hiệu cơ thể, tốt nhất bà con nên tiến hành thăm khám định kỳ, đồng thời xây dựng lối sinh hoạt khoa học và lành mạnh, nâng cao sức đề kháng cơ thể. Cần lưu ý trong quá trình trị bệnh phải luôn tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!