Viêm Đa Khớp
Gần đây, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của người bệnh về viêm đa khớp. Nhắc đến bệnh này, hầu hết mọi người thường nghĩ chỉ người già, người trung niên mới mắc phải. Nhưng thực tế thì ngay cả thanh niên trẻ cũng bị, thế mới thấy mức độ phổ biến, nguy hiểm của bệnh. Đó là lý do ngay từ bây giờ bà con nên nắm rõ đâu là nguyên nhân, triệu chứng bệnh để phòng ngừa hoặc chữa trị một cách sớm nhất.
Bệnh viêm đa khớp là gì?
Nhiều người bệnh nhầm tưởng rằng viêm đa khớp là tên một loại viêm khớp thông thường, nhưng không phải như thế. Nói để bà con dễ hiểu, viêm đa khớp là tình trạng bệnh xương khớp, tình trạng này xảy đến khi xuất hiện ít nhất 5 khớp bị tổn thương hay thoái hóa. Nếu hiểu theo khái niệm này, bà con có thể phân biệt được bệnh viêm đa khớp (viêm nhiều khớp ở các vị trí khác nhau cùng lúc) và viêm khớp bình thường (viêm khớp ở 1 vị trí trong hệ xương khớp).
Bởi tình trạng viêm xảy ra trên nhiều khớp cùng 1 lúc nên người bệnh sẽ cảm thấy đau, sưng khớp, gặp khó khăn khi cử động hoặc bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Trong quá trình công tác khám chữa cho nhiều bệnh nhân, kết hợp cùng tài liệu y khoa đã tìm hiểu, tôi thấy bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường xảy ra ở những vị trí có khớp nhỏ như ngón tay, bàn tay, khớp khuỷu, khớp đầu gối, bàn tay,…
Bệnh viêm đa khớp có thể gặp ở bất kỳ ai, người già hay trẻ, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên, tôi thấy phần lớn bệnh thường tập trung ở người trung niên, người già và đa phần nữ giới mắc nhiều hơn. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, tôi sẽ giải thích kỹ hơn trong phần tiếp theo.
Xem Thêm: Viêm Khớp Dạng Thấp (RA): Dấu Hiệu, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Nguyên nhân bệnh viêm đa khớp cần biết
Có nhiều căn nguyên gây nên bệnh viêm đa khớp, chủ yếu được chia thành 2 nhóm sau:
Nguyên nhân bệnh lý
- Bệnh viêm khớp không đối xứng (bệnh gout, bệnh viêm khớp gây nên do vảy nến)
- Người bị nhiễm trùng do virus cũng có khả năng mắc viêm đa khớp: Một số loại virus làm tăng khả năng mắc bệnh như parvovirus, quai bị, virus viêm gan, bệnh sởi, bệnh HIV, virus ross river do muỗi gây nên.
- Mắc một số bệnh chuyển hóa như suy gan hay suy thận
- Người bị thoái hóa cấu trúc, điển hình như thoái hóa xương khớp
- Mắc viêm đa khớp do nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng như bệnh lyme, lao, bệnh well, bệnh whipple…
- Người bệnh có tiền sử mắc bệnh viêm mạch máu hoặc một số bệnh viêm khớp tế bào, gây cản trở đến quá trình lưu thông máu ở mạch.
- Bệnh về nội tiết
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Một số tài liệu cho thấy hơn 70&% bệnh nhân viêm đa khớp đều có hệ miễn dịch yếu. Từ đây có thể kết luận rằng những người có hệ miễn dịch suy giảm dễ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
- Yếu tố di truyền: Đây cũng là một trong những nguyên nhân viêm đa khớp bà con không nên làm ngơ. Nếu trong gia đình bạn có bố mẹ mắc viêm đa khớp thì khả năng cao con cái cũng có nguy cơ bị bệnh.
Nguyên nhân sinh lý
Về nhóm nguyên nhân này, các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh như:
- Giới tính: Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn so với nam giới (tỷ lệ người bệnh là nữ giới chiếm 70-80%)
- Tuổi tác: Bệnh phần lớn gặp ở người cao tuổi
- Thói quen sinh hoạt: Những thói quen sinh hoạt không lành mạnh như uống rượu bia, thuốc lá, lười vận động,… có thể khiến mọi người mắc bệnh.
- Môi trường sống và làm việc: Người thường xuyên làm việc trong môi trường khắc nghiệt, làm việc nặng, bê vác, ngồi nhiều… cũng có thể dẫn đến viêm đa khớp.
Triệu chứng bệnh viêm đa khớp không nên bỏ qua
Có một điều tôi nhận thấy ở rất nhiều người bệnh viêm đa khớp là thường phát hiện bệnh khi đã trong giai đoạn chuyển biến nặng. Nguyên do của vấn đề này cũng có thể bởi dấu hiệu ban đầu khó phát hiện, viêm đa khớp cứ chuyển biến từ từ, âm thầm khiến bà con mình khó nhận ra.
Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp rõ ràng đã biết có dấu hiệu bất thường nhưng lại thản nhiên phớt lờ. Thú thực, thân là lương y, tôi khuyên chân thành bà con nên quan tâm đến sức khỏe của mình, để ý ngay từ những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Để giúp mọi người phát hiện bệnh sớm, tôi sẽ chỉ ra một số dấu hiệu bệnh viêm đa khớp điển hình nhất:
- Cảm giác đau khớp: Có thể nói rằng, đây là đặc điểm điển hình nhất của các bệnh nhân viêm đa khớp. Mọi người thường cảm thấy đau ở khớp chân, khớp ngón tay, bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, phần cột sống,…đau âm ỉ kéo dài về đêm hoặc rạng sáng. Vị trí của các cơn đau có thể khác nhau nhưng đều ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
- Cứng khớp: Bệnh nhân bị viêm đa khớp thường gặp phải trạng thái cứng khớp, khó vận động ở các khớp như khó duỗi chân, co người, gập gối thấy đau hay đơn giản cảm thấy khó khăn khi nắm chặt tay. Hiện tượng này khiến cho bệnh nhân mất đi sự dẻo dai vốn có, vận động trở nên khó khăn hơn.
- Khớp kêu lục khục khi cử động: Khi mọi người hoạt động hoặc chỉ cử động nhẹ mà nghe thấy tiếng lạo xạo trong các khớp cũng có thể là một cảnh báo của bệnh. Đồng thời, người bị viêm đa khớp cũng có thể cảm nhận được sự cọ xát giữa các khớp do suy giảm lớp dịch sụn khớp gây nên.
- Hiện tượng nóng da: Dấu hiệu nóng ở các vùng da có khớp bị tổn thương cũng là điều bà con đừng nên thờ ơ. Hiện tượng nóng da hơn những vị trí khác có thể do phản ứng viêm khớp gây nên.
- Tình trạng đỏ da: Ở một số vị trí bị viêm, đặc biệt là phần ngón tay, đầu gối, các ngón chân,… có thể bị đỏ ửng lên do bị viêm.
Ngoài những dấu hiệu kể trên, người bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, người nổi mẩn ngứa, suy nhược cơ thể, cảm thấy khó ngủ,… Tuy nhiên, những biểu hiện này không thường xuyên và không phải ai cũng gặp phải.
Bệnh viêm đa khớp có nguy hiểm không?
Viêm đa khớp là tình trạng nhiều khớp cùng tổn thương một lúc, về bản chất, đây là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh sẽ càng nguy hiểm hơn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến các biến chứng khó lường như:
- Khớp biến dạng: Tình trạng này tôi thường gặp ở bệnh nhân viêm đa khớp lâu ngày (khoảng 90% người bệnh). Hiện tượng biến dạng khớp khiến cho họ cảm thấy cứng khớp, khó cử động.
- Gây tổn thương lên các dây thần kinh ngoại biên: Bệnh viêm đa khớp có thể ức chế quá trình dẫn truyền dây thần kinh từ não đến các bộ phận khác trong cơ thể, do đó dây nên những tổn thương ở các dây thần kinh vùng ngoại biên.
- Nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch: Những người có tiền sử bệnh viêm đa khớp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 4 lần so với những người bình thường. Một số tài liệu chỉ ra rằng có khoảng 30% bệnh nhân viêm đa khớp gặp phải các biến chứng về bệnh tim mạch và khoảng 50% trong số họ có nguy cơ tử vong.
- Nguy cơ ung thư xương: Nhiều bà con khi nghe tôi nhắc đến 2 chữ ung thư cứ bảo tôi nói quá lên nhưng thực tế, đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm đa khớp không thể không nhắc đến. Việc phát hiện ung thư xương ở những bệnh nhân viêm đa xương tương đối khó khăn, khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng và khả năng tử vong cao.
- Nguy cơ tàn phế: Viêm đa khớp lâu ngày không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến liệt cơ khiến người bệnh không thể vận động được. Minh chứng thực tế là có khoảng 10 – 15% bệnh nhân viêm đa khớp đã gặp phải tình trạng trên khiến cho cuộc sống của họ gặp khó khăn.
Có thể thấy, bệnh viêm đa khớp dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Vậy làm sao để bà con có thể phát hiện bệnh sớm?
Chẩn đoán bệnh viêm đa khớp
Khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, tôi khuyên mọi người nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh viêm đa khớp. Một số phương pháp chẩn đoán thường được bác sĩ chuyên khoa áp dụng như:
- Thăm khám lâm sàng: Việc khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở khớp như khớp có sưng tấy không, có đỏ không, có thấy tê mỏi hay đau nhức không. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể hỏi bà con các vấn đề về gia đình, sức khỏe, tiền sử bệnh lý, chế độ ăn uống sinh hoạt… để chẩn đoán bệnh tốt hơn.
- Thực hiện xét nghiệm: Một số xét nghiệm có thể được chỉ định thực hiện giúp phân tích dịch cơ thể như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp hay xét nghiệm nước tiểu,..
- Chụp x – quang: Giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương ở xương
- Chụp MRI (cộng hưởng từ): Kiểm tra các phần như mô mềm, gân, sụn, dây chằng,…
- Nội soi: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nội soi khớp để xác định những tổn thương ở ổ khớp.
Những phương pháp điều trị viêm đa khớp hiệu quả
Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, nước ta có nhiều phương pháp chữa viêm đa khớp hiệu quả. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và sức khỏe, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra liệu trình và phương pháp phù hợp nhất cho người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp chữa bệnh phổ biến nhất, bà con có thể tham khảo:
Thuốc tây điều trị viêm đa khớp
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh viêm đa khớp:
- Các loại thuốc giảm đau: Một số loại thuốc thường dùng như acetaminophen, oxycodone, hay tramadol hydrocodone,…
- Thuốc kích thích: Người bệnh có thể sử dụng những loại dầu bôi, kem, thuốc mỡ hay tinh dầu hỗ trợ điều trị bệnh như tinh dầu bạc hà, capsaicin, thành phần làm nóng.
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid: Các loại thuốc thường dùng cho tác dụng giảm đau, chống viêm như aspirin, naproxen, hay ibuprofen…
- Thuốc ức chế hệ miễn dịch: Những loại thuốc như methotrexate hay hydroxychlorquine… có tác dụng làm chậm quá trình tấn công khớp từ hệ thống miễn dịch.
- Nhóm thuốc Corticosteroid: Gồm những loại thuốc như cortisone hay prednisone…
Phẫu thuật điều trị viêm đa khớp
Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật nếu trường hợp tổn thương nặng, khả năng ảnh hưởng đến các bộ phận khác cao. Ngoài ra, một số trường hợp bà con điều trị bằng thuốc không hiệu quả cũng có thể tính đến phương án này. Các phương pháp phẫu thuật thường áp dụng như:
- Phẫu thuật loại bỏ màng hoạt dịch: Phẫu thuật này nhằm cắt bỏ phần hoạt dịch bị sưng tấy do viêm đa khớp gây nên, thường xảy ra ở các phần đặc biệt như cổ tay, ngón tay hay bàn tay.
- Phẫu thuật thay thế khớp: Loại phẫu thuật này được chỉ định thực hiện loại bỏ phần khớp bị tổn thương mà không thể hồi phục bằng một khớp nhân tạo.
- Phẫu thuật hợp nhất khớp: Thông thường, phẫu thuật hợp nhất khớp thường thực hiện ở những vị trí khớp nhỏ như cổ tay, ngón tay, mắt cá chân,… bằng cách loại bỏ các đầu xương ở trong ổ khớp, sau đó kết nối với nhau để 2 đầu xương lành lại như một khối bình thường.
Các biện pháp phẫu thuật viêm đa khớp kể trên không mang lại tác dụng điều trị triệt để bệnh nhưng có thể khắc phục được những di chứng và hồi phục chức năng của khớp. Theo các chuyên gia, người bệnh sau khi phẫu thuật vẫn có khả năng tái phát bệnh bởi hiệu quả phẫu thuật không được kéo dài.
Ngoài ra, theo tôi tìm hiểu, những kỹ thuật phẫu thuật kể trên cũng tồn tại nhiều rủi ro trong khi phẫu thuật và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật. Bởi thế, mọi người chỉ nên lựa chọn phương án này khi thực sự cần thiết và nên cân nhắc, tham khảo kỹ ý kiến chuyên gia, bác sĩ chuyên môn.
Mẹo dân gian chữa viêm đa khớp tại nhà
Cách chữa bệnh bằng mẹo dân gian tại nhà cũng được nhiều người áp dụng, đặc biệt là bà con ở vùng nông thôn. Một phần, tôi biết mọi người có tâm lý ngại đi bệnh viện thăm khám, phần vì cây thuốc quanh nhà có nhiều, cứ ra sau vườn hái một ít là có ngay bài thuốc dân gian chữa bệnh viêm đa khớp.
Tôi xin đưa ra một số bài thuốc dân gian hỗ trợ người bệnh chữa viêm đa khớp phổ biến nhất hiện nay, mọi người có thể áp dụng thử:
- Xương rồng: Hơ nóng bẹ xương rồng rồi áp lên vùng xương bị đau cho đến khi nguội thì tiếp tục đổi bẹ khác đã hơ nóng. Áp dụng cách làm này liên tục từ 1 – 2 tuần.
- Cà tím: Nấu nước cà tím rồi lấy uống hàng ngày thay nước lọc.
- Ngải cứu: Rang ngải cứu cùng muối trắng rồi cho vào khăn hoặc túi chườm vải, lăn trên vùng xương khớp bị tổn thương để giảm đau. Người bệnh có thể xay nước ngải cứu, thêm ít đường rồi uống hàng ngày thay nước lọc.
- Lá lốt: Lá lốt cũng có thể sử dụng sao nóng rồi chườm tương tự như cách làm với cây ngải cứu.
- Có xước: Phơi khô cây cỏ xước rồi đun sắc uống hàng ngày, duy trì đều đặn để đạt được hiệu quả tốt.
- Dây đau xương: Phơi khô dây đau xương, rửa sạch rồi đun sắc với nước lã. Người bệnh uống hàng ngày thay nước trà.
- Trinh nữ: Lấy khoảng 30g rễ cây trinh nữ đem rửa sạch, thái lát rồi trộn cùng với rượu, sau đó đun sắc với 400ml nước. Nếu phần dược liệu hơi nhiều, mọi người có thể nấu thành cao để pha vào rượu và sử dụng dần.
Việc sử dụng những cây lá có sẵn trong vườn nhà để chữa bệnh vừa an toàn, tiết kiệm, lại giúp bà con tránh được những tác dụng phụ khi dùng thuốc tây y. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, tôi thấy rằng, những mẹo dân gian này thường chỉ có hiệu quả khi bệnh ở thể nhẹ, chứ viêm đa khớp mãn tính rồi thì cũng bất lực, người bệnh cũng cần áp dụng kiên trì mới thấy hiệu quả.
Ngoài ra, điều làm tôi trăn trở nữa là nhiều bà con tự bào chế thuốc chữa bệnh, cứ người nọ truyền tai người kia, rồi mỗi người “chế” một cách, đôi khi bà con mình còn thiếu kiến thức về dược liệu, “nghe chưa thấu, làm chưa tới” sinh ra thuốc không hiệu quả mà lại phản tác dụng. Vì thế, dù là cách gì thì cũng khuyên bà con tham khảo kỹ các chuyên gia, bác sĩ trước khi áp dụng.
Chữa viêm đa khớp bằng đông y
Trong đông y, chúng tôi quan niệm viêm đa khớp là bệnh thuộc chứng tý – có nghĩa là bí. Nói để bà con dễ hiểu là khí huyết, kinh mạch bị tắc, không lưu thông được, lâu ngày tích tụ gây nên sưng viêm, tế buốt hay đau nhức chân tay, khớp xương.
Đi từ đó, chúng tôi tập trung vào khai thông khí huyết, trừ thấp, khu phong, tán hàn, thông kinh lạc. Đồng thời, cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng và chức năng các tạng, hỗ trợ hệ xương khớp chắc khỏe.
Để hỗ trợ chữa bệnh xương khớp hiệu quả, các thầy thuốc đông y chú trọng sử dụng những thảo dược có khả năng khu phong, trừ hàn và khai thông khí huyết cao, điển hình như đương quy, phòng phong, kim ngân, hà thủ ô, quế chi, thục địa, ý dĩ, cam thảo… Mỗi bài thuốc đều được gia giảm thành phần, kết hợp nhuần nhuyễn để các vị thuốc phát huy tối đa dược tính thực vật, mang lại hiệu quả sâu từ bên trong cho bà con.
Nhìn chung, tôi đã cung cấp đến mọi người những thông tin cơ bản nhất về bệnh lý viêm đa khớp. Dù đã cố gắng thu thập nhiều tài liệu, cẩn thận biên soạn trong 2 ngày nhưng bài viết vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Một phần, cũng sợ rằng “ngốn” nhiều thời gian của bạn đọc nên các phần chuyên sâu hơn, tôi sẽ trình bày ở các bài viết sau.
Chào bác sĩ. Tôi muốn được tư vấn cho trường hợp viêm đa khớp đã bị biến chứng là biến dạng khớp khó hoạt đông?
Bệnh viêm đa khớp với bệnh thoái hoá đa khớp có giống nhau không mọi người? Tôi bị thoái hoá đa hớp không biết nhà thuốc Đỗ Minh Đường có chữa được không nhỉ?
Thưa bác sĩ, vừa rồi mẹ tôi lấy thuốc của bác sĩ cho mẹ tôi uống. Nhưng uống đến giờ đã sang đến tuần thứ 2 vẫn chưa thấy đỡ. Mấy ngày trước mẹ tôi còn bảo bị đau tăng hơn là sao ạ? Uống bao giờ thì mới đỡ được vậy ạ?
Nghe nói bác sĩ Đỗ Minh Tuấn còn có 1 cơ sở phòng khám ở Hồ Chí Minh nữa đúng không ạ?
Bệnh viêm đa khớp liệu có xảy ra ở người trẻ không bác sĩ? Con gái tôi năm nay mới có 15 tuổi mà cứ thỉnh thoảng cháu lại kêu nhức khớp tay khớp chân.
Cây xương rồng mà cũng chữa được bệnh xương khớp hả mọi người?