Nếu Không Làm Thầy Thuốc, Tuấn Tôi Sẽ Là Ai?

Từ thuở còn bé, Tuấn tôi đã thích ngồi nhìn bà cô của mình – Cố lương y Đỗ Thị Hiển, truyền nhân đời thứ 4 của dòng họ Đỗ Minh, bắt mạch, kê đơn. Bà làm thuốc rất mực cẩn trọng, đôi tay nhỏ nhắn nhưng vững vàng, từng ngón tay đặt lên mạch bệnh nhân như trò chuyện.
Tôi ngồi nhìn mà cứ thấy như có phép màu. Người ta đến trong lo lắng, mệt mỏi, có khi cả tuyệt vọng. Rồi rời đi với nụ cười nhẹ nhõm, ánh mắt biết ơn. Từ đó, nghề thầy thuốc đã đi vào trong tâm trí tôi như một điều hiển nhiên – không phải vì bị ép theo nghề, mà là vì thấy yêu nghề từ trong tâm can.
Tuấn tôi lớn lên cùng tiếng chày giã thuốc, cùng mùi thơm ngai ngái của thảo dược trong sân nhà, cùng những lời dặn dò của bà cô về cách làm nghề, cách giữ cái tâm. Với tôi, được chữa bệnh, cứu người, mang lại hy vọng sống – ấy là điều thiêng liêng.
Nhưng… tuổi trẻ không chỉ có một ước mơ. Nói thật, có một điều ít người biết: bên cạnh đam mê y học, tôi cũng từng rất yêu nghề luật sư. Không phải vì danh tiếng, cũng chẳng vì một viễn cảnh hào nhoáng nào, mà chỉ vì từ nhỏ tôi đã có một nỗi ám ảnh với sự bất công.
Khi tôi muốn làm luật sư – vì thương những điều oan ức
Tôi còn nhớ hồi lớp 6, có một người bạn cùng lớp bị vu oan ăn cắp đồ, bị bạn bè xa lánh, thầy cô răn đe, dù bạn ấy một mực nói mình không làm. Lúc ấy, tôi đã xung phong viết một “bản điều trần” dài gần ba trang giấy học trò để xin cô giáo xem xét lại.
Tôi nhờ các bạn viết xác nhận, dẫn chứng, phân tích sự việc rõ ràng từng chi tiết. Cuối cùng, sự thật được sáng tỏ. Bạn tôi được minh oan. Hôm đó, cô giáo nhìn tôi và nói: “Em mà làm luật sư, chắc cứu được nhiều người oan lắm.”
Từ hôm ấy, tôi có một suy nghĩ bộc phát: “Ước gì mình có thể bảo vệ những người như vậy – những người không có tiếng nói”. Tuấn tôi bắt đầu tò mò và hay chú ý hơn mỗi khi tivi chiếu những cảnh xử án, những bộ phim có luật sư. Chẳng hiểu sao, tôi lại thấy thích hình ảnh những người đứng trên bục tranh luận, tìm cách bảo vệ người bị oan
Và thế là, song song với đam mê nghề thuốc, trong tôi đã hình thành một khát khao khác: làm luật sư để bảo vệ sự thật và công lý. Tôi nhận ra, cả nghề y và nghề luật đều giống nhau ở một điểm: giúp con người thoát khỏi khổ đau – một bên là đau về thể xác, một bên là nỗi oan khuất về tinh thần.
Thi đỗ cả Học viện Y học cổ truyền và Đại học Luật – nhưng chỉ được chọn một
Năm thi đại học, Tuấn tôi quyết định nộp cả hai hồ sơ: Đại học Luật Hà Nội và Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. Thật may mắn – và cũng thật lắm đắn đo – vì tôi đỗ cả hai.
Một bên là mơ ước được tiếp tục gìn giữ nghề tổ, tiếp nối bà cô của mình, nối tiếp thế hệ đi trước làm nghề y, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, giúp người dân khỏe mạnh, không phụ thuộc thuốc tây, không lo tai biến vì hóa chất. Một bên là khát khao bước chân vào giảng đường luật, học để trở thành người bảo vệ công lý, mang tiếng nói cho những thân phận yếu thế.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, có những đêm thức trắng. Cả hai đều là đam mê thật sự. Cả hai đều cao quý. Lúc ấy, không ai ép tôi phải theo nghề của gia đình cả. Bố tôi chỉ hỏi một câu: Con muốn đi con đường nào mà khi quay đầu lại, con không hối tiếc?”
Và rồi, tôi chọn nghề thầy thuốc – không phải vì tôi bỏ giấc mơ làm luật sư, mà bởi tôi thấy nơi đây có thứ gắn chặt vào máu thịt mình từ thuở lọt lòng: những bài thuốc cổ truyền của gia đình, những thang thuốc cứu sống biết bao người, những cuốn sổ tay lấm lem ghi chép các phương thuốc bí truyền của cụ tổ để lại.
Chọn con đường đã được gieo mầm từ trước khi tôi kịp biết chữ
Nhiều người nghĩ rằng tôi chọn nghề y vì “truyền thống gia đình”. Đúng, nhưng không chỉ là truyền thống – mà là sự tự nguyện kế thừa, là tình yêu với thảo dược quê nhà, là niềm tin rằng y học cổ truyền Việt Nam có thể chữa lành hàng triệu người dân nếu được làm đúng, làm tâm huyết, làm có trách nhiệm.
Tôi luôn tự nhắc mình: đã mặc áo thầy thuốc thì phải sống đúng với cái tâm, cái đức của người cứu người. Phải thăm khám như người nhà, điều trị như chính người thân. Phải làm thuốc bằng đôi tay sạch và tấm lòng trong.
Những năm đầu hành nghề, tôi vất vả vô cùng – nhưng chưa bao giờ thấy mệt lòng. Ngày tôi đứng lên phục dựng lại những bài thuốc cổ của dòng họ Đỗ Minh, tôi đã mất hàng năm trời để nghiên cứu, hiệu chỉnh, thử nghiệm và lắng nghe phản hồi từ người bệnh.
Có những bài thuốc như Viêm xoang Đỗ Minh, Viêm họng – amidan Đỗ Minh, Mề đay Đỗ Minh… được người bệnh gọi là “cứu tinh” sau khi thuốc tây không còn tác dụng. Đó là hạnh phúc mà nếu tôi đi làm luật sư, có lẽ sẽ không bao giờ cảm nhận được theo cách này.
Nếu không làm thầy thuốc, Tuấn tôi đã là một người khác
Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi – một cách nghiêm túc, chứ không vu vơ – rằng: “Nếu không làm thầy thuốc, Tuấn tôi bây giờ sẽ là ai?”
Có lẽ tôi sẽ là một luật sư đang ngồi ở một văn phòng, cặm cụi chuẩn bị hồ sơ cho một phiên tòa. Có lẽ tôi sẽ là người đứng ở bục tranh luận, cố gắng lật lại từng chứng cứ để bảo vệ một người dân vô tội nào đó. Có thể, tôi cũng sẽ tìm được niềm vui trong những bản tuyên án công minh, thấy sự đúng đắn được khẳng định giữa xã hội đầy phức tạp này.
Tôi kể câu chuyện này không để ca ngợi nghề mình chọn. Tôi chỉ muốn chia sẻ với những ai đang loay hoay giữa nhiều ngã rẽ rằng: Đôi khi, bạn không cần chọn điều dễ nhất – hãy chọn điều khiến bạn cảm thấy ý nghĩa nhất.
Với tôi, cả y và luật đều là những con đường giúp đời. Nhưng cây thuốc đã đi vào máu mình. Cái tâm của nghề y đã được gieo từ trước khi tôi biết mình có đam mê gì. Nếu được chọn lại – tôi vẫn chọn làm thầy thuốc. Nếu tôi có hai cuộc đời, có thể tôi sẽ sống cả hai vai trò, vừa làm thầy thuốc vừa làm luật sư. Nhưng vì chỉ có một đời, tôi chọn y học cổ truyền. Và tôi không hối tiếc.
Mỗi ngày, nhìn thấy bệnh nhân khỏi bệnh, nghe những lời cảm ơn chân thành, tôi lại cảm nhận rõ ràng hơn về ý nghĩa sâu sắc của nghề này. Những khó khăn và thử thách chỉ là một phần của hành trình, nhưng niềm vui khi giúp đỡ người khác, khi nhìn thấy họ tìm lại được sức khỏe, chính là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục bước đi trên con đường này.
Tuấn tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để chăm sóc tốt cho sức khỏe bà con, phát triển cây thuốc Việt, bảo tồn và nâng cao giá trị bài thuốc nam truyền thống của gia đình. Tôi luôn mong muốn đưa những thang thuốc lành tính, hiệu quả của dân tộc mình vươn ra thế giới, để mọi người ở bất kỳ nơi đâu cũng được tiếp cận với y học cổ truyền Việt Nam, một kho tàng quý giá của dân tộc.
Hy vọng trên chặn đường tới, Tuấn tôi sẽ luôn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của bà con!
Đánh giá bài viết