Cây Thuốc Nam Chữa Bệnh Đau Nhức Xương Khớp 2024
Gần đây tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của người bệnh về việc sử dụng bài thuốc dân gian, cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp. Từ kiến thức và kinh nghiệm của mình trong ngành y cổ truyền, tôi xin mạn phép chia sẻ một số điều cần chú ý khi áp dụng phương pháp điều trị này để người bệnh tiện tham khảo.
Cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp có tác dụng không?
Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy người dân Việt Nam có thói quen thế này: nếu bệnh tình không quá nguy cấp đến mức phải cấp cứu ngay hoặc biểu hiện bệnh không quá nặng thì sẽ tìm cách chữa tại nhà trước.
Thói quen chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Việt
Nhận định này đặc biệt phổ biến với các đầu bệnh như là đau xương khớp, bệnh nam khoa, bệnh ngoài da, bệnh mũi họng… Nếu không tự lên mạng tìm mua thuốc về dùng, thì cũng là tìm các bài thuốc dân gian từ những loại cây, cỏ dễ kiếm để tự đun sắc, chế biến theo. Ví dụ như đau họng thì dùng chanh mật ong, yếu sinh lý thì uống rượu ngâm ba kích, cá ngựa, nhung hươu… Đau xương khớp thì chữa bằng lá lốt, củ gừng, ngải cứu…
Với bệnh xương khớp, hiện nay có rất nhiều cách điều trị theo cả hướng y học hiện đại và y học cổ truyền. Trong đó việc sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh đau nhức xương khớp là điều phổ biến và được người dân áp dụng thường xuyên. Tôi từng thăm khám bệnh cho rất nhiều bệnh nhân bị viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm… Nhẩm tính sơ qua thì phải đến trên 70% người bệnh đã tự chữa tại nhà trước, không khỏi mới tính đến chuyện đi khám.
Có người hỏi tại sao dùng cây thuốc Nam chữa không khỏi trong khi rõ ràng mỗi vị thuốc đều có dược tính chữa bệnh? Lại có rất nhiều nguyên nhân mà tôi sẽ diễn giải cụ thể vào cuối bài viết. Nhưng nhìn chung có thể hiểu thế này: các bài thuốc dân gian chỉ chữa được bệnh ở mức độ nhẹ và tùy bệnh lý cụ thể mà thôi.
Tôi cũng xin khẳng định một điều rằng các cây thuốc Nam thực sự có công dụng trị bệnh. Đó là những vị thuốc từ cây trồng bản địa, quen thuộc với người dân ta. Chẳng thế mà bà con trong khu vực phía Nam thường gọi thuốc Nam là thuốc vườn bởi nhẽ các cây thuốc như vậy rất sẵn, có thể lấy ngay trong vườn nhà.
Nam dược trị Nam nhân
Ông tổ nghề y Việt Nam, cụ Hải Thượng Lãn Ông có câu: “Nam dược trị Nam nhân”. Nghĩa là: thuốc Nam dùng để chữa bệnh cho người Việt Nam. Nên dùng cây thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam. Như vậy quan niệm dùng cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp có thể nói là đúng ở một mức độ nhất định. Rất nhiều bài thuốc dân gian truyền miệng dù đã ra đời từ rất lâu, cách đây hàng trăm năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và thậm chí có nhiều điểm trội hơn so với y học hiện đại.
Trong điều trị đau nhức xương khớp bằng y học hiện đại, người ta thường sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như thuốc chứa Paracetamol, thuốc giảm đau chống viêm không chứa Steroid, thuốc nhóm Corticoid… Các nhóm thuốc này cho tác dụng giảm đau chống viêm nhanh chóng, nhưng lại mang các tác dụng phụ khôn lường đối với cơ thể, đặc biệt là gây hại chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa… Ngoài ra, chúng không có tác dụng sâu, không triệt tiêu được căn nguyên bệnh cũng như không phục hồi được xương khớp.
Mặt khác, cây thuốc Nam dù không cho hiệu quả ngay lập tức sau khi sử dụng nhưng lại lành tính, an toàn hơn bởi có thành phần thảo dược thiên nhiên, không ẩn chứa nguy cơ tác dụng phụ. Cách thực hiện lại khá đơn giản, có thể tự làm tại nhà theo nhiều hướng dẫn sẵn có trên mạng. Vì thế mà được nhiều người chuộng dùng.
Những cây thuốc nam chữa bệnh đau nhức xương khớp phổ biến nhất
Cây thuốc Nam có công dụng chữa bệnh thì cực nhiều, trong đó lại có không ít vị thuốc từ xa xưa đã được ông cha ta ứng dụng để chữa bệnh xương khớp. Như là: Ngải cứu, Cẩu tích, Hy thiêm, Cây mật gấu, Thổ phục linh, Châu trụ, Mã tiền, Vuốt hùm, Chìa vôi, Cỏ xước, Khoai tây, Chìa vôi, Dây đau xương, Cây xấu hổ, Lá lốt, Cây hàm ếch, Thiên niên kiện, Cây xá xị, Gừng, Đinh lăng, Cốt toái bổ, Cây sung, Cây vòi voi, Củ cốt khí, Độc hoạt, Náng hoa trắng, Trinh nữ hoàng cung, Trứng cuốc, Dây toàn, Cây dền, Gối hạc, Hoàng vân, Hồi, Kim sương, Long não, Mộc qua, Bướm bạc, Chay, Rung rúc, Cây giổi, Phòng kỷ, Tầm duột…
Vì thời gian có hạn, nên trong bài viết này tôi sẽ trình bày cụ thể về 5 cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp có dược tính cao, ít độc tính và dễ tìm.
Dây đau xương là cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp hiệu quả
Dây đau xương là tên tiếng Hán là khoan cân đằng (nghĩa là giúp cho xương cốt khỏe mạnh, thư giãn). Đây là cây thuốc có hiệu quả tiêu viêm, giảm đau, khu phong, trừ thấp, thư cân hoạt lạc, thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh xương khớp như phong thấp, tê bì chân tay, thấp khớp, mỏi gối, đau lưng, tê bại, bong gân, trật khớp…
Cách dùng:
- Rửa sạch thân cây dây đau xương, thái thành từng khúc, phơi khô
- Sau khi cây khô hẳn, cho vào bình thủy tinh
- Rót rượu trắng 45 độ vào bình theo tỷ lệ 5 rượu : 1 dây đau xương
- Đậy kín nắp, bảo quản nơi khô mát
- Ngâm rượu trong 7 ngày là có thể dùng
- Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ
- Sau 2 tuần, bài thuốc dân gian này sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt
Thổ phục linh khử phong thấp, lợi gân cốt
Cây thổ phục linh còn được gọi là củ kim cang hoặc củ khúc khắc. Đây là vị thuốc phổ biến trong cả Tây y và Đông y. Phần được dùng để chữa bệnh của cây thổ phục linh là củ rễ, có vị ngọt, nhạt, tính bình vào hai kinh can và vị. Cây thuốc Nam này thường được ứng dụng để khử phong thấp, chữa đau nhức xương khớp, lợi gân cốt… Cây mọc hoang khắp nơi nên rất dễ kiếm và phổ biến trong dân gian.
Cách dùng:
Thổ phục linh là cây thuốc nam chữa bệnh đau nhức xương khớp hiệu quả với nhiều cách sử dụng. Trong đó có một số đơn thuốc phổ biến là:
- Thổ phục linh 20 gram, cỏ nhọ nồi 16 gram, ngưu tất 12 gram, hy thiêm 16 gram, ngải cứu 12 gram, thương nhĩ tử 12 gram. Sắc uống hàng ngày, mỗi ngày một thang
- Thổ phục linh 20gram, lá lốt 12 gram, hy thiêm 12gram, ngưu tất 12gram. Sắc hàng ngày, mỗi ngày dùng một thang
- Thổ phục linh 20 gram, cây tổ rồng 10 gram, đương quy 8 gram, bạch chỉ 6 gram. Sắc với 1 lít nước, đem chia thành 3 phần tương ứng với 3 lần uống mỗi ngày
- Thổ phục linh 20 gram, thiên niên kiện 8 gram, tang chi 10 gram, lá lốt 8 gram, cốt toái bổ 10 gram, hà thủ ô 12 gram, đinh lăng 12 gram, trần bì 6 gram, bạch chỉ 6 gram. Sắc với 750ml nước, đun còn 250ml thì chia làm 2 phần tương ứng 2 lần uống trước bữa ăn
Lá lốt trừ chữa đau nhức xương khớp
Lá lốt không chỉ có công dụng để làm món ăn mà còn có thể làm thuốc chữa đau nhức xương khớp, thấp khớp do có các hoạt chất chống oxy hóa, giúp tán hàn, ông trung, hạ khí, chỉ thống, giảm đau, khử viêm. Cây lá lốt rất phổ biến và có thể thu hái quanh năm, cả lá và rễ đều có thể dùng để chữa bệnh.
Cách dùng:
- Chữa đau nhức tay chân: lá lốt, rễ vòi voi, cỏ xước, rễ bưởi bung đem thái nhỏ, sao vàng. Mỗi vị 15 gram, sắc với 600 ml nước cô đặc còn 200 ml thì dừng, chia làm ba lần dùng trong ngày.
- Chữa đau khớp: lá lốt khô 5-10 gram hoặc lá lốt tươi 15-30 gram. Đem sắc cùng 400 ml nước, cô đặc còn 200 ml. Dùng uống sau mỗi bữa tối, làm ngày nào hết ngày đó, không để lưu cữu qua đêm.
- Chữa đau lưng: Rễ lá lốt 200 gram rửa sạch, cho vào bình thủy tinh ngâm với 1,5 lít rượu gạo. Đậy kín nắp, ngâm trong 1 tháng. Rượu này dùng để thoa lên vùng thắt lưng, dọc cột sống bị đau nhức. Nhớ bóp nhẹ nhàng cho rượu thuốc ngấm sâu. Cách này không áp dụng với người có da mỏng, nhạy cảm hoặc có vết loét.
Ngải cứu trừ hàn thấp, giảm đau nhức xương khớp
Cây ngải cứu có vị đắng, tính ấm, được dùng để chữa rất nhiều bệnh do tác dụng điều hòa khí huyết, chống viêm, kháng khuẩn, giảm đau nhức, trừ hàn thấp… Có rất nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh đau nhức xương khớp từ ngải cứu.
Cách dùng:
- Ngải cứu 300 gram, mật ong 2 thìa canh. Rửa sạch ngải cứu, giã nát, vắt lọc lấy nước cốt trộn cùng 2 thìa mật ong, chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Ngải cứu và muối hạt đem trộn chung rồi rang nóng, bọc vào miếng vải sạch, chườm lên vùng bị đau. Khi ngải cứu nguội, đem rang lại cho nóng và chườm tiếp, có thể làm liên tục 2-3 lần.
Đinh lăng – cây thuốc nam chữa bệnh đau nhức xương khớp dễ tìm
Cây đinh lăng còn được mệnh danh là nhân sâm Việt Nam. Trong Đông y, đinh lăng có tính mát, tính bình cao, đặc biệt cây đinh lăng rất tốt trong chữa bệnh xương khớp, chứng thoái hóa như thoái hóa đốt sống lưng, thoái hóa đốt sống cổ, chữa đau lưng mỏi gối, phong thấp…
Cách dùng:
- Chữa đau lưng mỏi gối: Thân cành cây đinh lăng 30 gram, cúc tần, cam thảo, cây xấu hổ mỗi vị 10 gram. Rửa sạch nguyên liệu, sao vàng sau đó sắc với 600 ml nước. Đun đến khi còn 200 ml thì chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa thoái hóa xương khớp: Rễ đinh lăng 30 gram rửa sạch, sao vàng, đun cùng 2 lít nước cho đến khi cạn còn 1 lít thì lọc bỏ bã. Dùng uống trong ngày.
Lưu ý khi dùng cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp
Không thể phủ nhận việc dùng cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp là biện pháp an toàn, tiết kiệm cho người bệnh. Nhưng cách này cũng có rất nhiều điểm hạn chế như tôi đã đề cập ở trên. Xin làm rõ vấn đề này:
Sử dụng cây thuốc Nam chữa bệnh đau nhức xương khớp cần lưu ý gì?
Cây thuốc Nam có chứa những hoạt chất với dược tính trị liệu cao, nhưng lại thường có tính tan kém, độ bền vững không cao, hấp thụ không hiệu quả qua đường uống hoặc bôi. Bởi vậy nên bài thuốc dân gian thường có thời gian tác dụng chậm, đòi hỏi người bệnh phải nhất tâm kiên trì.
Hơn nữa, thuốc dân gian chỉ phù hợp với bệnh ở mức độ nhẹ, cơn đau không nghiêm trọng, còn khi bệnh đã nặng thì sẽ không ăn thua gì nữa. Chưa kể đến việc so với thuốc Tây thì rõ ràng các bài thuốc dân gian khó lòng mà cạnh tranh được về độ tiện lợi vì mất thời gian, công sức chế biến.
Một vấn đề quan trọng hơn nữa: quả thực những cây thuốc Nam kể trên có hiệu quả trị bệnh. Nhưng việc làm sao để sử dụng chúng cho hiệu quả, đảm bảo dược tính thì cần rất nhiều công phu, những người không có kiến thức về y lý, y trị thì khó lòng đảm bảo được các yếu tố đó.
Chất lượng cây thuốc Nam để trị bệnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ví dụ như mùa vụ, thời điểm thu hái. Cần phân biệt đúng bộ phận nào của cây có thể dùng, bộ phận nào thì không vì có thể chứa độc tính. Chẳng hạn như cây thầu dầu, dầu thầu dầu có tác dụng tăng cường miễn dịch, cải thiện tiêu hóa nhưng hạt thầu dầu ăn vào sẽ gây ngộ độc. Khâu chế biến lại càng quan trọng hơn. Cách sao thuốc, cách bào chế có ảnh hưởng rất lớn đến dược tính. Ví dụ như hy thiêm dùng tươi thì gây nôn mửa, nhưng dùng khô lại cho hiệu quả chữa đau nhức.
Chính vì những lẽ trên mà nhiều người dân tự làm thuốc theo công thức dân gian với độc một vị thuốc Nam hoặc chỉ một vài vị đơn lẻ, kết hợp chưa chuẩn sẽ không cho hiệu quả như mong muốn. Vậy nên vai trò của thầy thuốc là rất quan trọng. Bệnh nào cũng vậy, không cứ đau nhức xương khớp, muốn trị được bệnh, phải nắm trong lòng bàn tay dược tính, độc tính, cách phối ngẫu, cách bào chế thuốc sao cho phát huy công dụng cao nhất để đem đến lợi ích sức khỏe cho người bệnh.
Phương Pháp chữa khác
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!