Trẻ Sổ Mũi Lâu Ngày Không Khỏi: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Sổ mũi, nghẹt mũi ở trẻ nhỏ là hiện tượng thường gặp và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi sẽ khiến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng. Bài viết dưới đây sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và các phương pháp điều trị sao cho an toàn và hiệu quả.
Trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi là hiện tượng gì?
Trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi là hiện tượng trẻ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi trong thời gian dài mà không thấy bệnh cải thiện. Sổ mũi là phản ứng cho thấy đường hô hấp trên của trẻ đang bị viêm nhiễm. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn, virus, bụi bẩn, thời tiết,… khiến trẻ bị sổ mũi kéo dài không khỏi.
Đối với người lớn, tình trạng này sẽ không quá đáng ngại. Tuy nhiên hệ miễn dịch của trẻ con non yếu, nếu để bệnh kéo dài sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập. Vì vậy khi thấy trẻ có hiện tượng sổ mũi kéo dài trên 3 ngày, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi lâu ngày không khỏi
Dưới đây là những nguyên nhân khiến bé bị chảy nước mũi lâu ngày không khỏi:
Trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi do cảm lạnh
Cảm lạnh là căn bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Trẻ bị cảm lạnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như chảy nước mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục, sốt, quấy khóc, bỏ bữa… Bệnh cảm lạnh ở trẻ sẽ được thuyên giảm sau 3-5 ngày nếu được chăm sóc điều trị tốt. Tuy nhiên nếu cha mẹ lơ là trong việc điều trị thì trẻ sẽ phải đối mặt với các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa….
Do cảm cúm
Cảm cúm cũng có những triệu chứng giống cảm lạnh. Bệnh hình thành do virus cúm gây ra. Khi bị nhiễm bệnh trẻ sẽ có các triệu chứng như ngạt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi kéo dài, ho có đờm, ho khan, sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa…. Nếu tình trạng này diễn ra trong nhiều ngày thì cha mẹ cần nhanh chóng đến trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị đúng cách.
Trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi do dị ứng
Trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi có thể là do tiếp xúc quá nhiều với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, lông thú nuôi trong nhà. Lúc này trẻ sẽ có những biểu hiện như sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, ho, ngứa ở mắt…. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ nên loại bỏ các tác nhân gây bệnh trong khu vực sinh hoạt của trẻ, đồng thời cho trẻ đi khám bác sĩ để được dùng thuốc phù hợp.
Nghẹt mũi sơ sinh
Ngạt mũi sơ sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé sổ mũi lâu ngày không khỏi. Hiện tượng này là do dịch nhầy từ bào thai không được hút ra ngoài dẫn đến tình trạng nghẹt mũi sơ sinh. Đây không phải là tình trạng nguy hiểm vì dịch nhầy có thể tự đào thải ra ngoài. Nếu sau một thời gian bệnh vẫn không được cải thiện, mẹ có thể đưa bé đến để nhờ bác sĩ vệ sinh mũi. Chỉ cần lấy dịch nhầy ra và vệ sinh sạch sẽ thì tình trạng sổ mũi lâu ngày sẽ được thuyên giảm.
Viêm xoang cấp tính
Trẻ bị viêm xoang cấp tính sẽ có hiện tượng bị chảy nước mũi màu vàng xanh, niêm mạc bị sưng đỏ. Ngoài ra trẻ còn kèm theo các triệu chứng khác như đau đầu, mệt mỏi, khó thở, ho, chảy nước mắt. Bệnh sẽ có xu hướng trở nặng hơn khi thời tiết thay đổi hoặc không khí bị ô nhiễm.
Polyp mũi
Polyp mũi là hiện tượng trong mũi có khối u lành tính. Mặc dù đây không phải là bệnh ung thư như các khối polyp lại gây chèn ép đường thở, khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng như: Lệch vách ngăn mũi, hơi thở ngắn, dị tật bẩm sinh, oxy lên não kém dễ gây đột quỵ.
Lạm dụng thuốc xịt mũi
Nhiều cha mẹ có xu hướng cho trẻ dùng thuốc xịt mũi khi trẻ bị nghẹt mũi. Tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc quá mức sẽ khiến bệnh không những không được cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Bé sổ mũi lâu ngày do viêm VA
Trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi có thể là do bệnh viêm VA gây ra. Bệnh xuất hiện do vi khuẩn và virus có trong không khí xập nhập vào đường thở. Nếu không có biện pháp cải thiện chất lượng không khí, trẻ sẽ gặp phải các bệnh nghiêm trọng hơn như: Viêm phổi, tim mạch, ung thư, đột quỵ.
Dấu hiệu trẻ bị sổ mũi lâu ngày
Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị bệnh sẽ giúp cha mẹ đưa ra được những phương án điều trị kịp thời.
- Giai đoạn đầu: Trẻ sẽ có các dấu hiệu như hắt hơi nhiều, sốt nhẹ, nóng rát và khô mũi.
- Giai đoạn 2: Các triệu chứng của trẻ đã rõ ràng hơn. Khi đó trẻ sẽ có các biểu hiện như: Hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mệt mỏi, ăn ngủ kém, sốt cao, môi khô, mạch đập nhanh.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn nghiêm trọng, lúc này dịch mũi đã chuyển sang màu xanh vàng, đặc sệt khiến trẻ cảm thấy khó thở, tắc mũi, ăn ngủ kém và quấy khóc.
Trẻ bị sổ mũi trong thời gian dài có nguy hiểm không?
Trẻ bị sổ mũi kéo dài có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là gì. Tuy nhiên dưới đây là những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này đối với sức khỏe của trẻ:
- Việc bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trong thời gian dài cũng sẽ làm trẻ cảm thấy khó thở, mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Khi dịch mũi chảy xuống cổ họng liên tục có thể gây ho, buồn nôn, làm tăng nguy cơ bội nhiễm cho trẻ.
- Khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ sẽ phải chuyển sang thở bằng miệng, điều này có thể ảnh hưởng sức khỏe răng miệng, cấu trúc hàm mặt và sức khỏe tổng thể.
- Thính giác của trẻ sẽ bị tác động tiêu cực, gây viêm tai giữa. Bởi vì tai có liên quan đến vùng mũi và họng.
- Vì vậy, khi trẻ bị sổ mũi kéo dài, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm và chăm sóc cẩn thận. Nên đưa trẻ đến đi khám bác sĩ để được điều trị đúng cách và kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
Mặc dù đa phần các triệu chứng sổ mũi ở trẻ đều không quá nghiêm trọng. Bệnh sẽ được cải thiện sau vài ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường dưới đây, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra:
- Trẻ bị sổ mũi kéo dài tới 2 tuần không khỏi.
- Trẻ bị sốt cao trên 38 độ C.
- Trẻ bị đau tai, ù tai, chảy mủ tai.
- Bé có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, tiết dịch màu vàng xanh.
- Trẻ ho kéo dài, ho có đờm đặc.
- Trẻ cảm thấy khó thở, tím tái ở môi và các đầu ngón tay.
- Chảy nước mũi màu vàng xanh trong nhiều ngày.
- Bé quấy khóc hơn bình thường.
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.
- Trẻ nôn mửa nhiều lần.
- Sắc tố da của trẻ thay đổi.
Chẩn đoán sổ mũi lâu ngày ở trẻ
Sổ mũi là triệu chứng phổ biến ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu thông qua việc thăm khám lâm sàng với các triệu chứng dễ nhận biết ở trẻ. Vì vậy những xét nghiệm thăm dò chẩn đoán đối với trường hợp bị cảm cúm, cảm lạnh thông thường là không cần thiết.
Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định khám cận lâm sàng nếu nghi ngờ trẻ bị sổ mũi do một bệnh lý cụ thể nào đó. Cụ thể như:
- Chụp CT scanner nếu nghi ngờ bệnh nhân bị viêm xoang xâm lấn.
- Chụp CT và MRI nếu nghi ngờ bệnh nhân bị chảy dịch não tủy, do kiểm tra dịch mũi phát hiện sự có mặt của chất β2-transferrin.
- Xét nghiệm dịch mũi nếu trẻ bị sổ mũi kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Việc xét nghiệm kiểm tra nhằm chẩn đoán xem người bệnh có đang bị các bệnh như ho gà, sởi, tinh hồng nhiệt, bạch hầu mũi,… hay không.
Điều trị tình trạng trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi
Có rất nhiều phương pháp giúp cải thiện tình trạng bé sổ mũi lâu ngày bao gồm việc dùng thuốc Tây y và áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà.
Điều trị bằng mẹo dân gian
Khi trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi cha mẹ có thể tham khảo sử dụng một số mẹo chữa bệnh sau:
- Dùng lá tía tô: Cha mẹ dùng 1 nắm lá tía tô, rửa sạch, giã lấy nước. Pha nước lá tía tô với một ít nước ấm để cho trẻ uống. Cách làm này giúp trẻ cải thiện các triệu chứng của bệnh cảm cúm, cảm lạnh như ho, sổ mũi, ngạt mũi, sốt,…
- Dùng lá hẹ: Chuẩn bị 1 ít lá hẹ, rửa sạch, cắt khúc, cho vào bát cùng với 2-3 thìa mật ong. Mẹ đem hấp cách thủy hoặc hấp cơm trong vòng 20 phút. Sau đó gạn lấy nước lá hẹ cho trẻ uống ngay khi còn ấm. Mỗi ngày thực hiện 2-3 lần cho đến khi tình trạng sổ mũi được khỏi hẳn.
- Dùng gừng tươi: Gừng tươi rửa sạch, thái lát mỏng, đem ngâm với mật ong. Mỗi ngày cho trẻ uống từ 2-3 lần, mỗi lần 1 muỗng nhỏ. Ngoài ra, mẹ có thể giã gừng, đun cùng với 1 lít nước để ngâm chân cho trẻ trước khi đi ngủ. Phương pháp này sẽ giúp làm ấm cơ thể trẻ và trị cảm lạnh hiệu quả.
- Dùng tinh dầu tràm: Các tinh chất trong tinh dầu tràm sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, ho có đờm. Mẹ chỉ cần thoa tinh dầu tràm vào khăn quàng cổ, lòng bàn chân và cổ tay của trẻ để giúp trẻ dễ thở.
Sử dụng thuốc Tây y
Khi trẻ bị sổ mũi lâu ngày không khỏi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về cho trẻ uống để tránh tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc hoặc gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng khác.
Một số loại thuốc được dùng nhiều trong điều trị sổ mũi cho trẻ như:
- Siro Decolgen United: Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch, có thành phần chính là Paracetamol, Phenylephrine hydrochloride và Chlorpheniramine maleate. Công dụng chính của thuốc đó là giúp điều trị cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
- Deslotid OPV: Thuốc được sản xuất dưới dạng dung dịch uống với thành phần chính là Desloratadine. Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, ngứa họng, ho, mẩn ngứa, nổi mề đay, chảy nước mắt nước mũi,… Deslotid OPV dùng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Siro Tiffy Thai Nakorn Patana: Thuốc có thành phần chính là Phenylephrin HCl, Paracetamol, Chlorpheniramine maleate, được bào chế dưới dạng siro, có vị ngọt, mùi cam dễ uống. Thuốc dùng cho trẻ trên 3 tuổi bị cảm cúm, cảm lạnh với các biểu hiện như chảy nước mũi, sổ mũi, hắt hơi, sốt, đau nhức cơ thể.
- Hapacol 150 Flu DHG: Thuốc được bào chế dưới dạng bột có tác dụng giúp cải thiện tình trạng sổ mũi, cảm cúm, sốt, đau đầu, chảy nước mũi, nghẹt mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Thuốc dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên với liều lượng theo chỉ định từ bác sĩ.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ
Một số phương pháp chăm sóc tại nhà đơn giản dưới đây sẽ giúp trẻ cải thiện được tình trạng sổ mũi lâu ngày không khỏi:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Nước muối có tác dụng kháng khuẩn và chống nhiễm trùng hiệu quả. Vì vậy cha mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ vào mũi của trẻ để vệ sinh mũi hàng ngày. Mỗi bên mũi mẹ nhỏ khoảng 3-4 giọt, thực hiện đều đặn từ 4-5 lần/ngày, bệnh tình của trẻ sẽ dần được thuyên giảm.
- Bổ sung chất lỏng: Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ, bạn hãy cho con bú nhiều hơn mức bình thường. Nếu trẻ đã cai sữa, hãy cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây, súp, canh, cháo,… Điều này sẽ giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi và giúp chúng dễ dàng bị đào thải ra ngoài.
- Kê cao đầu khi ngủ: Trẻ bị sổ mũi sẽ cảm thấy khó thở khi ngủ. Việc kê gối cao hơn sẽ giúp ngăn ngừa dịch nhầy chảy ngược vào hốc mũi đồng thời làm giảm tình trạng trẻ bị sổ mũi kéo dài do ứ đọng dịch nhầy. Từ đó giúp trẻ dễ thở và ngủ ngon hơn.
- Chườm khăn ấm: Chườm khăn ấm là phương pháp mà rất nhiều bậc phụ huynh nên dùng. Mẹ nên chuẩn bị 1 chiếc khăn sạch, nhúng nước nóng, vắt sạch nước và đắp lên vùng mũi của trẻ. Chú ý độ nóng vừa phải để không làm bỏng da trẻ. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng thêm biện pháp xông hơi và tắm nước nóng cho trẻ để làm giảm tình trạng sổ mũi lâu ngày.
Phòng ngừa sổ mũi kéo dài ở trẻ
Để phòng ngừa trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi, cha mẹ có thể tham khảo các cách sau:
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là phòng ngủ và khu vui chơi của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc, lông động vật, phấn hoa, mạt nhà,…
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, uống nhiều nước để giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại tác nhân gây bệnh.
- Vệ sinh vùng mũi và họng của trẻ bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đang trú ngụ trong vùng mũi họng.
- Giữ ấm cơ thể của trẻ khi trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ, mũi và miệng để phòng ngừa tình trạng cảm cúm, cảm lạnh.
- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài để tránh hít phải khói bụi, không khí ô nhiễm.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp, nếu phòng ngủ có điều hòa nên trang bị thêm máy tạo hơi nước để cân bằng độ ẩm trong không khí.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh lý về đường hô hấp.
- Hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để loại bỏ vi khuẩn gây hại bám dính trên tay.
- Cùng trẻ tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, khuyến khích trẻ tham gia các bộ môn thể thao như đạp xe, đá bóng, bơi lội,…
- Khi trẻ đã trên 6 tháng tuổi, cha mẹ hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tiêm vacxin ngừa cảm cúm.
Trên đây là những thông tin giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ sổ mũi lâu ngày không khỏi. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp phụ huynh có thêm được nhiều kiến thức hữu ích để biết cách xử lý khi trẻ bị bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên có những biện pháp phòng ngừa để giúp trẻ luôn khỏe mạnh.
Bài đọc thêm:
- Bé Sổ Mũi Có Tự Khỏi Được Không? Làm Thế Nào Để Cải Thiện?
- Sổ Mũi Ra Máu Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Điều Trị Thế Nào?
Review
Phương Pháp chữa khác
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!