“Lương y như từ mẫu” có còn đúng trong xã hội hiện đại?

Y đức thời hiện đại là câu chuyện đã được bàn luận đến rất nhiều. Nói nhiều nhưng vẫn chưa đủ, bởi vì nó vẫn luôn là vấn đề nhức nhối và gây tranh cãi với nhiều chiều kích khác nhau. Bản thân tôi thì thấy làm nghề gì cũng phải lấy đạo đức làm trọng, nhưng với ngành y, đạo đức lại càng là một tiêu chí phải đặt lên hàng đầu. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: ‘lương y như từ mẫu’.

Tại sao nói ‘lương y như từ mẫu’?

Suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, ông cha ta đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm có giá trị. Từ khoa học, văn học, nghệ thuật, cho đến các tri thức về y lý và y trị mà đến nay trở thành nền y học cổ truyền quý giá, vẫn được áp dụng trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Không chỉ có công tìm ra những bài thuốc quý, các phương cách trị bệnh của riêng người Việt Nam, các danh y trong lịch sử như cụ Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác  còn là những người đặt ra nền móng về quy tắc của người làm nghề y: tính mạng con người là trên hết, không phân biệt sang hèn. Mục đích của việc chữa bệnh là để cứu người, không để tư túi, mưu cầu danh lợi.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trách
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là tấm gương sáng về y đức

Thầy thuốc chúng tôi không ai không biết chín điều răn dạy của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Nói về y đức, có lẽ câu nói này của cụ đã đủ tóm gọn tất cả: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: Sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”

Quả như vậy. Nghề y gắn liền với sức khỏe và tính mạnh của con người. Có những căn bệnh nặng nhưng nếu được y bác sĩ can thiệp kịp thời, đúng lúc đúng chỗ, thì sẽ giữ được sự an toàn cho người bệnh. Ngược lại, chỉ một sai lầm nhỏ hoặc sự bất cẩn của người bác sĩ có thể khiến người bệnh nguy hiểm tính mạng. Vì ý nghĩa đặc biệt này, nghề y luôn có vị trí bất di bất dịch. Tôi dám khẳng định rằng khi nào còn con người, lúc đó nghề y vẫn còn quan trọng và còn cần thiết.

Càng quan trọng, ngành y lại càng cần phải được chi phối bởi những quan niệm đạo đức. Đạo đức trong ngành y được gọi là y đức. Khởi đầu từ những đạo luật, những điều răn, các điều giáo huấn từ những bậc danh y cho đến hệ thống quy ước rõ ràng trong luật pháp. Mà điều đáng ngạc nhiên là phần nhiều trong số đó không hề bị lỗi thời dù đã trải qua đến hàng ngàn năm. Chẳng hạn như cho đến nay, lời thề Hippocrate về việc giữ trọn đạo đức của người thầy thuốc với bệnh nhân vẫn còn được các sinh viên ngành y nằm lòng. 

Hầu như bệnh viện, cơ sở y tế nào bây giờ cũng treo khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”. Đây là danh hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu ái trao tặng, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ mà Người giao phó cho các cán bộ y tế như chúng tôi.

Lương y như từ mẫu

Câu nói này của Bác rất sâu sắc và đáng ngẫm. Trong đời, tình thương của mẹ dành cho con cái là vô thủy vô trung, không gì có thể so sánh được. Tương tự như vậy, tấm lòng tận tâm tận lực cứu chữa, “cãi số” để cứu bệnh nhân khỏi cảnh thập tử nhất sinh, nghìn cân treo sợi tóc của các y bác sĩ được so sánh với hình ảnh người mẹ tái sinh ra ra họ lần nữa.

Để xứng đáng với cái danh từ mẫu, người y bác sĩ phải có những phẩm chất đặc biệt. Không chỉ nằm ở kiến thức và kinh nghiệm chữa trị, cái đó đương nhiên là cần thiết nếu muốn làm nghề y. Nhưng còn là sự ân cần, cẩn trọng, chu đáo trong tiếp xúc, thăm khám, điều trị bệnh nhân. Ngoài ra còn là sự sẵn sàng xả thân, chịu khổ, quên mình để người bệnh được tròn tính mạng.

Tình thương của mẹ là vô điều kiện, thương không xót đứa con nào, không nhất bên trọng nhất bên khinh. Có nghĩa là với bậc lương y, luôn phải giữ cái tâm trong sáng, chí công vô tư, tuyệt đối không được có tư tưởng chọn người mà cứu, hám lợi danh mà phân biệt đối xử giàu nghèo.

Để thực hiện được những sứ mệnh cao cả đó, thì cần những đức tính tốt đẹp kèm theo để đảm bảo được sự vững vàng về tư tưởng và lập trường của bác sĩ: không có thái độ kẻ cả, quát nạt bệnh nhân, khiêm tốn với người bệnh và thân nhân của họ, sẵn sàng hợp tác cùng đồng nghiệp vì mục tiêu chung là sức khỏe người bệnh… Bởi vậy, nói “lương y như từ mẫu” là coi như đã nói được hết cái đáng quý, cái tình, vai trò và sứ mệnh to lớn của y bác sĩ. 

Y đức thời nay: Ngậm ngùi mà ngẫm…

Ngày nay, làm nghề gì cũng vậy, không có đạo đức thì khó lòng làm được đến nơi đến chốn. Nghề y cũng không ngoại lệ, và hơn nữa phẩm chất đạo đức trong nghề này lại càng cần phải được đề cao hơn bởi nó là công việc chữa bệnh cứu người. 

Tuy rất buồn nhưng tôi không thể phủ nhận thực tế là dù hầu hết các y bác sĩ đều rất tận tâm tận lực, thì hiện tại vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành y. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện do bệnh nhân khi đến khám tại Đỗ Minh Đường thuật lại. Trước đây nằm điều trị ở một bệnh viện lớn, chị rất bức xúc khi chứng kiến cảnh hộ lý quát nạt, la lối bệnh nhân và người nhà của họ nên đã lên tiếng bênh vực. Đáp lại, chị phải chịu thái độ vùng vằng, thao tác mạnh bạo khi đến lượt mình thay băng gạc.

Bản thân tôi thấy rất lạ và bức xúc khi nhiều anh chị tự cho mình cái quyền quát tháo, ăn nói trống không, thiếu tôn trọng với bệnh nhân và người nhà của họ. Hành vi của các anh chị trong hoàn cảnh như vậy rất thiếu đạo đức, thiếu tình người, không hề phù hợp với bối cảnh bệnh viện – là nơi được nhà nước đầu tư, xây dựng và trang bị nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hành vi nhận phong bì hối lộ là vi phạm y đức

Hành động vi phạm y đức mà nhiều người dễ thấy nhất có lẽ là nhũng nhiễu người bệnh, nhận phong bì “bồi dưỡng”, câu kết với hiệu thuốc để kê đơn thuốc nhập ngoại giá cao trong khi có thể dùng thuốc nội địa vẫn rất ổn. Khi đi khám, người nhà bệnh nhân truyền tai nhau về những “quy định ngầm” trong giao tiếp với đội ngũ y bác sĩ để người thân của mình được chăm sóc chu đáo, ân cần và nhẹ nhàng hơn.

Trong y học cổ truyền cũng có không ít trường hợp thiếu y đức. Tình trạng lang băm, lang vườn… không có tri thức, mù tịt về y lý, y trị vẫn đứng ra mở phòng khám, bốc thuốc, chẩn bệnh đang diễn ra phổ biến. 

Một số nơi xảy ra tình trạng hăm dọa bệnh nhân, tô vẽ triệu chứng bệnh cho thêm phần trầm trọng và bày ra viễn cảnh bệnh tật, biến chứng kinh dị để bắt người bệnh phải chi bộn tiền cho những thang thuốc, liệu pháp vô thưởng vô phạt. Có người cố tình kéo dài thời gian điều trị – điều mà người ta hay nói mỉa là bác sĩ … “nuôi bệnh”, khiến bệnh nhân tốn kém tiền của, công sức và thời gian – mà thời gian là cái cực kỳ quan trọng trong chữa trị vì bệnh càng để lâu càng thêm nặng.

Lang băm
Những “cụ” lang băm khiến danh tiếng của y học cổ truyền bị ảnh hưởng và gây ra hệ lụy cực lớn với sức khỏe người bệnh

Chưa hết, vấn đề dược liệu bẩn sử dụng trong các bài thuốc xảy ra tràn lan, khiến người bệnh mất đi sự tin tưởng với nền y học cổ truyền quý giá của người Việt. Đó là những thực trạng mà tôi, một bác sĩ y học cổ truyền không xa lạ gì và đang rất cố gắng tìm cách để khắc phục.

Tôi từng đọc một báo cáo cáo cho thấy những con số giật mình: 5,7% y bác sĩ thường xuyên vi phạm y đức, và càng ở tuyến cao thì con số này càng tăng. Cụ thể: ở tuyến huyện, tình trạng vi phạm y đức là 3%, với tuyến tỉnh là 6,7% và lên tới cấp trung ương thì con số này ở mức 7%. Đáng chú ý hơn, tệ nạn phong bì chủ yếu xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, khiến niềm tin của người dân vào y bác sĩ giảm sút nghiêm trọng.

Cần nói rõ, tôi hoàn toàn không phủ nhận rằng làm y bác sĩ cũng là một công việc đem lại thu nhập. Quan hệ của thầy thuốc và người bệnh không chỉ dừng lại ở quan hệ tình nghĩa bị ràng buộc bởi các quy tắc lý tính, mà còn là mối quan hệ giữa người bỏ công và người trả công. Y bác sĩ bỏ công sức để khám, chữa và chăm sóc người bệnh, như vậy họ có quyền hợp pháp nhận lại thù lao xứng đáng theo quy định của Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền. Nhưng thù lao đó như thế nào, cách nhận ra sao, có đúng với quy định hay không thì lại nằm ở câu chuyện y đức.

Theo tôi, hai nghề cần giữ vững lập trường đạo đức nhất không gì khác ngoài nghề y và nghề giáo bởi cả hai đều cần người làm nghề giữ được cái tâm trong sáng, không vụ lợi. Đạo đức của người giáo viên thể hiện qua cách đối xử công bằng, nhân từ với học trò. Với ngành y, nếu y đức vững, không có chuyện người nghèo bị phân biệt đối xử so với người giàu. Lại càng không có sự thay đổi thái độ rõ rệt giữa trước và sau nhận phong bì. 

Cần phải khẳng định: đưa và nhận phong bì trong môi trường khám chữa bệnh là hành động sai cả về đạo đức và pháp lý. Sau mỗi lần nhận phong bì, y bác sĩ sẽ hình thành thói quen vụ lợi, mê tiền tài, dần dần coi việc người nhà bệnh nhân biếu xén là đương nhiên và cảm thấy khó chịu với những ai không “tinh ý” hối lộ. 

Khắc phục thiếu sót về y đức, có khả thi không?

Để giữ trọn y đức, người thầy thuốc phải làm sao để giữ được bản lĩnh, gạt bỏ chấp niệm giàu – nghèo, tiền bạc, từ đó mà có sự hành xử công bằng, tránh thiên lệch. Hơn nữa, cái khó hơn là phải làm sao để tạo được sự kết nối giữa người thầy thuốc và người bệnh. Khi có bệnh phải khám chữa, tâm lý họ đã lo lắng, nên rất cần sự hỏi han, chấn an về mặt tinh thần. Người y bác sĩ nếu làm đúng chức phận nhưng thiếu đi nét ân cần, chẳng hạn như chỉ giao tiếp với bệnh nhân bằng những “câu lệnh” cụt ngủn, đưa thuốc xong hoặc tiêm xong thì lẳng lặng rút kim đi thẳng, không được một lời hỏi han, thì cũng không thể xứng với câu “lương y như từ mẫu”.

Đương nhiên tôi hiểu được sức ép mà những đồng nghiệp của mình phải chịu đựng. Nghề y là một nghề có cường độ lao động cao, đòi hỏi luôn phải tập trung, cân não. Trong khi đó, các bác sĩ lại thường xuyên phải túc trực đêm ngày, trong giờ nghỉ nhiều khi vẫn bị điều động đến bệnh viện tham gia những ca gấp.

Hơn nữa là sức ép ngày một lớn từ truyền thông và dư luận. Người nhà bệnh nhân sẵn sàng làm ầm lên, đưa lên mạng xã hội và vội vã quy chụp y bác sĩ thiếu lương tâm nghề nghiệp khi có vấn đề xảy ra không như mong muốn. Tính mạng và sự an nguy của con người là trên hết, nhưng có không ít trường hợp, các quyết định y khoa được đưa ra không thể chính xác tuyệt đối mà chỉ có tỷ lệ thành công lớn nhất, nghĩa là vẫn có nguy cơ rủi ro. Hiệu quả của một phương pháp điều trị phụ thuộc vào từng cá thể, vì vậy khó có thể kết luận bác sĩ đúng hay sai.

Các bác sĩ hỏi thăm bệnh nhân
Y bác sĩ cần sự thấu hiểu của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân để yên tâm công tác

Ngành y là một ngành rất khó, đòi hỏi có sự đầu tư và khổ luyện. Đây cũng là nghề được trọng vọng, nên điểm đầu vào các trường đại học y dược đều rất cao so với mặt bằng chung. Chương trình học nặng, chi phí học tập cao, thời gian học và thực tập đều rất dài, lại thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường độc hại (hóa chất, vi khuẩn, virus, bệnh phẩm…) và phải đối mặt với sự sống – cái chết, sự đau đớn của bệnh nhân và nỗi mất mát của người nhà họ. Tất cả những điều đó đòi hỏi y bác sĩ phải có tinh thần thép. Họ cần nhận được mức đãi ngộ xứng đáng cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Cũng như mọi ngành nghề khác, bác sĩ còn là một nghề để kiếm sống, vì vậy phải đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của khách hàng – ở đây là bệnh nhân. Mục đích tối cao của ngành y là chăm sóc sức khỏe cho mọi người, nếu không làm tốt nhiệm vụ này, chẳng hạn như tắc trách gây ra sai sót, thái độ với bệnh nhân thiếu tình người thì người bệnh sớm muộn cũng sẽ quay lưng lại với mình mà thôi.

Tôi nhận thấy hiện nay mọi người có xu hướng chọn bệnh viện tư nhân nếu như tình trạng bệnh không quá nguy cấp hoặc chưa cần làm thủ thuật phức tạp. Có lẽ là bởi khi vào viện tư thì quan hệ người cung cấp dịch vụ – khách hàng rõ nét hơn, song song với đó là sự đòi hỏi về chất lượng dịch vụ cao hơn ở khách hàng. Điều đó khiến cho công tác huấn luyện về cung cách tiếp xúc với bệnh nhân ở các cơ sở như vậy cũng nghiêm ngặt hơn để đáp ứng được sự cạnh tranh trên thị trường. Ngành nào cũng vậy, đứng trước sự cạnh tranh sẽ phải thay đổi để làm mới, để tốt hơn, ngành y cũng không ngoại lệ.

Tôi thiết nghĩ, để hạn chế được vấn đề y đức xuống cấp, cần thắt chặt ngay từ khâu tuyển cán bộ đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn về mặt đạo đức. Cần giải quyết được những tồn đọng về điều kiện làm việc, cơ sở vật chất tại nơi khám chữa bệnh, có sự đãi ngộ xứng đáng, minh bạch về quyền lợi cho các y bác sĩ. Song song với việc biểu dương những cán bộ tận tụy, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh dành cho những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Y đức trên hết!

Là con cháu của một dòng họ có truyền thống y học cổ truyền, từ nhỏ tôi đã thấm nhuần lời răn dạy từ các bậc cha ông:

“Con cháu dòng họ Đỗ Minh luôn phấn đấu gìn giữ, phát huy Tổ nghiệp – Giữ vững tinh thần yêu nước, thương dân, tận tâm phục vụ – Chúng tôi luôn coi người bệnh như người thân trong gia đình để tận tình cứu chữa”.

Lương y Đỗ Minh Tuấn thăm hỏi bệnh nhân
Tôi luôn cố gắng để chữa bệnh cho mọi người bằng hết tâm sức của mình, để giữ gìn truyền thống y đức quý giá của dòng họ Đỗ Minh

Đó là điều mà tôi luôn tâm niệm trong suốt quá trình công tác, điều hành hoạt động khám chữa bệnh tại Đỗ Minh Đường. Để nâng cao y đức, cần phải nâng cao tay nghề qua việc đào sâu nghiên cứu, không ngừng tìm hiểu, phát triển kiến thức về bệnh tật và các phương thuốc, liệu pháp chữa bệnh sao cho hiệu quả. 

Không chỉ kế thừa các bài thuốc từ tiền nhân, tôi còn may mắn lĩnh hội được các kiến thức quý giá từ những người thầy trong quá trình học tập tại Học Viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam. Khoảng thời gian này đã giúp tôi hiểu thêm về trách nhiệm của mình, không chỉ với nền y học cổ truyền nước nhà mà còn trong cách ứng xử, tinh thần tận tâm với người bệnh. Chính vì thế mà tôi quyết tâm và đến nay đã xây dựng được 3 vườn dược liệu sạch để sử dụng trong các bài thuốc, giúp người dân khi đến Đỗ Minh Đường không còn phải lo về vấn đề thuốc Đông y rác. 

Trong thời gian vừa qua, là một người trong nghề, tôi thấy rất mừng khi bên cạnh những vấn đề tiêu cực, xã hội đã ghi nhận sự nỗ lực của những cán bộ y tế đối với nền y học nước nhà. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi sự an nguy của con người bị đe dọa bởi tai ương, dịch bệnh, y bác sĩ chính là những chiến sĩ tuyến đầu để đấu tranh đẩy lùi dịch SARS, cúm A H5N1, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19… 

Các bác sĩ cắt tóc cho nhau để tiện hơn trong quá trình làm việc, chống lại dịch Covid-19
Các bác sĩ Đà Nẵng cắt tóc cho nhau để tiện hơn trong quá trình làm việc, chống lại dịch Covid-19

Lúc này, tôi tin nếu không có y đức, các bác sĩ không thể tự nguyện xả thân trong hoàn cảnh vất vả, căng như dây đàn, hi sinh cuộc sống cá nhân và sự an toàn của bản thân để giành lại sự sống cho người bệnh. Đó chính là sự kế thừa truyền thống quý giá của các thế hệ đi trước như cụ Phạm Ngọc Thạch, cụ Đặng Văn Ngữ, cụ Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước…, là sự tự hào cho ngành y Việt Nam.

Như vậy dù không thể phủ nhận trong ngành y vẫn còn tồn tại một số góc khuất, nhưng cũng không thể nói  y đức đang xuống cấp. Những thế hệ y bác sĩ, thầy thuốc chân chính vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình và giữ trọn lương tâm, đấu tranh hết mình vì sự an toàn của người bệnh để xứng đáng với câu “lương y như từ mẫu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

Đánh giá bài viết

4.9/5 - (7 bình chọn)
Array

Lương y Đỗ Minh Tuấn

Lương y Đỗ Minh Tuấn hiện có 20 năm kinh nghiệm điều trị các bệnh lý bằng y học cổ truyền. Ông vinh dự được biểu dương là Thầy thuốc Nam tiêu biểu, là cố vấn chuyên môn trên nhiều chương trình sức khỏe nổi tiếng và nhận rất nhiều đánh giá tốt từ người bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Nhiều nick ảo lập ra để bôi nhọ danh tiếng nhà thuốc

Vạch trần chiêu trò dùng nick ảo “phốt” dịch vụ nhà thuốc Đỗ Minh Đường

Vạch trần chiêu trò dùng nick ảo “phốt” dịch vụ nhà thuốc Đỗ Minh Đường

Vì sao tôi quyết gắn bó với y học cổ truyền? – Lương y Đỗ Minh Tuấn

Vì sao tôi quyết gắn bó với y học cổ truyền? – Lương y Đỗ...

Nhậu nhẹt thường xuyên, ăn uống bừa bãi là thói quen độc hại cho sức khỏe

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, đầu tư đúng, để không hối hận

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, đầu tư đúng, để không hối...

Tôi Muốn Chia Sẻ Đôi Chút Về Hành Trình Gắn Bó YHCT Hơn 20 Năm Qua

Tôi Muốn Chia Sẻ Đôi Chút Về Hành Trình Gắn Bó YHCT Hơn 20 Năm...

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi

Zalo
Chia sẻ
Bỏ qua