Hiếu thuận mẹ cha là cái gốc làm người thiện lương
Chỉ trong một tuần qua đầu óc tôi ngập trong các tin tức tiêu cực, nào là tin mẹ ruột, cậu ruột bạo hành con nhỏ, hay chuyện con đẻ vô lễ, đánh đập mẹ già đến tận giây phút cuối đời. Những câu chuyện nhức nhối này khiến tôi phải suy ngẫm, đặt ra câu hỏi mỗi chúng ta nên làm gì để bài trừ vấn đề nhức nhối này.
Bội thực trong làn sóng thông tin tiêu cực
Chiều muộn vài hôm trước, khi vừa kết thúc ca chữa bệnh viêm đau khớp cho một cụ bà 94 tuổi, thấy cụ khỏe lên từng ngày, được con cháu chăm sóc đủ đầy tôi cũng thấy vui lây. Vậy mà niềm vui nhỏ nhoi cuối ngày của người thầy thuốc như tôi lại không được kéo dài, chỉ vì lên mạng xem tin tức và bị bủa vây bởi hàng loạt chuyện không mấy vui vẻ.
Chỉ mới trước đó vài ngày, báo chí trong nước đưa tin về một vụ trốn chạy thành công của cô bé 10 tuổi cùng đàn em thơ khỏi chính mẹ ruột, cậu ruột, thì nay cả nước lại sục sôi trước video một người phụ nữ trung niên bạo hành người mẹ già tại huyện Cần Đước, Long An.
Thật không tin nổi mắt mình, tôi còn không dám xem hết đoạn video quay trộm kia vì thấy quá đau lòng, thương cho cụ già, thương cho một kiếp người. Cái nỗi đau của cụ không còn là nỗi đau thể xác mà là cái đau tinh thần, sự bất lực của một người mẹ. Sự đời trái ngang sao lại có chuyện đối xử tàn nhẫn đến mức tột cùng với chính người mang nặng đẻ đau, nuôi nấng mình nên người như vậy ???
Các bạn ạ, chúng ta ai cũng từng là trẻ dại, được mẹ cha chăm bẵm từng chút một. Rồi cũng chính chúng ta sẽ già đi, thành những cụ ông cụ bà sống cùng con cháu. Cái quy luật tự nhiên nam phụ lão ấu kia không trừ một ai. Vậy tại sao lại có những người gạt qua tình nghĩa mẹ con, mà nỡ lòng hành xử không đáng.
Có mắt thấy tai nghe những câu chuyện đau lòng kia, tôi mới càng phải ngẫm nghĩ mà thấm thía câu nói của người xưa: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng, kể ngày”.
Hiếu thuận với mẹ cha là cái gốc làm người thiện lương
Nhìn nhận rõ vấn đề để thấy trường hợp con gái bạo hành mẹ ruột xuất phát từ gia đình nghèo, có thể guồng quay cơm áo gạo tiền, nỗi vất vả mưu sinh khiến người phụ nữ kia thay tính đổi nết, cáu bẳn mà sẵn sàng vung đòn roi với con nhỏ, mẹ già. Nhưng dù vì lý do gì thì cũng không thể lấp liếm hết được tội tày đình “BẤT HIẾU”, không khiến con người nguôi ngoai trước hành động thờ ơ, nặng lời, không quan tâm đến sức khỏe, tinh thần cha mẹ.
Nhưng tại sao hôm nay chúng ta phải ngồi lại bàn về vấn đề hiếu thuận, rồi tự hỏi sao ngày nay lại có quá nhiều chuyện trái tai gai mắt kia, khi mà từ xưa tới nay trong văn hóa người Á Đông HIẾU THUẬN vốn là một trong những quy chuẩn làm người, là lẽ thường tình khi con cái chăm sóc cha mẹ già yếu. Phải chăng con người đang ngày càng sống hời hợt, bỏ qua luân thường đạo lý mà sống vô lề vô lối?
Có phải chăng vì việc suy nghĩ quá nhiều về mọi vấn đề trong xã hội mà nhiều người bảo tôi là kẻ bao đồng, mà thực ra thì tôi cũng tự thấy mình như vậy, ngoài việc thăm khám cho người bệnh tôi còn hỏi han xem họ ăn uống ra sao, nghỉ ngơi thế nào. Nhất là các cụ ông cụ bà, nếu đến cùng con cháu thì tôi sẽ trực tiếp căn dặn họ chế độ chăm sóc tốt nhất, để ý đến cha mẹ, ông bà. Cũng đáng mừng là đa phần bệnh nhân tại nhà thuốc Đỗ Minh Đường tôi đều được con cái quan tâm thấu đáo, nhờ vậy mà không chỉ khỏi bệnh còn khỏe tâm, mỗi lần tái khám lại phấn chấn hơn lần trước khá nhiều, có cụ còn chia sẻ thật lòng: “Nhờ anh Tuấn mà tôi không bệnh tật, vui vẻ, đỡ cáu bẳn hơn xưa. Từ ngày hết bệnh cứ túc tắc hoạt động, chơi với cháu, quét cái nhà, cũng thấy đỡ phiền con cái hẳn đi.”
Có như vậy mới thấy, không gì đáng quý hơn việc khỏe từ tâm lẫn thân, dung dưỡng cảm xúc tích cực cho bản thân và cho người thân xung quanh. Với tư cách là người chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là các cụ ông cụ bà lớn tuổi, Tuấn tôi luôn tâm niệm một điều: “Mỗi người nên nuôi dưỡng tâm thân mình, dạy dỗ con cái theo phép tắc, tình thương, chăm sóc cha mẹ bằng cái tâm, chữ hiếu. Có làm được như vậy thì mỗi tế bào xã hội là chính chúng ta đây mới phát triển toàn diện được. Đừng để việc hiếu thuận trong mỗi gia đình trở thành bài toán khó, hay gánh nặng cho toàn thể xã hội!”
Đánh giá bài viết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!