Trào Ngược Dạ Dày

Tham vấn chuyên môn bởi:

Lương y Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn hệ thống Đỗ Minh Đường

Trào ngược dạ dày là bệnh lý xảy ra phổ biến, gây ám ảnh cho nhiều người. Triệu chứng điển hình của bệnh là ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn. Nếu bệnh không được điều trị sớm có thể tiến triển xấu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Định nghĩa trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày (tiếng Anh là Gastroesophageal Reflux Disease - GERD) hay còn gọi là trào ngược dạ dày - thực quản. Đây là hiện tượng thức ăn, dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản không tự chủ. 

Trào ngược dạ dày được xem là hiện tượng sinh lý thường xảy ra sau ăn, không gây ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu để hiện tượng này xảy ra thường xuyên và tiến triển nặng, nó có thể khiến cơ thể trở nên mệt mỏi cùng với nhiều biến chứng khác nhau. 

Bệnh lý này được phân loại dựa vào mức độ tổn thương của thực quản: 

  • Trào ngược dạ dày độ 0: Hiện tượng trào ngược xuất hiện ở tần suất thấp, không đáng kể vì niêm mạc thực quản lúc này gần như chưa bị tổn thương. 
  • Trào ngược dạ dày độ A: Đây là giai đoạn đầu của bệnh, có những tổn thương thực quản mức độ nhẹ. Các triệu chứng đang dần hình thành và biểu hiện rõ rệt hơn, tần suất ợ chua, ợ nóng và trào ngược tăng dần. 
  • Trào ngược dạ dày độ B: Niêm mạc thực quản có những tổn thương lớn dần (trên 5mm). Lúc này, tổn thương gây đau, khó chịu khi nuốt và các triệu chứng cũng xuất hiện với tần suất dầy hơn. 
  • Trào ngược dạ dày độ C: Các triệu chứng xuất hiện rõ hơn, gây ra barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản nguyên phát. 
  • Trào ngược dạ dày độ D: Cấp độ này là nghiêm trọng nhất của bệnh trào ngược dạ dày. Sức khỏe người bệnh ở giai đoạn này có dấu hiệu bị suy giảm do ăn uống kém, giảm khả năng hấp thu. Nặng hơn, có trường hợp có thể bị ung thư, thủng, loét thực quản. 

Nguyên nhân trào ngược dạ dày

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, trào ngược dạ dày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến và tập trung nhiều vào các yếu tố nguy cơ dưới đây: 

  • Suy cơ thắt: Cơ thắt dưới thực quản giãn mở khi nuốt và co thắt ngăn không cho dạ dày trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên, có những lúc cơ thắt bị suy giảm chức năng, nhu động của thực quản sẽ dễ dàng đẩy dịch trào ngược lên trên. 
  • Thoát vị hoành: Khi bị thoát vị cơ hoành, cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành sẽ dễ gây trào ngược dạ dày. 
  • Nguyên nhân từ dạ dày: Các tác nhân gây viêm dạ dày, ung thư dạ dày khiến thức ăn đi vào bị khó tiêu hóa, tăng áp lực lên dạ dày. Ngoài ra, hiện tượng hắt hơi, ho cũng có thể làm ổ bụng tăng sức ép và gây trào ngược dạ dày. 
  • Thói quen ăn uống: ăn quá no, vận động mạnh ngay sau khi ăn, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu. 
  • Stress, căng thẳng: Khi cơ thể trong trạng thái căng thẳng, dạ dày đồng thời sẽ tăng tiết hoạt chất cortisol làm tăng acid dạ dày. 
  • Lạm dụng thuốc tây: Dùng nhiều thuốc tây trong thời gian dài có thể khiến cho lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày bị bào mòn. 

Triệu chứng trào ngược dạ dày

Nhìn chung, các tổn thương ở dạ dày đều có những triệu chứng tương đối giống nhau nên khá khó phân biệt được trào ngược dạ dày với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nghi ngờ bệnh qua những triệu chứng sau: 

  • Ợ nóng, ợ chua: khi dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản, cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị sẽ xảy ra, đôi khi lan lên cổ họng. 
  • Khó nuốt: Thức ăn đi vào dạ dày khi gặp dịch vị sẽ bị đẩy lên trên và đọng lại ở phía sau xương ức. Điều này khiến người bệnh cảm thấy bị khó nuốt nước bọt. 
  • Buồn nôn, nôn: Đây là triệu chứng điển hình mà hầu hết ai bị trào ngược dạ dày cũng sẽ gặp phải. Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh thậm chí có thể bị nôn ngay khi ăn. 
  • Miệng đắng: Trong dịch vị dạ dày thường lẫn với mật dịch nên khi bị trào ngược, người bệnh thường có hiện tượng đắng miệng. 
  • Viêm nhiễm ở phổi: Dịch vị đẩy lên vùng thực quản có thể tràn vào phổi, gây ra viêm nhiễm phổi. 
  • Rối loạn giấc ngủ: Khi bị trào ngược dạ dày, áp lực lên cơ vòng thực quản dưới khiến cho người bệnh nằm xuống, khiến các triệu chứng rõ hơn. CHính vì vậy, hầu hết người bệnh bị trào ngược đều thấy khó ngủ, ngủ không sâu giấc. 
  • Một số triệu chứng khác: Khàn tiếng, khó thở, ăn không ngon miệng, nước bọt tiết nhiều,...

Ngay khi bạn thấy có một hay nhiều triệu chứng kể trên, không thể loại bỏ nguy cơ bị trào ngược dạ dày. Lúc này, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hỗ trợ điều trị bệnh càng sớm càng tốt, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. 

Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày

Theo khảo sát, hầu hết người bệnh bị trào ngược dạ dày ở giai đoạn đầu thường khá chủ quan và không can thiệp điều trị. Chính vì điều này, khi bệnh tiến triển, nhiều biến chứng nguy hiểm có thể hình thành: 

  • Viêm thực quản: dịch vị trào ngược tác động mạnh khiến niêm mạc thực quản bị sưng, người bệnh cảm giác khó nuốt khi ăn. 
  • Tắc nghẽn thực quản: Niêm mạc thực quản bị tổn thương dễ hình thành sẹo và thu hẹp kích thước, gây khó khăn trong quá trình ăn uống. 
  • Thực quản Barrett: Có khoảng 5 - 10% người bệnh bị trào ngược thực quản gặp phải biến chứng này, các biểu hiện thường không rõ ràng nên khó nhận biết. 
  • Ảnh hưởng tim: Hiện tượng khó thở, tức ngực, ợ hơi, ợ chua nhiều,... là những dấu hiệu cho thấy tim bị ảnh hưởng do trào ngược dạ dày. 
  • Chảy máu và loét dạ dày: Trào ngược kéo dài dễ dẫn đến xuất huyết và viêm loét dạ dày. 
  • Viêm đường hô hấp: Viêm họng, viêm phế quản, thậm chí là viêm phổi. 
  • Ung thư thực quản: Người bệnh bị trào ngược thực quản và thực quản barrett có nguy cơ cao bị ung thư thực quản. 

Chẩn đoán bệnh học

Xác định chính xác tình trạng bệnh và nguyên nhân gây nên hiện tượng trào ngược dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc lên phác đồ điều trị phù hợp. Các bác sĩ thường sẽ tiến hành xét nghiệm chẩn đoán trào ngược dạ dày như sau: 

  • Khám và kiểm tra thể chất: Các bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi liên quan đến triệu chứng, thời gian xuất hiện triệu chứng và những vấn đề sức khỏe liên quan. 
  • Kiểm tra nồng độ axit: Sử dụng thiết bị đầu dò axit Ambulatory để đo lượng axit trong dạ dày bị trào ngược cũng như nồng độ axit axit trong dạ dày. 
  • Chụp X-quang: Người bệnh sẽ được nuốt chất lỏng phản quang Barium và tiến hành chụp X-quang để đánh giá mức độ tổn thương dạ dày. 
  • Nội soi: Qua nội soi, các bác sĩ sẽ xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như những biến chứng liên quan. 
  • Theo dõi nồng độ PH trong thực quản: Dùng máy theo dõi nồng độ PH để xác định nồng độ axit trong dạ dày.
  • Hình học thực quản: Người bệnh được luồn một ống dài vào thực quản đểkiểm tra cách thực quản đẩy axit lên và kiểm tra hoạt động có bình thường hay không. 

Giải pháp điều trị

Khi bị trào ngược dạ dày, việc tìm giải pháp điều trị để ngăn ngừa biến chứng, cải thiện sức khỏe là cần thiết. Tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ cũng như nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ có thể gợi ý những phương án điều trị khác nhau. Dưới đây là một số cách phổ biến: 

Điều trị không dùng thuốc

Chữa bệnh trào ngược dạ dày không dùng thuốc có khả năng kiểm soát các triệu chứng hiệu quả. Cụ thể: 

  • Ăn chậm, nhai kỹ và hạn chế ăn quá no. 
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày. 
  • Tránh các thực phẩm có kích thích như bạc hà, đồ nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, thực phẩm khó tiêu, đầy hơi,...
  • Không nên nằm và hoạt động quá mạnh ngay khi vừa ăn no. 
  • Cần điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện để duy trì cân nặng phù hợp. 
  • Không dùng thuốc lá. 
  • Thư giãn, giảm stress bằng cách ngồi thiền, tập yoga,... 

Áp dụng mẹo dân gian

Khi bị trào ngược dạ dày nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng một số mẹo điều trị tại nhà để cải thiện triệu chứng. Các cách này rất dễ thực hiện, chi phí phải chăng bởi chủ yếu là làm từ nguyên liệu dễ kiếm trong vườn nhà. Cụ thể:  

  • Baking soda: Nguyên liệu này có tác dụng trung hòa axit dạ dày, sát khuẩn, chống viêm, phòng ngừa viêm loét. Người bệnh có thể dùng baking soda pha với nước ngày uống 2 - 3 lần. 
  • Dùng gừng: Gừng giúp xoa dịu cơn đau thượng vị, kích thích quá trình tiêu hóa để giảm trừ các triệu chứng buồn nôn, ợ hơi, ợ chua,.. Bạn dùng gừng đun với khoảng 300ml nước và dùng hàng ngày. 
  • Nha đam: Nha đam giúp cải thiện hệ tiêu hóa, nhuận tràng, diệt vi khuẩn hiệu quả. Bạn dùng nha đam nấu với đậu xanh và bột sắn để uống khoảng 3 lần/tuần. 

Điều trị bằng thuốc Tây

Trong tây y, có nhiều loại thuốc được ứng dụng điều trị trào ngược dạ dày. Một số thuốc thường được các bác sĩ kê đơn là: 

  • Thuốc Alginate và kháng axit: Đây là hai loại thuốc có tác dụng tạo màng chắn vật lý, bảo vệ niêm mạc khỏi sự kích thích của dịch vị. Song song với đó, thành phần thuốc ngăn hiện tượng trào ngược, ức chế axit mật. 
  • Thuốc ức chế bơm proton: Đây là nhóm thuốc chính trong điều trị trào ngược dạ dày, giúp ức chế tiết dịch vị, giúp phục hồi niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Thuốc cho hiệu quả tương đối chậm nhưng lại bền vững hơn. Các thuốc trong nhóm này gồm có Omeprazole, Rabeprazole. 
  • Thuốc tăng nhu động thực quản - dạ dày: Nhóm thuốc này giúp tăng tốc độ làm rỗng dạ dày để làm giảm áp lực lên vòng cơ thực quản dưới. Các triệu chứng trào ngược nhanh chóng được đẩy lùi và tạo điều kiện cho niêm mạc thực quản được phục hồi. 

Đối với thuốc tây chữa trào ngược dạ dày thường cho hiệu quả nhanh chóng trong việc giảm triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc chỉ nên dùng với liều lượng được chỉ định và người bệnh không nên lạm dụng. Khi dùng không đúng liều có thể gây lờn thuốc hoặc nguy hiểm hơn là các tác dụng phụ có thể xuất hiện. 

Dùng thuốc Đông y điều trị trào ngược dạ dày

Hiện tượng trào ngược dạ dày trong YHCT được xác định hình thành do can phế tỳ suy yếu, khí huyết không lưu thông được. Các bài thuốc Đông y thường bào chế từ thảo dược tự nhiên có tác dụng tăng cường khí huyết, giảm triệu chứng hiệu quả. Thông thường, dựa vào căn nguyên gây bệnh cụ thể, các bài thuốc khác nhau sẽ được áp dụng: 

Trào ngược dạ dày do suy nhược cơ thể: 

Người bị trào ngược dạ dày lâu ngày thường bị suy nhược cơ thể do ăn uống kém, hệ miễn dịch suy giảm và rối loạn co bóp. Vì vậy, việc bồi bổ cơ thể là rất cần thiết. 

Sử dụng thảo dược mã đề, đương quy, cam thảo, liên nhục, hoài sơn, bạch truật, chi tử,... sắc với nước để uống 2 lần/ngày sau ăn. Các triệu chứng ợ nóng, đau thượng vị, nóng rát thượng vị,.. sẽ được thuyên giảm sau một thời gian. 

Trào ngược dạ dày do căng thẳng: 

Bài thuốc an thần, ổn định khí huyết được áp dụng điều trị trào ngược dạ dày cho người bị căng thẳng do làm việc quá sức, dịch vị lưu thông không thuận. 

Dùng thảo dược Bạch truật, Hoài sơn, Cát căn, Liên nhục, Ngưu tất, Bán hạ chế, Chỉ xác,... sắc với nước và uống hàng ngày để đẩy lùi triệu chứng bệnh. 

Bài thuốc điều trị ợ hơi và ợ chua

Hiện tượng ợ hơi, ợ chua kéo dài gây nguy cơ sâu răng và các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản,... Bệnh nhân có thể sử dụng bài thuốc sau: 

Dùng Bối mẫu, Chi tử, Đan bì, Thược dược, Thanh bì, Trần bì, Trạch tả sắc lấy nước uống. Bài thuốc hỗ trợ làm thơm hơi thở, nhuận tràng và giúp thức ăn đưa xuống dạ dày dễ dàng hơn. 

Nội soi can thiệp

Nội soi dùng cho các trường hợp bệnh nhân bị trào ngược dạ dày nhưng không đáp ứng với thuốc điều trị. Qua hình thức này, các bác sĩ sẽ khâu khu vực cơ vòng thực quản dưới lại để thắt chặt cơ vòng, hạn chế dịch vị dạ dày trào ngược lên. 

Phẫu thuật

Đây là hình thức can thiệp ngoại khoa được cân nhắc áp dụng cuối cùng khi các giải pháp nêu trên đều không cho hiệu quả. Các bác sĩ phẫu thuật để thắt chặt cơ vòng, ngăn hiện tượng trào ngược. 

Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các hình thức phẫu thuật phù hợp sẽ được đưa ra và áp dụng. 

Cách phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày

Tình trạng trào ngược dạ dày gây ra nhiều phiền phức và khó chịu cho người bệnh trong cuộc sống thường ngày. Do đó, mọi người nên nâng cao tinh thần phòng ngừa bệnh để hạn chế bị bệnh tác động. Một số biện pháp phổ biến là: 

  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh để thừa cân. 
  • Hạn chế ăn đồ ăn dầu mỡ, chất béo, thức ăn khó tiêu hóa. 
  • Không nên sử dụng chất kích thích như rượu bia, đồ uống có gas, cà phê,... 
  • Thiết lập lại thói quen ăn uống như ăn chậm, nhai kỹ, ăn đúng bữa, không ăn khuya. 
  • Tăng cường bổ sung nhiều rau xanh và các thực phẩm giàu probiotic giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa. 
  • Hạn chế căng thẳng thần kinh. 
  • Không tự ý đi mua thuốc để điều trị trào ngược dạ dày nếu chưa được sự chỉ định của bác sĩ.

Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh trào ngược dạ dày. Bệnh lý này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, thậm chí là nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe người bệnh. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc nắm được các thông tin cần thiết để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời. 

Array

Cố vấn chuyên môn bài viết

Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn

Lương y

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi