Đau Dạ Dày

Tham vấn chuyên môn bởi:

Lương y Đỗ Minh Tuấn

GĐ chuyên môn hệ thống Đỗ Minh Đường

Đau dạ dày là bệnh lý thường gặp của hệ tiêu hóa. Bệnh có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những yếu tố khó tránh. Thực tế, nếu đau dạ dày không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị căn bệnh này là rất cần thiết. 

Định nghĩa đau dạ dày

Đau dạ dày hay còn được gọi là đau bao tử. Đây là bệnh lý đường tiêu hóa có thể gặp ở bất cứ ai thuộc mọi độ tuổi. Những cơn đau bụng thường xuất hiện ở vùng dạ dày với tần suất tăng dần, đau từ âm ỉ đến dữ dội. 

Ở mỗi bệnh nhân, vào mỗi thời điểm, vị trí đau bao tử có thể khác nhau: 

  • Đau vùng thượng vị: Vị trí trên rốn và dưới xương ức. Cơn đau hình thành do có tổn thương ở trong dạ dày, đau âm ỉ và ảnh hưởng đến cả vùng ngực, lưng. 
  • Đau bụng giữa: Vị trí khoang giữa của bụng, thường xảy ra do phần cuối của dạ dày bị hẹp/tắc gây kích thích nhu động ruột. 
  • Đau dạ dày trái: Cơn đau xuất hiện chủ yếu khi đói, mức độ đau âm ỉ và kéo dài. Nguyên nhân gây đau dạ dày trái là do tổn thương ở phần phình vị hoặc môn vị. 

Nguyên nhân gây đau dạ dày

Có nhiều yếu tố khác nhau trong quá trình ăn uống và sinh hoạt có thể tác động gây nên các cơn đau dạ dày. Ngoài ra, đau bao tử cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiêu hóa khác: 

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Đây được xem là một trong những tác nhân chính gây nên các bệnh lý dạ dày. Vi khuẩn Hp xâm nhập vào cơ thể qua nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là ăn uống, hôn môi, dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh. Chúng làm thay đổi môi trường của dịch vị, ăn mòn các tế bào biểu mô và làm phát sinh cơn đau. 
  • Các loại vi khuẩn, ký sinh trùng khác: Các loại vi khuẩn, virus như salmonella spp, campylobacter jejun, enterovirus,... gây viêm dạ dày ruột với các triệu chứng đau nặng, bùng phát đột ngột và có kèm theo tiêu chảy, nôn mửa. 
  • Do thói quen ăn uống: Ăn uống thiếu khoa học, hay bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều, dùng nhiều rượu bia, đồ ăn cay nóng,... là yếu tố gia tăng nguy cơ bị đau dạ dày. 
  • Thói quen sinh hoạt: Thức quá khuya, làm việc cường độ cao, căng thẳng thần kinh,... có thể khiến ruột bị kích thích tăng tiết dịch vị làm mòn lớp niêm mạc và bùng phát các cơn đau dạ dày. 
  • Lạm dụng thuốc: Sử dụng quá nhiều kháng sinh, corticoid và NSAID nhiều có thể khiến dịch vị phá hủy chất nhầy, ăn mòn tế bào biểu mô và gây đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa. 
  • Môi trường dạ dày ẩm: Trong dạ dày luôn ẩm ướt và chứa cả lợi khuẩn, hại khuẩn. Nếu thức ăn bạn dung nạp không sạch, vi khuẩn bên ngoài xâm nhập làm hại lợi khuẩn và phát triển, gây nên tình trạng đau ở bao tử. 

Đối tượng dễ mắc bệnh

Bệnh đau dạ dày thường gặp ở các đối tượng như sau: 

  • Nhân viên văn phòng chịu nhiều căng thẳng, áp lực công việc. 
  • Người thường xuyên uống rượu bia, có thói quen ăn uống và sinh hoạt thất thường. 
  • Học sinh, sinh viên. 

Triệu chứng đau dạ dày thường gặp

Các triệu chứng của đau dạ dày khá phổ biến nhưng cũng dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu sau, không loại trừ khả năng bạn bị đau dạ dày: 

  • Đau thượng vị: Cơn đau thường âm ỉ trên rốn, kèm theo cảm giác nóng rát, tức, cứng bụng, dần dần lan ra quanh lưng và ngực. 
  • Đau vùng bụng giữa: Người bệnh cảm nhận cơn đau và hiện tượng đầy bụng, ăn không tiêu, ợ chua. 
  • Đau dạ dày trái: Thường đau lúc đói, đau âm ỉ theo từng cơn. 

Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân còn gặp các triệu chứng khác như: 

  • Buồn nôn, nôn: Tình trạng buồn nôn và nôn mửa xảy ra khá phổ biến sau các bữa ăn. Sau khi nôn hết thức ăn, cơn đau dạ dày có xu hướng thuyên giảm. 
  • Ợ hơi, ợ nóng: Triệu chứng này xuất hiện chủ yếu sau khi vừa ăn no, mức độ tăng cao khi ăn quá no hoặc uống các chất kích thích như rượu bia, thực phẩm dầu mỡ,... 
  • Khó tiêu: Ngoài các cơn đau, người bệnh có thể gặp tình trạng khó tiêu và ăn uống kém, ăn không ngon miệng. 
  • Một số triệu chứng khác: Đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, sụt cân,... do dạ dày kém là những biểu hiện cũng khá phổ biến và dễ gặp. 

Các triệu chứng đau dạ dày thường nhẹ và không quá rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu không sớm can thiệp, mức độ bệnh sẽ tăng dần theo thời gian, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và sức khỏe của người bệnh. 

Biến chứng của bệnh đau dạ dày

Các triệu chứng đau dạ dày hoàn toàn có thể khắc phục được nếu người bệnh muốn điều trị. Tuy nhiên, ngược lại bệnh sẽ tiến triển nặng lên nếu người bệnh chủ quan không can thiệp. Thực tế, có nhiều trường hợp đã gặp phải những biến chứng nặng nề: 

  • Viêm loét dạ dày
  • Thủng dạ dày
  • Tắc môn vị
  • Chảy máu dạ dày
  • Ung thư dạ dày. 

Ngoài những biến chứng kể trên, triệu chứng của bệnh xuất hiện quá nhiều và nặng còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng mất ngủ, kém ăn, suy sụp tinh thần hoàn toàn có thể xảy ra khi dạ dày bị tổn thương, hoạt động tiêu hóa kém. 

Cách chẩn đoán đau dạ dày

Để xác định chính xác các vấn đề đau dạ dày bạn đang gặp, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán qua việc tìm hiểu tiền sử mắc bệnh, kiểm tra kỹ hơn thông qua các xét nghiệm. Cụ thể: 

  • Xét nghiệm máu: Thông qua kiểm tra máu có thể phát hiện vi khuẩn HP và xác định người bệnh có bị chảy máu dạ dày, viêm loét bao tử hay không. 
  • Kiểm tra hơi thở: Là cách kiểm tra xem người bệnh có nhiễm HP hay không. 
  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra vi khuẩn HP và đánh giá tình trạng xuất huyết, viêm dạ dày. 
  • Chụp X-quang dạ dày, ruột non: Thu về hình ảnh kiểm tra xem các bộ phận này có dấu hiệu bất thường hay không. 
  • Nội soi tiêu hóa trên: Kiểm tra những bất thường ở đường tiêu hóa mà xét nghiệm hình ảnh không thu được. Các bác sĩ sẽ dùng ống nội soi đưa qua miệng, thực quản, dạ dày và chạm đến đầu ruột non. 

Các xét nghiệm chẩn đoán đau dạ dày được các bác sĩ chỉ định trực tiếp đối với mỗi bệnh nhân cụ thể. Đây là bước quan trọng và cần thực hiện để xác định được tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh để lên phác đồ điều trị đúng chuẩn. 

Giải pháp điều trị đau dạ dày

Để điều trị dứt điểm tình trạng đau dạ dày, việc xác định chính xác nguyên nhân gây đau là yếu tố quan trọng. Hiện có rất nhiều cách chữa khác nhau được áp dụng dựa trên mức độ đau và nguyên nhân gây đau: 

Mẹo dân gian chữa tại nhà

Các mẹo chữa đau dạ dày tại nhà thường được truyền miệng nhau từ đời này sang đời khác. Những cách này thường rất dễ làm bởi nguyên liệu chủ yếu là cây nhà lá vườn nên đặc biệt được nhiều người yêu thích lựa chọn. Những mẹo được dùng phổ biến là: 

Mẹo giảm đau tạm thời

Khi bị đau dạ dày, để hạn chế cơn đau, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản để giảm đau như: 

  • Massage: Dùng lòng bàn tay xoa quanh rốn hoặc vị trí đau theo chiều kim đồng hồ và day nhẹ dưới rốn để kích thích hoạt động của dạ dày. 
  • Chườm nóng: Dùng muối hạt rang hoặc nước nóng vào một chiếc bọc và áp lên vị trí bụng bị đau. 
  • Uống nước ấm: Nước ấm có tác dụng trung hòa dịch vị và giảm mức độ kích thích lên các tế bào biểu mô, làm dịu hiện tượng dạ dày co thắt và giảm đau rõ rệt. 

Những cách này cho hiệu quả giảm đau tức thời nhưng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. 

Mẹo chữa bằng dược liệu 

Với các trường hợp đau dạ dày mới khởi phát, người bệnh có thể giảm đau bằng một số dược liệu quen thuộc như:

  • Chuối xanh: Ăn chuối xanh cùng với mật ong mỗi ngày 1 lần giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, làm lành các tổn thương tại niêm mạc. 
  • Dùng tinh bột nghệ: Trộn tinh bột nghệ với mật ong tạo thành viên hoàn, mỗi ngày dùng 2 lần giúp giảm đau dạ dày hiệu quả. 
  • Kết hợp nghệ và dừa: Dùng nghệ tươi và nước dừa nấu sôi lên để uống ngày 3 lần. Hỗn hợp này giúp giảm đau, trị viêm loét dạ dày và kích thích ăn ngon miệng hơn. 

Ngoài ra, những nguyên liệu khác như chè dây, cây dạ cẩm, gừng, cam, bạc hà,... cũng được sử dụng rộng rãi trong việc ứng dụng điều trị đau dạ dày tại nhà. 

Nhìn chung, các mẹo dân gian trị đau dạ dày tương đối dễ làm và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, các cách này chỉ nên áp dụng với trường hợp đau nhẹ và không nên lạm dụng. Tốt nhất, người bệnh vẫn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị bằng thuốc. 

Chữa bằng Tây y

Nếu tình trạng đau dạ dày xảy ra với tần suất thường xuyên và nặng hơn, người bệnh có thể dùng một số loại thuốc không kê toa để khắc phục. Một số nhóm thuốc phổ biến dành cho người bệnh dạ dày là: 

  • Thuốc Gastropulgite: Thuốc này có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giảm tình trạng viêm loét và tạo lớp nhầy phủ lên niêm mạc dạ dày, qua đó bảo vệ dạ dày trước sự tấn công của vi khuẩn. 
  • Thuốc Yumangel: Thuốc có tác dụng tiêu viêm và giảm đau nhanh. Những người bệnh có biểu hiện xuất huyết nên dùng dược phẩm này. 
  • Thuốc dạ dày Phosphalugel: Có tác dụng giảm axit trong dạ dày, kiểm soát cơn ợ hơi, ợ chua. 

Phần lớn các trường hợp đau dạ dày khi dùng thuốc tây đều cho tác dụng giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc thường chỉ phát huy công dụng trong một khoảng thời gian nhất định và không thể cắt đứt được nguyên nhân gây đau, cơn đau có thể tái phát trở lại bất cứ lúc nào. Đặc biệt, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc tây, việc dùng quá nhiều hoặc dùng sai cách có thể làm lờn thuốc, giảm tác dụng, thậm chí là gây hại đến sức khỏe. 

Bài thuốc Đông y chữa đau dạ dày

Trong Đông y, có nhiều cây thuốc nam có chứa dược tính trị bệnh dạ dày. Trong đó, có một số dược liệu dưới đây đặc biệt được ưa chuộng và ứng dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc Đông y chữa đau dạ dày: 

Chè dây 

Chè dây là dược liệu có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa tốt, tiêu diệt vi khuẩn HP và giảm đau, kháng viêm. Có thể ứng dụng điều trị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, trào ngược bằng cách sau: 

  • Dùng 10g - 15g chè dây rửa sạch, phơi khô và đem lá đi hãm nước uống như trà. 
  • Dùng liên tục trà cây chè dây từ 15 - 20 ngày để cải thiện triệu chứng. 

Cây Dạ cẩm

Dạ cẩm chứa nhiều tanin, saponin giúp giảm cơn buồn nôn, ợ chua với người bị đau dạ dày. Đồng thời, cây thuốc giúp thanh nhiệt và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa. 

Cách chữa đau dạ dày bằng dạ cẩm: 

  • Chuẩn bị nguyên liệu: Dạ cẩm (7kg tươi, tán thành bột), cam thảo (1kg tán bột), đường kính (2kg), hồ nếp. 
  • Cách làm: Trộn các nguyên liệu với nhau và vo thành viên nhỏ, Mỗi ngày uống khoảng 10 - 15g. 

Cây Khôi tía

Trong cây khôi tía có chất trung hòa axit dịch vị. Cây này có tác dụng làm lành vùng viêm loét, giảm hiện tượng trào ngược dạ dày. 

Cách dùng cây khôi tía chữa đau dạ dày: 

  • Chuẩn bị: Lá khôi tía (30g), rau diếp dại (20g), khổ sâm (10g).
  • Cách làm: Đem nguyên liệu rửa sạch và sắc với 1,5 lít nước. Uống trước ăn 20 phút hoặc lúc đói liên tục trong 10 ngày và ngưng. 

Cách phòng tránh bệnh học

Để hạn chế tình trạng đau bao tử làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, mọi người có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa sau: 

  • Tạo thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày. 
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bằng nguồn thực phẩm sạch. 
  • Uống nhiều nước lọc, nên đảm bảo đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. 
  • Không uống rượu bia, nước ngọt có gas. 
  • Không ăn thực phẩm khó tiêu, chứa nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ lên men,... 
  • Luôn để tinh thần trong trạng thái thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi, stress. 
  • Ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya. 
  • Khi có các biểu hiện đau bao tử, cần đến gặp bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm. 

Đau dạ dày là bệnh lý phổ biến và ai cũng có thể gặp phải. Bệnh sẽ không nguy hiểm nếu như bạn điều trị và chăm sóc đúng cách. Hy vọng những thông tin trong bài viết phía trên có thể giúp ích cho bạn trong việc điều trị, phòng ngừa bệnh lý này. 

Array
Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi