Sỏi Thận
Sỏi thận là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể biến chứng thành suy thận, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vậy sỏi thận là gì, các biểu hiện của bệnh thế nào và cách điều trị ra sao, Tuấn tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc ngay trong nội dung thông tin dưới đây.
Trong quá trình khám chữa tại nhà thuốc Đỗ Minh Đường, Tuấn tôi thấy rất nhiều người bệnh bị sỏi thận nhưng không thăm khám sớm, lúc phát hiện thường ở mức độ nặng. Phần lớn bà con đều chủ quan hoặc không có kiến thức về bệnh lý này. Tôi sẽ giải thích, phân tích chi tiết cho mọi người trong bài viết sau.
Bệnh sỏi thận là gì? Các loại sỏi thận
Thận là cơ quan quan trọng thuộc hệ bài tiết của con người, nằm ngay sát thành sau bụng, đối xứng qua phần cột sống. Thận đảm nhận các vai trò sau: Lọc máu để giữ lại Protein và tế bào máu, đồng thời sẽ thải chất cặn bã ra ngoài theo đường tiết niệu. Ngoài ra, giúp điều hòa lượng máu cơ thể và bài tiết nước tiểu.
Sỏi thận là thuật ngữ trong y học chỉ hiện tượng lắng đọng cặn muối và khoáng chất từ nước tiểu trong thận. Quá trình lắng đọng này được gọi là quá trình tạo sỏi. Kích thước của các viên sỏi sẽ dao động từ vài mm đến vài cm. Bệnh lý này thường gặp ở nam giới trung niên, tuổi mắc bệnh thường từ 30 – 55 tuổi. Bởi nam giới có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi khó có thể tự đào thải như ở nữ giới.
Sỏi thận thường được phân loại theo thành phần hóa học, bao gồm các loại như sau:
- Sỏi calcium: Đây là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm 80-90%, gồm sỏi Calci Phosphat, Calci Oxalat. Trong đó, Calci Oxalat chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới như Việt Nam. Loại sỏi này rất cứng và cản quang, thường có hình dáng gồ ghề, màu vàng hay màu nâu.
- Sỏi phosphat: Loại sỏi thường gặp là Magnésium Ammonium Phosphate, còn gọi là sỏi nhiễm trùng. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng niệu lâu ngày gây ra, đặc biệt là vi khuẩn proteus. Sỏi này có màu vàng và hơi bở. Với loại sỏi này thường có kích thước rất lớn, có khả năng lấp kín các đài bể thận gây ra sỏi san hô.
- Sỏi acid uric: Được hình thành do quá trình chuyển hóa chất purine tăng cao trong cơ thể. Các nguyên nhân có khả năng làm tăng chuyển hoá purine có thể kể đến như sử dụng nhiều thức ăn có chứa nhiều chất purine như lòng bò, lòng heo, thịt cá khô, nấm…Ngoài ra cũng có thể do bệnh nhân mắc Bệnh Gút (Goutte) và do sự phân hủy các khối ung thư khi dùng thuốc hóa trị liệu.
- Sỏi cystine: Bị hình thành do sai sót của việc tái hấp thu chất cystine tại ống thận. Sỏi này gần như rất ít gặp ở Việt Nam. Sỏi cystine là sỏi không cản quang và có bề mặt trơn láng.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận
Theo đánh giá của các chuyên gia Thận – Tiết niệu hàng đầu, sỏi thận được hình thành có thể do nước tiểu có chứa quá nhiều các hóa chất. Trong nhóm hóa chất này điển hình có thể kể đến như Axit Uric, Canxi hay Cystine. Trên thực tế ghi nhận đến khoảng 85% sỏi thận hình thành xuất phát từ nguyên nhân là sự lắng đọng Canxi. Tôi sẽ liệt kê một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc hình thành bệnh sỏi thận:
- Ăn quá nhiều muối: Muối là loại gia vị được sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Bà con nạp quá nhiều muối vào cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình đào thải Natri, làm tăng ion Canxi tại ống thận. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để sỏi Canxi hình thành.
- Ăn quá nhiều thực phẩm chứa đạm: Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng được kể đến. Các loại đạm trong cá, thịt sẽ làm giảm nồng độ PH trong nước tiểu, từ đó gia tăng bài tiết Canxi, đồng thời giúp làm giảm khả năng hấp thụ Citrate dẫn đến việc hình thành sỏi.
- Béo phì: Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu chỉ số khối cơ thể cao, kích thước vòng eo quá lớn thì nguy cơ mắc sỏi thận của bạn sẽ cao hơn so với người có chỉ số ở mức bình thường.
- Nạp Canxi và Vitamin C sai cách: Thường xuyên sử dụng Vitamin C và Canxi trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thừa chất. Bởi Vitamin C bị chuyển hóa thành Oxalat, còn Canxi sẽ ức chế việc hấp thu sắt và kẽm. Việc thừa chất cũng sẽ gây quá tải ở thận và tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
- Do ảnh hưởng của một số bệnh lý về tiêu hóa: Viêm loét dạ dày hay tiêu chảy… cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành sỏi thận Oxalat Canxi. Theo đó, tiêu chảy sẽ làm giảm một lượng chất lỏng đáng kể trong cơ thể, từ đó dẫn đến giảm lượng nước tiểu. Khi lượng nước tiểu giảm còn nồng độ Oxalate trong nước tiểu lại cao sẽ dẫn đến việc hình thành sỏi thận.
- Di truyền: Bệnh sỏi thận có thể hình thành bởi di truyền từ gen. Nếu trong gia đình có người mắc sỏi thận, nguy cơ mắc bệnh lý này của các thành viên khác cùng huyết thống cũng sẽ cao hơn so với bình thường.
Triệu chứng điển hình của bệnh sỏi thận
Tôi khuyên bà con cần thường xuyên chú ý đến sức khỏe của bản thân, bởi triệu chứng của bệnh sỏi thận dù dễ nhận biết nhưng cũng có thể nhầm với các bệnh lý khác. Cụ thể như:
Các cơn đau quặn thận:
Biểu hiện rõ ràng nhất, người bệnh có thể phát hiện được khi thận có sỏi là chúng gây ra những cơn đau dữ dội, đến mức người ta gọi đó là “cơn đau bão thận” hay “cơn đau quặn thận”.
Sỏi thận gây đau ở vùng hố thắt lưng một bên, sau đó lan ra phía trước và xuống dưới. Khi bệnh mới ở giai đoạn khởi phát, các cơn đau xuất hiện rất đột ngột, đặc biệt sau khi bệnh nhân có một hoạt động dùng nhiều sức lực. Sau đó, ở giai đoạn tiếp theo cường độ đau mạnh hơn. Người bệnh thường bị đau quằn quại, vật vã, luôn muốn tìm một tư thế giảm đau nhưng không được.
Nếu gặp các triệu chứng này, người bệnh cần phải đến ngay các cơ quan y tế và bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các biện pháp giúp giảm cơn đau do sỏi thận. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà.
Tiểu tiện bất thường:
- Bế hoặc tắc đường tiểu: Đường tiểu giống như một ống nước nên khi hòn sỏi xuất hiện gây ra tình trạng tắc nghẽn và bế tắc dòng nước đó. Cụ thể gây ra các hiện tượng như bí tiểu, bế tắc thận và thận ứ nước căng to. Các dấu hiệu này có thể giống với nhiều bệnh khác nên người bệnh cần thăm khám với bác sĩ có chuyên môn để được phân tích nguyên nhân và chẩn đoán chính xác.
- Đi tiểu ra máu: Với các trường hợp sỏi có bề mặt nhám hay gai san hô,… khi cọ xát với đường tiểu gây ra hiện tượng tiểu ra máu. Bình thường, bệnh sỏi thận sẽ không gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hoạt động nhiều hay vận động mạnh thì vẫn có khả năng gây tiểu ra máu.
Buồn nôn hoặc nôn:
Với những người mắc bệnh sỏi thận thì hệ tiêu hóa cũng sẽ bị tác động. Đây cũng chính là lý do mà người bệnh luôn cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.
Sốt và ớn lạnh:
Sỏi thận khi di chuyển, cọ xát vào thành niêm mạc của niệu quản sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Lúc này, người bệnh sẽ sốt và cơ thể cảm thấy ớn lạnh.
Những biến chứng nguy hiểm người bệnh có thể gặp phải
Gần như tất cả các loại sỏi thận sẽ đào thải tự nhiên ra bên ngoài theo đường nước tiểu. Quá trình này có thể gây ra đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, với các trường hợp không can thiệp điều trị kịp thời và kích thước sỏi quá lớn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Có thể kể ra như:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Bệnh nhân sỏi thận có thể bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi viên sỏi cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu trong quá trình di chuyển từ thận xuống dưới niệu quản.
- Viêm bể thận cấp: Tình trạng nhiễm khuẩn của người bệnh trong trường hợp không được xử lý kịp thời có thể gây ra viêm bể thận cấp. Với một số trường hợp khác, biến chứng này của sỏi thận có thể xảy ra do vi khuẩn đi ngược dòng trong niệu quản tấn công gây viêm thận.
- Viêm bể thận mạn tính: Viêm bể thận cấp tái lại nhiều lần có thể phát triển sang giai đoạn mãn tính. Khả năng hấp thụ của thận bị suy giảm, chức năng lọc máu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bệnh sỏi thận chuyển sang giai đoạn mãn tính.
- Thận bị ứ nước: Nước tiểu nếu không được đào thải ra ngoài bình thường sẽ gây ra bệnh thận ứ nước. Mức độ nguy hiểm cũng sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ nước bị ứ đọng. Nếu niệu quản bị giãn trên tuần 6 tuần khả năng phục hồi mô thận vô cùng khó khăn. Biến chứng của bệnh sỏi thận gây thận ứ nước cũng có thể làm teo ống thận và tủy thận, từ đó gây ra nhiều nguy hiểm đến người bệnh.
- Bệnh suy thận mạn :Trước khi bị thận mạn người bệnh cũng có thể mắc suy thận cấp. Càng về giai đoạn sau này, những ảnh hưởng của suy thận đến chức năng hoạt động của thận càng trầm trọng. Đặc biệt khi ở giai đoạn mãn tính thận sẽ không thể phục hồi như trước dù có can thiệp điều trị.
- Vỡ thận: Khi thận bị ứ nước quá nhiều trong một thời gian kéo dài, kèm theo tình trạng vách thận mỏng có thể gây ra vỡ thận.
Biện pháp điều trị TỐT NHẤT HIỆN NAY
Người bệnh sau khi thăm khám sẽ được bác sĩ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Cụ thể:
Điều trị sỏi thận bằng biện pháp Tây Y
Với những trường hợp sỏi còn nhỏ và có ít triệu chứng thì có thể điều trị bằng thuốc giảm đau, đồng thời uống nhiều nước để loại thải sỏi ra ngoài. Như:
- Giảm đau: Bác sĩ thường sẽ sử dụng thuốc kháng viêm không steroid trong các trường hợp này và tiêm tĩnh mạch Diclofenac (Voltarene ống 75mg). Với một số trường hợp, cách này không có hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc việc sử dụng Morphin.
- Thuốc giãn cơ trơn: Tiêm tĩnh mạch Drotaverin, Buscopan, …
- Kháng sinh: Nếu người bệnh có dấu hiệu bị nhiễm trùng, thường sẽ sử dụng các loại kháng sinh có tác dụng trên vi khuẩn gram âm như Quinolone, Cephalosporin thế hệ 3 và các Aminoside. Nếu bệnh nhân bị suy thận thì sẽ tùy theo mức độ suy thận để thay đổi liều lượng và tránh dùng Aminoside.
Khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả với các cơn đau quặn thận, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật sớm để giải quyết tắc nghẽn. Tùy vào cơ địa từng bệnh nhân, số lượng và kích thước sỏi, cũng như tình trạng chức năng thận từng bên,… bác sĩ sẽ quyết định cần dùng phương pháp điều trị nào. Gồm có: kỹ thuật điều trị ít xâm lấn (nội soi tán sỏi thận qua da siêu nhỏ, nội soi tán sỏi qua da, nội soi niệu quản) và kỹ thuật không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể).
Bài thuốc dân gian điều trị tại nhà
Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu trong lĩnh vực YHCT, tôi biết một số loại thảo dược quanh vườn nhà có thể giúp bà con giảm đau, lợi tiểu. Các trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian điều trị tại nhà như:
- Dùng dứa kết hợp với phèn chua: Người bệnh sử dụng 1 quả dứa, gọt vỏ và đem khoét một lỗ nhỏ ở giữa lõi. Chuẩn bị thêm khoảng 0,3g phèn chua nhét vào lỗ đã khoét ở lõi dứa, sau đó đem quả dứa đi nướng chín hoặc hấp cách thủy. Ép quả dứa đã nướng để lấy nước uống. Chia nước làm 2 phần uống vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng hôm sau khi thức dậy. Thực hiện đều đặn trong thời gian 7 ngày.
- Sử dụng hoa đu đủ đực: Người bệnh chuẩn bị 30g hoa đu đủ đực tươi, sau đó đem rửa sạch. Sắc hoa cùng với 5 bát nước cho đến khi cô lại chỉ còn 2 bát. Duy trì uống nước đều vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Thực hiện đều đặn trong vòng 5 đến 7 ngày.
- Sử dụng rau ngổ với muối: Người bệnh chuẩn bị 50g rau ngổ, đem rửa sạch và ngâm trong nước muối. Tiếp đó giã nát rau ngổ cùng một ít muối ăn và chắt lấy nước cốt chia uống 2 lần mỗi ngày. Thực hiện liên tục trong thời gian 1 tuần, người bệnh sẽ thấy được hiệu quả.
Hướng dẫn bà con phòng ngừa bệnh sỏi thận
Với hơn 20 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh, Tuấn tôi mạo muội đề xuất bà con một số biện pháp, thói quen sinh hoạt tốt để phòng bệnh sỏi thận, mọi người có thể tham khảo:
- Bỏ qua thói quen sinh hoạt xấu để phòng ngừa bệnh với các biện pháp như: Tránh các loại nước ngọt, nước giải khát; giảm lượng natri trong chế độ ăn; hạn chế các loại thịt đỏ, nên bổ sung các loại protein từ các loại gia cầm. Không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn như: khoai tây chiên, bánh mì, các loại phomat và giảm lượng đường trong các bữa ăn. Ngoài ra, hạn chế thực phẩm chứa nhiều canxi hay các loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic tương đối cao như táo, tỏi, hành tây, cà phê, ca cao, nước chè, rượu.
- Sử dụng các loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh thận như rau xanh, cá hồi, lòng đỏ trứng,… và uống nhiều nước.
- Đồng thời cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ và đạp xe để có sức khỏe tốt, từ đó loại trừ các nguy cơ gây bệnh.
Trên đây là một số thông tin về bệnh sỏi thận mà tôi đã tổng hợp lại. Hi vọng giúp người bệnh có thể thêm kiến thức để phòng ngừa và điều trị căn bệnh này tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!