Ngứa Da

Ngứa da là một triệu chứng phổ biến mà hầu hết ai cũng đều gặp phải trong đời. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn kiểm soát và giảm thiểu tình trạng ngứa một cách hiệu quả nhất.

Ngứa da là bệnh gì?

Ngứa da là một cảm giác khó chịu, bứt rứt trên da, khiến người ta muốn gãi để giải tỏa. Khi da tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng, các tế bào thần kinh cảm giác dưới da sẽ bị kích hoạt, truyền tín hiệu đến não bộ tạo ra cảm giác ngứa. Não bộ sẽ phản ứng bằng cách gửi tín hiệu quay lại da, thúc đẩy hành động gãi để loại bỏ tác nhân gây kích ứng. Đây là một triệu chứng phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân, từ các yếu tố bên ngoài đơn giản đến các bệnh lý da liễu và nội khoa nghiêm trọng hơn.

Ngứa da là một cảm giác khó chịu, bứt rứt trên da,
Ngứa da là một cảm giác khó chịu, bứt rứt trên da,

Nguyên nhân gây ngứa da

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng da bị ngứa có thể kể tới như sau:

Bệnh lý da liễu:

  • Viêm da cơ địa: “Cơn ác mộng” của nhiều người với da khô, mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa dữ dội, thường gặp ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
  • Vẩy nến: Tình trạng da dày sần, bong tróc, ngứa ngáy, thường xuất hiện mảng đỏ, gây khó chịu.
  • Ghẻ: Do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra, lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, gây ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.
  • Nấm da: Nhiễm nấm ở các bộ phận như kẽ ngón chân, bẹn, háng… gây ngứa, bong tróc, mẩn đỏ.
  • Dị ứng da: Phản ứng với các chất kích ứng như xà phòng, nước hoa, côn trùng cắn… gây mẩn đỏ, ngứa ngáy.

Bệnh lý nội khoa:

  • Suy thận: Khiến da khô, ngứa ngáy do tích tụ độc tố trong cơ thể.
  • Bệnh gan: Gây vàng da, ngứa ngáy do rối loạn chuyển hóa bilirubin.
  • Tiểu đường: Biến chứng thần kinh có thể dẫn đến ngứa da, đặc biệt ở chi dưới.
  • Rối loạn tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc thiếu hụt đều có thể gây ngứa da.
  • Ung thư: Một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư máu, có thể gây ngứa da do giải phóng histamine.

Yếu tố bên ngoài:

  • Thời tiết hanh khô: Khiến da mất độ ẩm, dẫn đến khô rát, ngứa ngáy.
  • Côn trùng cắn: Vết cắn của muỗi, ong, kiến… gây ngứa, sưng tấy, mẩn đỏ.
  • Quần áo len: Chất liệu len dày, thô ráp có thể gây kích ứng da, ngứa ngáy.
  • Xà phòng, nước hoa: Một số loại chứa chất tạo mùi, chất bảo quản gây kích ứng da, ngứa ngáy.
  • Căng thẳng: Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng histamine, dẫn đến ngứa da, nổi mẩn.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, có thể gây ngứa da như tác dụng phụ.

Ngứa da ảnh hưởng đến cơ thể ra sao?

Ngứa da không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến cơ thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh, cụ thể như sau:

Ảnh hưởng tâm lý

Tình trạng ngứa xảy ra liên tục có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Người bị ngứa thường cảm thấy khó chịu, bực bội và mất tập trung. Tình trạng ngứa kéo dài còn có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Tổn thương da

Việc gãi thường xuyên để giảm ngứa có thể gây ra tổn thương cho da như sau:

  • Gãi mạnh có thể làm da bị trầy xước, chảy máu và đau đớn.
  • Bạn nên hạn chế gãi bởi hành động này có thể dẫn đến viêm da, làm da sưng đỏ và nhiễm trùng.
  • Khi da bị tổn thương và phục hồi liên tục, lớp da có thể trở nên dày và sần sùi, gây mất thẩm mỹ và khó chịu.
Hãnh động gãi có thể làm tổn thương da
Hãnh động gãi có thể làm tổn thương da

Nguy cơ nhiễm trùng

Khi da bị trầy xước và tổn thương do gãi, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da. Những nhiễm trùng này có thể lan rộng và trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Gián đoạn hoạt động

Ngứa da mãn tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các hoạt động hàng ngày như làm việc, học tập và giao tiếp xã hội có thể bị gián đoạn do cảm giác ngứa ngáy không ngừng. Người bị ngứa da thường cảm thấy xấu hổ và tự ti về tình trạng của mình, ảnh hưởng đến sự tự tin và mối quan hệ xã hội.

ức khỏe toàn thân

Ngứa rất có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh gan, bệnh thận hoặc rối loạn hệ miễn dịch. Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời các nguyên nhân cơ bản của ngứa da là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe chính mình.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp những dấu hiệu được liệt kê bên dưới đây, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  • Nếu ngứa da kéo dài hơn 2 tuần mà không giảm dù đã thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà.
  • Khi ngứa kèm theo các triệu chứng như sưng, phát ban lan rộng, khó thở hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Nếu ngứa da gây mất ngủ, khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
  • Vùng da bị ngứa không khu trú mà lan rộng khắp cơ thể, có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng.
  • Ngứa kèm theo sốt cao có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lý cần điều trị khẩn cấp.
  • Nếu bạn nghi ngờ ngứa là do phản ứng dị ứng với thuốc, đặc biệt là nếu có dấu hiệu sưng, phát ban hoặc khó thở.
  • Người có bệnh gan, thận, tiểu đường hoặc các bệnh lý mãn tính khác cần gặp bác sĩ nếu ngứa da xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn.
Bạn cần gặp bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài
Bạn cần gặp bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài

Chẩn đoán bệnh

Một số phương pháp để chẩn đoán thường được bác sĩ thường sử dụng bao gồm:

  • Hỏi bệnh sử và tiền sử: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về các bệnh lý hiện có và thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng cũng như thời gian, diễn biến và các triệu chứng kèm theo của ngứa da.
  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra vùng da bị ngứa, căng da để phân biệt các bệnh ngoài da.
  • Xét nghiệm công thức máu: Được thực hiện để tìm ra các nguyên nhân như dị ứng, thiếu máu hoặc các rối loạn về tủy xương.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Giúp bác sĩ phát hiện các rối loạn về chức năng gan, thận và mức độ đường huyết.
  • Test lẩy da: Được sử dụng để xác định tác nhân gây dị ứng.

Cách điều trị ngứa da

Dưới đây là những cách điều trị ngứa da hiệu quả nhất mà chúng tôi đã tổng hợp được, cụ thể như sau:

Trị ngứa tại nhà

Dưới đây là một số mẹo đơn giản, dễ làm, bạn có thể thực hành ngay tại nhà của mình:

  • Lá chanh tươi: Lá chanh có tác dụng làm mát và giảm ngứa. Bạn có thể áp dụng lá chanh tươi lên vùng da bị ngứa.
  • Bột nghệ: Bột nghệ có tính kháng viêm và làm dịu da. Hãy pha bột nghệ với nước để tạo thành một hỗn hợp và thoa lên vùng da ngứa.
  • Cây lô hội: Lô hội có tác dụng làm dịu và lành vết thương. Bạn có thể lấy gel từ lá lô hội và thoa lên vùng da ngứa.
  • Lá kinh giới: Lá kinh giới sau khi rửa sạch có thể sao hoặc phơi khô. Sau đó, nấu khoảng 50g lá kinh giới cùng với 2 lít nước cho đến khi cạn còn khoảng 1.5 lít nước. Chấm lấy nước này để uống trong ngày, có thể thay thế nước lọc.
  • Cam thảo: Cam thảo là một loại dược liệu được biết đến với tính chất làm dịu và giảm ngứa cao. Bạn có thể hãm khoảng 8g cam thảo với nước sôi, ngâm khoảng 5 phút rồi lọc ra và uống. Sử dụng thường xuyên có thể giúp giảm triệu chứng ngứa hiệu quả.
  • Mướp đắng: Ngoài tác dụng làm thực phẩm, mướp đắng còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và giảm ngứa. Bạn có thể sử dụng 2 trái mướp đắng, đem đun cùng nước và uống trong suốt ngày để giảm ngứa ngoài da.

Sử dụng thuốc bôi

Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng bao gồm:

  • Thuốc làm dịu da, kháng khuẩn nhẹ: Các loại này thường được sử dụng vào giai đoạn bệnh mới khởi phát, giúp làm dịu da, kháng viêm nhẹ và hỗ trợ quá trình phục hồi như Hồ nước, kẽm oxyd 10%. Lưu ý không nên sử dụng trên vùng da bị tổn thương do nhiễm khuẩn.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Được chỉ định khi ngứa da nặng và khó chịu. Các loại corticoid từ nhẹ đến mạnh như Hydrocortison acetat, Prednisolon acetat, Aclometason, Triamcinolon acetonid, Betamethason valerat, Fluocinolon acetonid, Desoximetason, Hydrocortison butirat, Clobetason propionate, Betamethason dipropionat.
  • Kem dưỡng ẩm để chữa ngứa da: Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm cho da, giúp ngăn ngừa tình trạng khô da và ngứa. Các thành phần như vitamin E, Glycerin thường được sử dụng trong các sản phẩm này.
  • Thuốc kháng sinh bôi ngoài: Được dùng khi ngứa da mùa đông có nguyên nhân từ nhiễm khuẩn. Một số loại như Bactroban ointment, Dipolac G, Fusidicort thường được bác sĩ chỉ định.
  • Thuốc bôi ức chế miễn dịch calcineurin: Có tác dụng tương tự như corticoid nhưng không gây ra các tác dụng phụ như mòn da hay teo da.
Thuốc bôi chứa corticoid là loại thuốc được sử dụng phổ biến
Thuốc bôi chứa corticoid là loại thuốc được sử dụng phổ biến

Thuốc uống trị ngứa

Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị ngứa da:

  • Thuốc kháng histamine: Được sử dụng để giảm các triệu chứng dị ứng, bao gồm ngứa da. Các loại thuốc như cetirizine, loratadine, fexofenadine có thể giúp làm giảm ngứa và kích ứng da.
  • Corticosteroid uống: Trường hợp ngứa da nghiêm trọng do viêm da cơ địa hay các vấn đề da liễu khác, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng corticosteroid uống để giảm viêm và các triệu chứng ngứa.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Các loại thuốc như ibuprofen hoặc aspirin có thể giúp giảm ngứa trong trường hợp ngứa do viêm.
  • Thuốc điều trị bệnh lý nội khoa: Nếu ngứa da là biểu hiện của các bệnh lý nội khoa như bệnh gan, bệnh thận, bệnh tiểu đường, điều trị bệnh lý cơ thể cũng giúp cải thiện triệu chứng ngứa.
  • Thuốc chống nấm: Trong trường hợp ngứa da do nấm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống nấm uống để điều trị.

Cách phòng tránh ngứa da

Để phòng tránh ngứa da, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây để giảm thiểu nguy cơ và duy trì sức khỏe da:

  • Sử dụng kem dưỡng da và sản phẩm chăm sóc da không chứa hóa chất gây kích ứng, như paraben, sulfate, hay màu nhuộm nhân tạo. Chọn sản phẩm chứa thành phần tự nhiên và dịu nhẹ để giữ cho làn da mềm mại và khoẻ mạnh.
  • Duy trì độ ẩm cho da bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt là sau khi tắm hoặc khi da khô. Da ẩm mượt sẽ ít bị ngứa và kích ứng hơn.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây dị ứng như thuốc lá, hóa chất trong mỹ phẩm và sản phẩm làm sạch. Đeo găng tay khi làm việc với các chất có thể gây kích ứng da.
  • Tắm sạch bằng nước ấm (không quá nóng) và sử dụng xà phòng hoặc sản phẩm làm sạch dịu nhẹ. Lau khô da bằng khăn mềm sau khi tắm để tránh tình trạng da khô và ngứa.
  • Ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng và uống đủ nước để giúp cơ thể và da luôn khỏe mạnh từ bên trong.
  • Stress có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề da. Bạn có thể thử các bộ môn như yoga, tập thể dục hay thiền để giúp cơ thể thoải mái, giảm áp lực và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Lựa chọn quần áo rộng rãi, mềm, thoáng khí và đặc biệt là không gây kích ứng cho da. Giặt quần áo sạch sẽ bằng các sản phẩm giặt tốt cho da nhạy cảm.
Bạn cần lựa chọn loại kem dưỡng phù hợp
Bạn cần lựa chọn loại kem dưỡng phù hợp

Bài viết trên đây đã giúp bạn nắm được các thông tin liên quan tới tình trạng ngứa da. Nếu bạn cũng đang gặp phải vấn đề ngứa kéo dài hoặc nghiêm trọng, hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Đặc biệt là hãy chăm sóc và bảo vệ làn da của bạn để luôn cảm thấy thoải mái và tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng này, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi